Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4626/BNN-KTHT
V/v tăng cường chỉ đạo triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 07/5/2015 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành của địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Công văn số 1537/BNN-TCCB ngày 14/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chú trọng vào một số nội dung sau:

1. Nâng cao chất Iượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

a) Rà soát kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2015 cho phù hợp với nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất ở địa phương. Chi tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề.

b) Đối tượng dạy nghề nông nghiệp là nông dân nòng cốt tại địa phương, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau đại học, tập trung vào các đối tượng ưu tiên sau:

- Lao động nông thôn làm kỹ thuật nông nghiệp cần có chứng chỉ nghề theo quy định như: thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản; người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, dẫn tinh viên, người quản lý thủy nông cơ sở; đào tạo cho các chủ trang trại về kỹ thuật và quản lý.

- Nông dân làm nghề yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc gia cầm; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; chế biến nông lâm thủy sản; cơ khí nông nghiệp...

- Nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, có hợp đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

- Nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình giảm nghèo (Chương trình 135, 30a) và các chương trình, đề án khác.

c) Tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp linh hoạt, đa dạng; đào tạo ngay tại làng, xã, thôn, bản, ấp... hoặc các cơ sở sản xuất tiến bộ, lấy thực hành là chính, đảm bảo cho người lao động học xong nghề có kỹ năng tay nghề cao.

d) Các cơ sở tham gia dạy nghề nông nghiệp phải có đủ điều kiện về giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo quy định, trong đó ưu tiên lựa chọn các cơ sở có kinh nghiệm dạy nghề nông nghiệp, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt tham gia đào tạo. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện, tổ chức dạy nghề kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động.

đ) Thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình khác nhau (như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quỹ hỗ trợ nông dân; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình phát triển thủy sản; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm...); lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh trong quá trình đào tạo nghề nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

e) Củng cố và tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở đảm bảo cho Trung tâm khuyến nông tỉnh đủ điều kiện tham gia dạy nghề theo các tiêu chí của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiến tới trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác dạy nghề nông nghiệp ở các địa phương; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm, trại để làm cơ sở thực nghiệm cho dạy nghề nông nghiệp.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn đối với nông dân học nghề nông nghiệp

a) Tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thông tin thị trường hàng hóa, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp …; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp của địa phương để người dân hiểu rõ chủ động, đăng ký học nghề.

b) Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn trong quá trình đào tạo nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thông tin rộng rãi về những người lao động của mình đã thành công sau học nghề.

c) Tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề để học và có điều kiện làm nghề sau khi học.

d) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh ... trong việc tuyên truyền, giúp đỡ hội viên, đoàn viên tham gia học nghề nông nghiệp và việc làm, phát triển sản xuất sau khi được đào tạo nghề.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp

a) Tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (bao gồm cả khâu chuẩn bị kế hoạch, nội dung phương pháp và tổ chức đào tạo).

b) Tổ chức đánh giá hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp để có giải pháp chỉ đạo kịp thời phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Trong quá trình thực hiện kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- BCĐ thực hiện QĐ 1956 của Bộ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT (thực hiện);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực
thuộc TW (phối hợp);
- Lưu: VT, KTHT.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát