UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 473/UBND-NC | Bến Tre, ngày 24 tháng 02 năm 2006 |
Kính gửi: | - Các sở, ngành tỉnh; |
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 có hiệu lực từ ngày 01/4/2005 đã quy định rõ trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp. Song các cơ quan, đơn vị tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2005 vẫn chưa đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định. Như: đa số trường hợp không tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo văn bản, có trường hợp không gửi văn bản thẩm định hoặc gửi thẳng cho Uỷ ban nhân dân để Uỷ ban nhân dân phải có công văn gửi cơ quan Tư pháp thẩm định; hồ sơ trình quyết định, chỉ thị cho Uỷ ban nhân dân không đầy đủ; văn bản không có tính pháp quy lại gửi thẩm định....
Để việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 đã quy định; trong khi chưa có nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; nhằm thực hiện bước đầu về cải cách hành chính trong xây dựng thể chế để đưa công tác vào nề nếp, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Công văn này hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tham mưu của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị khi giúp Uỷ ban nhân dân soạn thảo quyết định, chỉ thị phải thực hiện những công việc cần thiết sau:
1. Trước hết cán bộ được phân công soạn thảo quyết định, chỉ thị phải nghiên cứu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân để nắm vững nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân từng cấp. Đồng thời nghiên cứu Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ ngày 06/5/2005 để thực hiện đúng thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
2. Đối với việc soạn thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị:
a) Khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị phân công cơ quan chuyên môn soạn thảo quyết định, chỉ thị hoặc cơ quan chuyên môn chủ động đề xuất việc soạn thảo quyết định, chỉ thị thì phải tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân. Những ý kiến đóng góp cho dự thảo quyết định, chỉ thị được cơ quan soạn thảo chọn lọc để hoàn chỉnh văn bản; đồng thời phải có bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị đó, tiếp theo phải soạn thảo tờ trình và trực tiếp gửi hồ sơ cho cơ quan thẩm định (ở cấp tỉnh là Sở Tư pháp, ở cấp huyện là Phòng Tư pháp), chứ không được chuyển thẳng về Uỷ ban nhân dân.
b) Hồ sơ gửi thẩm định, bao gồm:
+ Công văn yêu cầu thẩm định của cơ quan soạn thảo quyết định, chỉ thị;
+ Tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị (tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị phải được photo thành 03 bản);
+ Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị;
+ Các tài liệu có liên quan (kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng, quan hệ xã hội ở địa phương liên quan đến dự thảo; các văn bản về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản Trung ương liên quan đến dự thảo; nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến dự thảo; thông tin, tư liệu liên quan đến dự thảo).
c) Sau khi thẩm định, cơ quan tư pháp làm báo cáo thẩm định gửi cho cơ quan soạn thảo; trên cơ sở báo cáo thẩm định, cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh lại văn bản trước khi trình Uỷ ban nhân dân.
Hồ sơ trình dự thảo quyết định, chỉ thị cho Uỷ ban nhân dân phải đủ các văn bản sau:
+ Tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị;
+ Báo cáo thẩm định;
+ Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị;
+ Các tài liệu khác có liên quan;
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định phải đảm bảo đúng thời hạn luật định trong công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo văn bản cho cơ quan thẩm định trước ngày Uỷ ban nhân dân tỉnh họp là 15 ngày; cơ quan thẩm định phải gửi hồ sơ dự thảo văn bản cho cơ quan dự thảo trước ngày Uỷ ban nhân dân tỉnh họp thông qua là 7 ngày.
Hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, còn đối với văn bản khác thì không thực hiện.
Để công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương vào nề nếp, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện tốt tinh thần Công văn này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Quyết định 17/2007/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 2 Quyết định 17/2007/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre