Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4789/LĐTBXH-VPQGGN
V/v hướng dẫn tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Để triển khai thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

1. Mục đích, yêu cầu điều tra

- Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (thực hiện theo Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 05/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và Thông tư số 24 ngày 06/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 9 năm 2012);

- Xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi cả nước để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

2. Đối tượng, phạm vi điều tra: toàn bộ hộ dân cư trên phạm vi cả nước.

3. Phương pháp điều tra

Kết hợp các phương pháp như: đăng ký của người dân, nhận dạng và phân loại nhanh, ước lượng thu nhập, phương pháp chuyên gia, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

4. Quy trình điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg

Bước 1. Công tác chuẩn bị điều tra:

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của đợt tổng điều tra hộ nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là cấp cơ sở để người dân biết, tham gia thực hiện;

- Thành lập Ban chỉ đạo điều tra hộ nghèo trên cơ sở Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, bao gồm cả thành viên cơ quan thống kê cùng cấp;

- Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức điều tra;

- Tổ chức lực lượng điều tra tại cơ sở bao gồm: trưởng thôn/bản, đại diện các đoàn thể ở cơ sở... là những người có kinh nghiệm về công tác điều tra hộ nghèo, am hiểu đặc điểm của địa phương;

- Tập huấn quy trình, công cụ cho điều tra viên;

- Tổ chức lực lượng giám sát quá trình điều tra của tỉnh, huyện, xã.

Bước 2. Chỉ đạo, tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thôn/bản/ấp/phum/sóc:

a) Xác định, lập danh sách hộ thuộc diện điều tra

+ Danh sách 1: gồm toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cuối năm 2014 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Danh sách 2: gồm các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo đã đăng ký, qua rà soát nhanh bằng phiếu A, có số đặc điểm nhận dạng nhỏ hơn 3 chỉ tiêu;

Tổng hợp danh sách 1 và danh sách 2 thành danh sách hộ gia đình thuộc diện điều tra trên địa bàn.

b) Tổ chức ước lượng thu nhập của hộ gia đình bằng phiếu B1 và B2, trên cơ sở đó tiến hành xác định và phân loại:

- Xác định số lượng hộ nghèo (N) và hộ cận nghèo (CN) trên địa bàn cấp thôn/bản;

- Xác định hộ chắc chắn không nghèo (KN);

- Xác định hộ chắc chắn nghèo (N1 và N2);

- Xác định hộ nghèo cần phải lấy ý kiến người dân để bổ sung vào danh sách hộ nghèo trên địa bàn (N0);

- Xác định hộ có khả năng nghèo (N3 và N4);

- Xác định hộ có khả năng cận nghèo (CN1).

Bước 3. Tổ chức họp xếp hạng các hộ có khả năng nghèo, khả năng cận nghèo, lấy ý kiến người dân trên địa bàn:

- Tổ chức cuộc họp lấy ý kiến nhận dạng hộ gia đình, là những người có kinh nghiệm bao gồm trưởng thôn, bản, đại diện các chi hội đoàn thể để xếp hạng thứ tự các hộ gia đình theo mức từ nghèo nhất trở lên từ danh sách N3, N4 và danh sách CN1;

- Tổ chức cuộc họp với các hộ dân tại cấp thôn, bản, tổ dân phố lấy ý kiến người dân về:

+ Nhận dạng đặc điểm các hộ có khả năng nghèo, cận nghèo;

+ Thứ tự xếp hạng từ nghèo nhất trở lên theo ý kiến của người dân;

Trên cơ sở đó, xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn bằng số lượng N0 và CN đã được xác định qua điều tra.

Bước 4. Niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo qua điều tra ở những nơi người dân dễ tiếp xúc nhất (như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưởng thôn, bản...) trong thời gian 7 ngày làm việc; nếu không có ý kiến khiếu nại của người dân (hoặc đã hoàn thành việc phúc tra khiếu nại), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã theo từng thôn, bản, báo cáo Ban chỉ đạo cấp huyện về kết quả điều tra trên địa bàn.

Bước 5. Sau khi có Quyết định phê duyệt kết quả điều tra của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã làm thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và chỉ đạo thu thập đặc điểm thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo (Phiếu C).

5. Phúc tra kết quả điều tra, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có ý kiến khiếu nại của người dân về kết quả điều tra chưa phản ảnh sát thực tế, Ban chỉ đạo điều tra cấp trên cần tổ chức phúc tra lại kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những địa bàn cần thiết, thông báo công khai để nhân dân biết, trước khi Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

6. Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra

a) Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo ban hành theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg được tổng hợp, báo cáo theo mẫu biểu kèm theo Thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH.

b) Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo ban hành theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg được tổng hợp, báo cáo theo mẫu biểu kèm theo văn bản này, đánh giá theo hai tiêu chí:

- Tỷ lệ hộ nghèo và tổng số hộ nghèo trên địa bàn (bao gồm cả hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội);

- Tỷ lệ hộ nghèo và tổng số hộ nghèo trên địa bàn (không bao gồm đối tượng hộ nghèo bảo trợ xã hội) để làm cơ sở đánh giá kết quả giảm nghèo hàng năm.

7. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo

- Toàn bộ thông tin về đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo (phiếu C) của các địa phương sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cập nhật vào phần mềm quản lý trực tuyến hộ nghèo, hộ cận nghèo thống nhất trên phạm vi cả nước; thời gian cụ thể đề nghị các địa phương chuyển giao phiếu C để xử lý thông tin, sẽ có thông báo sau;

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế, xây dựng, tập huấn và chuyển giao phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các tỉnh, thành phố thông qua Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (Dự án SASSP).

8. Về báo cáo kết quả điều tra

- Trước ngày 15 tháng 12 năm 2015, các tỉnh, thành phố gửi báo cáo sơ bộ kết quả điều tra hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn);

- Trước 15 tháng 01 năm 2016, các tỉnh, thành phố gửi báo cáo chính thức kết quả điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (bao gồm các mẫu biểu tổng hợp) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

9. Kinh phí thực hiện

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí điều tra theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách;

- Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hỗ trợ thêm cho các địa phương từ nguồn kinh phí của Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (Dự án SASSP) một số nội dung cụ thể sau:

+ In và chuyển giao toàn bộ mẫu biểu phiếu thu thập đặc điểm thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Phiếu C);

+ Hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương tổ chức tập huấn cho các điều tra viên;

+ Hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương tổ chức giám sát quá trình và kết quả điều tra ở cơ sở;

+ Hỗ trợ một phần kinh phí cho địa phương để thu thập thông tin phiếu C;

(Mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thông báo sau).

Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc tổ chức thực hiện đồng thời thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ảnh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - tầng 15, Lô D25, số 8b Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ĐT: 043.7478677) để nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn kịp thời./.

(Đề nghị các tỉnh/thành phố truy cập trang website theo địa chỉ: http://giamngheo.molisa.gov.vn để tải bộ tài liệu hướng dẫn điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTg (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng (để biết);
- Các Bộ: KHĐT, TC;
- Văn phòng Chính phủ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Bộ: Vụ KHTC, Cục BTXH; Viện KHKLĐ, Dự án SASSP;
- Lưu: VT, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm