TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/1999/KHXX | Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 1999 |
Kính gửi: Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp
Thông qua công tác giám đốc, thanh tra cũng như thông qua báo cáo công tác xét xử của một số Toà án, Toà án nhân dân tối cao thấy rằng trong thời gian qua một số Toà án khi xét xử, đặc biệt là khi xét xử sơ thẩm đã không thực hiện đúng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên, như việc yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị cáo, thành phần Hội đồng xét xử. Để thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tránh việc bản án bị huỷ do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp một số điểm sau đây:
- Trong trường hợp người bào chữa có mặt mà bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ, không có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối bào chữa, thì Toà án tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp người bào chữa có mặt mà bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì Toà án căn cứ vào các Khoản 2 và 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trong trường hợp Toà án chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì phải hoãn phiên toà. Trong trường hợp Toà án không chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp người bào chữa có mặt (hoặc vắng mặt) mà bị cáo từ chối người bào chữa, thì Toà án lập biên bản về việc bị cáo từ chối người bào chữa. Trong biên bản này phải có chữ ký của bị cáo. Sau khi lập biên bản xong, Toà án tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp người bào chữa vắng mặt tại phiên toà bị cáo không từ chối người bào chữa, thì Toà án căn cứ vào Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự để hoãn phiên toà.
2. Khi xét xử sơ thẩm mà bị cáo là người chưa thành niên, thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự “Thành phần Hội đồng xét xử phải có một hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”; do đó, các Toà án cần phải thực hiện đúng quy định này. Cụ thể là khi phân công Hội đồng xét xử sơ thẩm cần phải xem xét trong danh sách Hội thẩm nhân dân có ai là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để mời họ tham gia Hội đồng xét xử.
Cần lưu ý là khái niệm "giáo viên" được quy định tại Khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự cần được hiểu theo nghĩa rộng của nó, tức là những "nhà giáo" - những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác. Theo quy định tại Chương III Luật giáo dục, thì nhà trường bao gồm: "Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 44); Nhà trường của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 45) và các loại trường chuyên biệt khác, như: Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường phổ thông dân tộc bán trú, Trường dự bị đại học (Điều 56); Trường chuyên, Trường năng khiếu (Điều 57); Trường, lớp dành cho người tàn tật (Điều 58); Trường giáo dưỡng (Điều 59). Về các cơ sở giáo dục khác, thì theo tinh thần quy định tại Điều 60 Luật giáo dục, đó là các cơ sở giáo dục được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Để thực hiện đúng quy định tại Khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự, các Toà án cần rà soát lại trong danh sách Hội thẩm nhân dân đã có thành phần Hội thẩm nhân dân như trên hay chưa? Nếu chưa có thì cần báo cáo ngay bằng văn bản với Hội đồng nhân dân đề nghị bầu bổ sung thành phần Hội thẩm nhân dân như trên. Trong khi Hội đồng nhân dân chưa bầu bổ sung được, thì cần mời Hội thẩm nhân dân là người có nghề nghiệp, chuyên môn hiểu được tâm sinh lý trẻ em hoặc người đã từng là giáo viên hay đã từng làm cán bộ Đoàn thanh niên công sản Hồ Chí Minh tham gia Hội đồng xét xử.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |