Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5576 /BGDĐT-CTHSSV
V/v tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước đang xuất hiện nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do vi rút Adeno, bệnh có nguy cơ gia tăng, lan rộng đặc biệt tại các trường học, nhà trẻ mẫu giáo. Để chủ động phòng, chống và không để dịch bùng phát, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) chủ động phối hợp với các sở y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai một số biện pháp sau:

1. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường; phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện bệnh để thông báo ngay cho gia đình và cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường và cha mẹ học sinh các kiến thức về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ. Giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền tích cực giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

3. Hướng dẫn cho trẻ em, học sinh, sinh viên có ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân, thực hiện vệ sinh phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế (văn bản kèm theo).

4. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường; Thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh.

5. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trường học và các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong trường học.

Nhận được công văn này, yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ: Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Điện thoại/Fax: 04 38680367. E-mail: lvtuan@moet.edu.vn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng
- Bộ Y tế (để p/h chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, thành phố
- Vụ: GDMN, GDTH, GDTrH, GDĐH, GDCN, GDTX, GDDT, Cục NG&CBQLCSGD (để p/h thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ CỦA BỘ Y TẾ

(Kèm theo Công văn số 5576/BGDĐT-CTHSSV ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, cộng đồng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,...

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.