Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 575/TCHQ-GSQL
V/v Xử lý phế liệu, phế phẩm gia công

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2010

 

Kính gửi: Công ty TNHH Samil Vina Việt Nam
( Đ/c: KCN Long Thành - Đồng Nai)

Trả lời Công văn số 10111/KT-SAMIL ngày 11/01/2010 của Công ty TNHH Samil Vina Việt Nam về việc xử lý phế liệu, phế phẩm gia công hàng dệt may, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ hướng dẫn tại điểm 1, điểm 2 công văn số 2964/BTC-TCHQ ngày 18/03/2009 của Bộ tài chính, đối với các hợp đồng gia công thực hiện thanh khoản từ 31/12/2008 trở về trước thì việc xử lý phế liệu, phế phẩm nằm trong tỷ lệ hao hụt được xử lý như sau:

- Đối với phế liệu, phế phẩm nằm trong tỷ lệ hao hụt nhỏ hơn hoặc bằng 3% khi bán vào thị trường nội địa doanh nghiệp không phải nộp thuế nhập khẩu nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế khác theo quy định.

- Đối với phế liệu phế phẩm nằm trong tỷ lệ hao hụt lớn hơn 3% thì doanh nghiệp phải kê khai hải quan, nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) với cơ quan Hải quan đồng thời hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác với cơ quan thuế nội địa.

Trường hợp của Công ty , Biên bản số 51/BB-HC6-LT ngày 18/03/2008 của đại diện Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai và Cục Thuế Đồng Nai được lập trước thời điểm 31/12/2008, do vậy việc xử lý phế liệu, phế phẩm phải thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 2964/BTC-TCHQ dẫn trên. Theo đó, do tỷ lệ hao hụt thực tế để sản xuất sản phẩm của Công ty lớn hơn tỷ lệ 3% cho phép nên Công ty phải thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định đối với phần vượt quá 3%.

Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty được biết./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường