Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2964/BTC-TCHQ
V/v Xử lý thuế đối với phế liệu, phế phẩm gia công dệt may

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2009

 

Kính gửi: 

- Các doanh nghiệp gia công hàng dệt may
- Hiệp hội dệt may Việt Nam;
- Cục thuế tỉnh, thành phố;
- Cục Hải quan tỉnh, thành phố

 

Triển khai thực hịên ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng tại công văn số 7996/VPCP-KTTT ngày 20/11/2008 của Văn phòng Chính phủ về xử lý thuế đối với phế liệu, phế phẩm gia công hàng dệt may của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau: 

1. Đối với phế liệu, phế phẩm nằm trong tỷ lệ hao hụt nhỏ hơn hoặc bằng 3%: 

- Không thu thuế nhập khẩu đối với phế liệu, phế phẩm gia công hàng dệt may nằm trong tỷ lệ hao hụt còn giá trị thương mại sau quá trình gia công với tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng 3% khi doanh nghiệp bán vào thị trường nội địa.

- Doanh nghiệp thực hiện kê khai đầy đủ với cơ quan Hải quan và cơ quan thuế nội địa;

- Phần phế liệu, phếm phẩm này nằm trong phạm vi tỷ lệ hao hụt của định mức đã được thỏa thuận trong hợp đồng gia công;

- Thực tế đúng là vải không nguyên lô, nguyên kiện.

- Khi tiêu thụ nội địa phát sinh doanh thu, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật (phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có)) 

2. Đối với phế liệu, phế phẩm nằm trong tỷ lệ hao hụt lớn hơn 3%:

- Doanh nghiệp phải kê khai hải quan, nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) với cơ quan hải quan đồng thời hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác với cơ quan thuế nội địa.

- Số tiền thuế nhập khẩu phải nộp là số tiền chênh lệch giữa số tiền thuế nhập khẩu của nguyên liệu, vật tư khi nhập khẩu trừ (-) đi số tiền thuế nhập khẩu được miễn. 

3. Trường hợp doanh nghiệp tiêu thụ nội địa mà không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định thì xử lý như sau: 

a- Trường hợp phế liệu, phế phẩm thay đổi mục đích sử dụng tại nhiều thời điểm khác nhau thuộc nhiều hợp đồng gia công, nhiều tờ khai nhập khẩu thì phải dựa trên việc kiểm tra số liệu phế liệu, phế phẩm trên thẻ nhập xuất kho, phiếu xuất kho, sổ nhật ký kho, hóa đơn giá trị gia tăng của phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công nào và thời điểm thay đổi mục đích sửa dụng để tính số thuế được miễn, số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm 1,2 nêu trên. 

b- Trường hợp qua kiểm tra sổ sách, chứng từ không thể xác định được phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công nào và thời điểm thay đổi mục đích sửa dụng do sổ sách chứng từ kế toán không đầy đủ, không có sổ sách kế toán hoặc sổ sách kế toán phản ảnh không đầy đủ, chính xác thì yêu cầu doanh nghiệp tự xác định số lượng phế liệu, phế phẩm; thời điểm đã thay đổi mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa thuộc hợp đồng gia công nào, tờ khai nhập khẩu nào và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định đó.

4. Việc hoàn thuế đối với một số doanh nghiệp đã nộp thuế truy thu đối với phế liệu, phế phẩm:

Cục hải quan tỉnh, thành phố thông báo cho doanh nghiệp tự khai, rà sóat xác định lại tỷ lệ phế liệu, phế phẩm được miễn thuế theo hướng dẫn tại điểm 1,2,3 trên; xác định phần phế liệu, phế phẩm nhỏ hơn hoặc bằng 3% nằm trong tỷ lệ hao hụt không phải nộp thuế, phần vượt quá 3% phải tính thuế theo đúng quy định. Trường hợp số thuế doanh nghiệp đã nộp vượt quá số thuế phải nộp thì hòan thuế cho doanh nghiệp theo quy định. Nguồn hoàn thuế từ ngân sách nhà nước năm 2008.

5.Công văn này áp dụng đối với các hợp đồng gia công/ phụ lục hợp đồng gia công đã thanh khoản từ ngày 31/12/2008 trở về trước.

Đối với các hợp đồng gia công/ phụ lục hợp đồng gia công đăng ký từ 01/01/2009 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số nội dung về thủ tục hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của chính phủ về những giải pháp cấp bách nhắm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Tài chính hướng dẫn để các đơn vị biết; triển khai thực hiện. Đề nghị Hiệp hội dệt may Việt Nam phổ biến, sao gửi công văn này đến các doanh nghiệp nhận gia công hàng dệt may cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp có vướng mắc phát sinh thì kịp thời phản ánh kèm theo đề xuất gửi Bộ Tài chinh (Tổng Cục Hải Quan) để xem xét, giải quyết./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp