Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6249/BTC-HCSN
V/v Nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2012

 

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trả lời công văn số 835/BGDĐT-KHTC ngày 23/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đề nghị hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi đối với hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về sự cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung và mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non:

- Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005 và Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập hoặc do tổ chức, cá nhân thành lập. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Hiện nay Bộ GD&ĐT chưa ban hành văn bản quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với từng cấp học. Theo quy định của Bộ GD&ĐT (Thông tư số 45/2011/TT-BGDĐT ngày 11/10/2011; Quyết định số 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2008 của Bộ GD&ĐT), đối với cấp học mầm non và phổ thông hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước (Phòng GD&ĐT/Sở GD&ĐT) hiện đang thực hiện chức năng kiểm định, đánh giá ngoài đối với hồ sơ kiểm định của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Công tác kiểm định đã bắt đầu được triển khai thực hiện tại các địa phương, tuy nhiên do đây là hoạt động mới, chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung, mức chi đặc thù nên việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GD&ĐT về việc ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời một số nội dung, mức chi đặc thù liên quan trực tiếp đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.

2. Về các nội dung hướng dẫn cụ thể:

a) Đối với quá trình kiểm định chất lượng tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (quá trình tự đánh giá):

- Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, quá trình tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông không bao gồm nội dung về hội thảo, khảo sát trao đổi kinh nghiệm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị không đưa nội dung chi: (i) Tổ chức hội thảo, tập huấn về công tác tự đánh giá; (ii) Tổ chức các chuyến đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong mục chi về thực hiện tự đánh giá của cơ sở giáo dục.

- Căn cứ vào quy trình tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 45/2011/TT-BGDĐT ngày 11/10/2011; Quyết định số 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2008; Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ GD&ĐT về nội dung và mức chi đối với công tác tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục như sau:

+ Thuê chuyên gia tư vấn (trong và ngoài nước) triển khai công tác tự đánh giá: Mức chi theo hợp đồng thỏa thuận nhưng phải bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí của cơ sở giáo dục và tuân theo các quy định hiện hành về tài chính của Nhà nước.

+ Điều tra, thu thập thông tin, xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin, minh chứng, mã hóa chứng minh, viết báo cáo tự đánh giá và các tài liệu liên quan: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Nhà nước.

b) Đối với công tác quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục

Theo nội dung giải trình của Bộ GD&ĐT kèm theo công văn số 835/BGDĐT-KHTC nêu trên, công tác quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục chủ yếu liên quan đến thủ tục về tiếp nhận và xử lý hồ sơ báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; công việc này có tính chất tương tự như công tác quản lý nhà nước thường xuyên khác về quản lý giáo dục tại địa phương. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ được giao; không đặt vấn đề bổ sung thêm nội dung chi đặc thù để thực hiện công tác quản lý riêng về kiểm định chất lượng giáo dục như: (i) Chi soạn thảo tài liệu hoặc sửa chữa, biên tập lại tài liệu về kiểm định chất lượng giáo dục; chi cho công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; (ii) Chi cho cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; (iii) Chi cho việc nhận xét, đánh giá, phản biện báo cáo tự đánh giá.

c) Đối với hoạt động đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục:

(1) Đối với công tác nghiên cứu hồ sơ của đoàn đánh giá ngoài

Theo giải trình của Bộ GD&ĐT, công tác kiểm định chất lượng giáo dục (đánh giá ngoài) đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay do các Phòng GD&ĐT/Sở GD&ĐT triển khai thực hiện. Theo đó, về nguyên tắc các cán bộ, công chức thuộc Phòng GD&ĐT/Sở GD&ĐT có trách nhiệm phải thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc bổ sung thêm nội dung chi chỉ áp dụng đối với các trường hợp đặc thù nhằm khuyến khích, động viên thêm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm nội dung chi liên quan đến công tác nghiên cứu hồ sơ tập trung của đoàn đánh giá ngoài theo mức chi như sau:

+ Trưởng đoàn không quá 200.000 đồng/người/ngày;

+ Thư ký không quá 180.000 đồng/người/ngày;

+ Các thành viên khác không quá 150.000 đồng/người/ngày.

(Bộ Tài chính không thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc bổ sung nội dung và mức chi về nghiên cứu hồ sơ độc lập)

(2) Đối với công tác khảo sát sơ bộ và khảo sát chính thức tại các cơ sở giáo dục:

- Đối với công tác khảo sát sơ bộ: Theo giải trình của Bộ GD&ĐT, về cơ bản nội dung khảo sát sơ bộ tại các cơ sở giáo dục mang tính chất giống như buổi họp trao đổi chuyên môn về dự kiến kế hoạch triển khai công tác đánh giá/khảo sát chính thức tại cơ sở giáo dục. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD&ĐT không đặt vấn đề bổ sung thêm nội dung chi thù lao đối với trưởng đoàn và thư ký khi đến khảo sát sơ bộ tại các cơ sở giáo dục.

- Đối với quá trình khảo sát chính thức: Bộ Tài chính thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc bổ sung nội dung và mức chi thù lao đối với đoàn đánh giá ngoài đến làm việc chính thức tại cơ sở giáo dục đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục, cụ thể như sau:

+ Trưởng đoàn không quá 200.000 đồng/người/ngày;

+ Thư ký không quá 180.000 đồng/người/ngày;

+ Các thành viên khác không quá 150.000 đồng/người/ngày.

(3) Đối với công tác viết báo cáo đánh giá ngoài:

- Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GD&ĐT về sự cần thiết bổ sung nội dung và mức chi cho công tác viết báo cáo đánh giá ngoài nhằm công khai với xã hội về thực trạng chất lượng của nhà trường.

- Về mức chi: Đề nghị áp dụng mức chi khoán theo sản phẩm cuối cùng là không quá 500.000 đồng/báo cáo.

3. Về nguồn kinh phí đảm bảo:

Đề nghị Bộ GD&ĐT nêu rõ trong công văn hướng dẫn các địa phương về nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng như sau: Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT được đảm bảo từ các nguồn thu của đơn vị và cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo hàng năm của địa phương.

Trên đây là ý kiến tham gia của Bộ Tài chính về nội dung, mức chi đối với công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tổng hợp và hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ NSNN;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh