Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 742/UBND-ĐT
V/v tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Quy hoạch - Kiến trúc, Y tế, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao, Khoa học và Công nghệ;
- Công an Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;
- Các Báo: Hà Nội mới, Kinh tế và Đô thị.

Căn cứ kết quả vận hành hệ thống quan trắc không khí tự động của Thành phố, trong năm 2020, chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố duy trì mức “Tốt”, “Trung Bình” là chủ yếu, tỷ lệ % số ngày chất lượng không khí đạt mức “Tốt” 49.0%7 “Trung bình” 39.6%, “Kém” 8.8%, “Xấu” 2.2% và “Rất xấu” 0.3%; xuất hiện 04 đợt ô nhiễm kéo dài từ 5-9 ngày (nồng độ bụi mịn PM2.5 > 100μg/m3). So với năm 2019, chất lượng không khí tại Thành phố đã có sự cải thiện đáng kể (trong năm 2019, chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội chủ yếu đạt mức "Trung bình". Tỷ lệ % số ngày chất lượng không khí đạt mức “Tốt” 9.6%, “Trung bình” 67.7%, “Kém” 17.0%, “Xấu” 5.8%; xuất hiện 05 đợt ô nhiễm kéo dài từ 6-10 ngày).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (có sao gửi kèm theo); các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 (về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố), Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 (về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn Thành phố), Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 (về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố) và Văn bản số 53/UBND-ĐT ngày 06/01/2021 của UBND Thành phố (về việc triển khai các biện pháp cải thiện Chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn Thành phố).

Quá trình thực hiện, các sở, ngành chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn (nếu có vướng mắc) các cơ quan chuyên ngành trung ương để thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ được giao.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường, đảm bảo cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn Thành phố làm cơ sở xây dựng kế hoạch ngắn hạn/trung hạn/dài hạn về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng, ứng dụng phần mềm mô hình hóa, dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí.

- Đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ.

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra các cơ sở sản xuất/kinh doanh/dịch vụ thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh lượng bụi, khí thải lớn. Xử lý nghiêm các cơ sở, hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất/kinh doanh/dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, hoàn thành xong trong Quý II/2021.

- Khẩn trương phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công thương và các quận, huyện, thị xã rà soát tổng hợp danh mục, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

- Phối hợp các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố trong Quý II/2021; đảm bảo trong năm 2021 không còn trình trạng đốt rơm rạ.

- Phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai Chương trình đo kiểm khí thải xe gắn máy, mô tô trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND Thành phố giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

- Là cơ quan chủ trì đôn đốc các Sở, ngành, quận huyện thị xã thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác bảo vệ môi trường không khí; tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố báo cáo kết quả triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Giao Sở Xây dựng:

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng, xử lý phế thải xây dựng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...).

- Rà soát, báo cáo về diện tích, mật độ cây xanh, mặt nước trong đô thị; tham mưu báo cáo UBND Thành phố kế hoạch, lộ trình tăng mật độ cây xanh đô thị, xây dựng tiêu chí xanh, mật độ cây xanh khi thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở.

- Chủ trì hướng dẫn các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải; tăng cường tưới nước rửa đường trong những ngày hanh khô để giảm nồng độ bụi trong không khí.

4. Giao Sở Công thương:

- Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục các cơ sở sản xuất than tổ ong/bếp than trên địa bàn; tăng cường vận động, xây dựng mức hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi loại hình kinh doanh.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp tập trung; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện thị xã tăng cường vận động, di dời các làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp để kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên các ngành nghề tái chế phế thải có phát sinh khí thải.

5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:

- Rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị công bố thông tin về chất lượng môi trường không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 73/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; Xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng theo nội dung Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

- Định hướng, quán triệt các cơ quan báo chí, truyền hình sử dụng thông tin chất lượng môi trường do các cơ quan có thẩm quyền.

6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ xử lý, tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận huyện thị xã kiểm tra việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường.

7. Giao Sở Giao thông vận tải:

- Tập trung xây dựng Đề án phát triển giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường; Rà soát, kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sự phù hợp của loại hình phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải của phương tiện hành khách công cộng.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng các công trình giao thông.

8. Giao Sở Y tế: Phối hợp Sở Tài nguyên và môi trường xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức “Rất xấu”, “Nguy hại” để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.

9. Giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

10. Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường hỗ trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học cho các hoạt động về quản lý và kiểm soát chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.

11. Giao Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đưa tin chỉ số chất lượng không khí trên các bản tin vào khung giờ đầu giờ sáng, trưa, tối trong các ngày chất lượng không khí ở mức xấu có hại tới sức khỏe để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa tác động của ô nhiễm không khí.

12. Giao UBND các quận, huyện, thị xã:

- Chỉ đạo, quát triệt tới từng xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường không khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường không khí.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; chủ động xây dựng các vị trí lưu giữ, trạm trung chuyển để có thể chủ động lưu giữ rác thải trong khoảng thời gian từ 5-7 ngày đảm bảo an ninh rác, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong trường hợp các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố không thể tiếp nhận rác thải.

- Tổ chức kiểm tra, không để tái sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định trên địa bàn. Tăng cường rà soát, kiểm soát các cơ sở sản xuất bếp than tổ ong, than tổ ong và nhiên liệu than cấp thấp, có hình thức vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất bếp than, than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh sản xuất.

- Tăng cường trồng cây xanh, rừng, tái tạo rừng tự nhiên; Cải tạo các sân chơi công cộng, vườn hoa cây xanh, kè hồ để tạo khu vui chơi giải trí cho nhân dân cũng như góp phần điều hòa vi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí trong khu vực.

- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc không hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn trong quý I/2021, để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, đốt chất thải không đúng nơi quy định trên địa bàn.

Các Sở, ngành, quận huyện thị xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao về công tác bảo vệ môi trường không khí; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- VP UBTP: CVP, P.CVP: P.V.Chiến, V.T.Anh, TKBT, TH, ĐT(thực,qn);
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông