Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7726/TC/NSNN
Về việc hướng dẫn thực hiện định mức phân bổ NSNN
 

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 7726 TC/NSNN NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ NSNN

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan Trung ương
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để phù hợp với những quy định mới về quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-BTC ngày 16/1/2002 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính; phù hợp với những quy định của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thí điểm khoán chi hành chính, khoán biên chế theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 17/2002/TTLT-BTC-BTCCBCP ngày 8/2/2002 của Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số điểm về thực hiện định mức phân bổ ngân sách nhà nước như sau:

1. Định mức phân bổ ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quy định là định mức phân bổ ngân sách nhà nước đối với các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện trong thời kỳ ổn định ngân sách (đối với ngân sách chính quyền địa phương các cấp). Trong thời kỳ ổn định ngân sách, hàng năm tùy khả năng ngân sách nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ phát triển của từng lĩnh vực, các chế độ chi ngân sách chung của Nhà nước, ngân sách nhà nước có bổ sung dự toán chi đối với các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương ngoài định mức đã quy định.

2. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định mức phân bổ ngân sách chung do Bộ Tài chính quy định để xây dựng và quy định định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị, cơ sở trực thuộc, đối với ngân sách cấp dưới theo quy định sau:

- Định mức phân bổ ngân sách phải căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, không vượt mức dự toán được giao đối với từng lĩnh vực chi theo quy định.

- Định mức phân bổ ngân sách phải phù hợp với đặc điểm thực tế của từng loại hình đơn vị, từng ngành, địa phương; Căn cứ vào tính chất, yêu cầu hoạt động, phạm vi hoạt động, quy mô đơn vị, số các đơn vị trực thuộc thuộc phạm vi quản lý,... của từng ngành, đơn vị để xây dựng định mức phân bổ ngân sách cho phù hợp. Việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách cần chú ý: đối với loại hình đơn vị sự nghiệp, đơn vị quản lý hành chính nhà nước có nguồn thu được phép giữ lại sử dụng theo chế độ quy định để xây dựng định mức phân bổ cho phù hợp.

- Định mức phân bổ ngân sách được ban hành phải đảm bảo kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao và đảm bảo yêu cầu cần tiết kiệm, chống lãng phí.

- Định mức phân bổ ngân sách cần được ổn định trong một khoảng thời gian (3-5 năm). Trong thời gian ổn định, căn cứ khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ (kể cả các chế độ mới), thực hiện hộ trợ dự toán cho phù hợp tuỳ theo từng ngành, đơn vị.

3. Định mức phân bổ ngân sách đối với một số lĩnh vực có thể thực hiện theo những căn cứ chủ yếu sau:

- Đối với lĩnh vực y tế: Xây dựng định mức phân bổ cho các cơ sở y tế phân bổ theo dân số có phân biệt vùng (đối với ngân sách địa phương) hoặc theo giường bệnh kế hoạch cho từng tuyến, từng loại hình khám chữa bệnh, khả năng nguồn thu của từng cơ sở y tế...

- Định mức đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Xây dựng định mức theo dân số có phân biệt vùng (đối với ngân sách địa phương) hoặc theo số lượng học sinh từng cấp học, theo vùng, địa bàn tuỳ theo tính chất thuận lợi, khó khăn. Khả năng nguồn thu của từng loại cơ sở, chú ý đảm bảo quan hệ hợp lý giữa phần chi lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản chi phục vụ công tác giảng dạy, học tập xác định theo số lớp học, cấp học, theo vùng.

- Đối với quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể: phân bổ trên cơ sở biên chế và tính chất hoạt động trong quản lý hành chính ở từng cấp hành chính và cho từng loại cơ quan. Chú ý những đặc điểm, tính chất về quy mô hoạt động, yêu cầu phạm vi hoạt động, số lượng biên chế, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, đặc điểm vùng lãnh thổ,..

Đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh về Bộ Tài chính để xử lý kịp thời.

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)