Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7900/TCHQ-GSQL
V/v chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa vận chuyn chịu sự giám sát

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2016

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Qua công tác kiểm tra nghiệp vụ hải quan thực hiện tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc khai báo tờ khai vận chuyển độc lập và thực hiện công tác giám sát hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, hàng nhập khẩu chuyển về cảng đích trên vận đơn, hàng quá cảnh, hàng đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu chuyển về cửa khẩu xuất, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số trường hợp thực hiện chưa đúng các quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2016 của Chính phủ, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Để khắc phục và chấn chỉnh kịp thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung:

I. Chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý, giám sát hàng hóa vận chuyển độc lập:

1. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc nghiêm chỉnh thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hình hàng hóa phải khai báo vận chuyển độc lập theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2016, công văn công văn hướng dẫn 10169/BTC-TCHQ ngày 27/7/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đối với các trường hợp công chức hải quan không thực hiện đúng quy định thủ tục hải quan đối với việc khai báo tờ khai vận chuyển độc lập, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý, kỷ luật, làm rõ trách nhiệm;

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là công tác quản lý theo dõi hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển từ địa Điểm làm thủ tục hải quan này đến địa Điểm làm thủ tục hải quan khác theo tờ khai vận chuyển độc lập

II. Hướng dẫn thực hiện:

1. Đối với những tờ khai vận chuyển độc lập phát sinh trước ngày ban hành công văn này:

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, trên Hệ thống còn tồn tại số lượng lớn tờ khai vận chuyển độc lập không xác nhận nghiệp vụ BOA và BIA theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/07/2015 của Tổng cục Hải quan. Đối với trường hợp này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý như sau:

1.1. Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc rà soát, thống kê các tờ khai vận chuyển độc lập chưa thực hiện nghiệp vụ BOA, BIA trên hệ thống.

1.2. Đối với những tờ khai vận chuyển độc lập chưa thực hiện nghiệp vụ cả hai nghiệp vụ BOA và BIA:

a) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi:

Thực hiện kiểm tra, đối chiếu với sổ sách, hồ sơ giám sát lưu tại cơ quan hải quan và chứng từ của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi về thông tin thời Điểm, lượng hàng được đưa ra khỏi khu vực giám sát. Trường hợp có đủ cơ sở xác định hàng đã ra khỏi khu vực giám sát thì thực hiện nghiệp vụ BOA trên Hệ thống.

Trường hợp nhận được thông tin về các lô hàng vận chuyển đi chưa đến đích: Thống kê toàn bộ các tờ khai vận chuyển độc lập mà hàng chưa đến đích, báo cáo Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và thực hiện truy tìm, xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến:

Ngay sau khi Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi thực hiện nghiệp vụ BOA, căn cứ thông tin tờ khai vận chuyển độc lập trên hệ thống, tiến hành xác minh, đối chiếu thông tin hàng hóa trên tờ khai vận chuyển độc lập với hồ sơ giám sát lưu tại cơ quan hải quan và chứng từ của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi về việc hàng hóa đã được đưa vào khu vực cảng, kho, bãi (thời Điểm, số lượng, số hiệu PTVT...). Trường hợp có đủ cơ sở xác định hàng đã đến thì thực hiện nghiệp vụ BIA trên hệ thống.

Trường hợp hàng chưa đến đích: Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến lập danh sách các tờ khai vận chuyển độc lập mà quá thời hạn vận chuyển hàng chưa đến đích để thông báo cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi.

1.3. Đối với những tờ khai vận chuyển độc lập đã thực hiện nghiệp vụ BOA nhưng chưa thực hiện nghiệp vụ BIA:

a) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi:

Rà soát, thống kê toàn bộ những tờ khai vận chuyển độc lập đã BOA nhưng chưa BIA, quá thời gian vận chuyển đã đăng ký trong tờ khai thông qua nghiệp vụ ITF, lập danh sách để phối hợp với Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đến để làm tiếp các thủ tục xác nhận hàng đến hoặc tổ chức truy tìm.

b) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến:

Thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm b, Điểm 1.1 nêu trên.

2. Đối với các trường hợp tờ khai vận chuyển độc lập phát sinh mới sau ngày công văn này được ban hành, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:

2.1. Về khai hải quan:

Chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc hướng dẫn doanh nghiệp khai báo đầy đủ các chỉ tiêu thông tin theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2016 và công văn hướng dẫn 10169/BTC-TCHQ ngày 27/7/2015 của Bộ Tài chính. Trường hợp qua kiểm tra phát hiện thông tin khai báo chưa đầy đủ, phải yêu cầu doanh nghiệp khai đầy đủ, không tiếp nhận tờ khai vận chuyển độc lập khai báo thiếu thông tin, khai sai bản chất hàng hóa.

Đối với tiêu chí khai báo “người khai hải quan” và “người vận chuyển” trên tờ khai vận chuyển độc lập, yêu cầu hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo như sau:

a). Đối với hàng hóa quá cảnh:

a.1) Người khai hải quan là công ty kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa.

a.2) Tại ô “người vận chuyển”: Trường hợp người khai hải quan đồng thời là người vận chuyển: khai tên công ty kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa tại ô “người vận chuyển”;

Trường hợp công ty kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa thuê công ty khác vận chuyển hàng hóa quá cảnh thì khai tên công ty vận chuyển tại ô “người vận chuyển”.

b). Đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận đơn:

b.1) Người khai hải quan là người phát hành vận đơn hoặc đại lý người phát hành vận đơn tại Việt Nam hoặc đại lý hải quan trong trường hợp thực hiện thủ tục hải quan qua đại lý làm thủ tục hải quan.

b.2) Tại ô “người vận chuyển”: khai tên công ty chịu trách nhiệm vận chuyển chặng nội địa của Việt Nam.

c) Đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho hàng không kéo dài và ngược lại

c.1) Người khai hải quan là chủ kho hàng không kéo dài;

c.2) Tại ô “người vận chuyển”: khai tên công ty vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu về kho hàng không kéo dài.

d) Đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa Điểm thu gom hàng lẻ (CFS) và ngược lại

d.1) Người khai hải quan là người phát hành vận đơn gom hàng hoặc đại lý của người phát hành vận đơn tại Việt Nam hoặc người kinh doanh địa Điểm thu gom hàng lẻ.

d.2) Tại ô “người vận chuyển”: khai tên công ty vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu về địa Điểm thu gom hàng lẻ.

đ) Đối với hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa (ICD) đến cửa khẩu xuất:

đ.1) Người khai hải quan là người phát hành vận đơn tại ICD hoặc đại lý hải quan trong trường hợp ủy quyền cho đại lý làm thủ tục hải quan;

đ.2) Tại ô “người vận chuyển”: khai tên công ty vận chuyển hàng hóa từ ICD ra cửa khẩu xuất.

e). Đối với hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ Kho ngoại quan, đến cửa khẩu xuất thì người khai hải quan là chủ hàng hoặc chủ kho ngoại quan trong trường hợp được ủy quyền khai hải quan;

Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ đối với các hàng hóa vận chuyển độc lập (đặc biệt là đối với hàng hóa quá cảnh và hàng hóa chuyển về cảng đích ghi trên vận đơn) để xác định đúng hàng hóa đủ Điều kiện thực hiện vận chuyển dưới sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC .

2.2. Về công tác giám sát hàng hóa vận chuyển độc lập:

a) Chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi:

a.1) Thực hiện theo quy định tại Điểm c.3 Khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ;

a.2) Khai thời gian vận chuyển

Để đảm bảo yêu cầu giám sát hải quan và phù hợp với thời gian thực tế vận chuyển hàng hóa, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan khai thông tin về thời gian vận chuyển cụ thể như sau:

- Đối với các tuyến đường vận chuyển không quá 500km thì thời gian vận chuyển tối đa là 02 ngày.

- Đối với các tuyến đường vận chuyển trên 500km thì thời gian vận chuyển tối đa không quá 05 ngày.

- Trong trường hợp bất khả kháng mà không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian thì sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất xảy ra, người khai hải quan phải thông báo ngay với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi để xử lý đồng thời Điều chỉnh thời gian trên hệ thống; trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận. Sau khi có xác nhận của các cơ quan liên quan thì người khai hải quan phải thông báo ngay với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi.

Trường hợp không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian mà không thông báo với cơ quan hải quan khi xảy ra sự cố hoặc không có lý do chính đáng và hàng hóa vẫn chưa đến đích thì cơ quan hải quan không thực hiện phê duyệt vận chuyển cho các lô hàng tiếp theo.

a.3) Căn cứ vào nội dung khai báo vận chuyển của người khai hải quan, thực hiện BOA ngay sau khi hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát tại Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đi;

a.4) Hàng ngày thực hiện rà soát và thống kê các các tờ khai vận chuyển độc lập đăng ký tại Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi để phối hợp với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến theo dõi các lô hàng đang vận chuyển.

a.5) Tổ chức truy tìm lô hàng trong trường hợp quá thời hạn vận chuyển (tối đa là 5 ngày vận chuyển tính từ thời Điểm xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát trên Hệ thống) nhưng chưa nhận được phản hồi của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến.

b) Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đến:

b.1) Thực hiện theo quy định tại Điểm c.4 Khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ;

b.2) Hàng ngày rà soát, thống kê các tờ khai hải quan vận chuyển độc lập dự kiến sẽ chuyển đến Chi cục, đã thực hiện nghiệp vụ BOA thông qua nghiệp vụ ITF và các thông tin do Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi gửi đến (nếu có) để theo dõi.

Trường hợp quá thời hạn đăng ký vận chuyển theo thông báo vận chuyển của Chi Cục Hải quan nơi vận chuyển đi mà lô hàng chưa vận chuyển đến đích thì thực hiện thông báo bằng văn bản (qua fax nội bộ) cho Chi cục hải quan nơi vận chuyển đi để phối hợp, trao đổi với lực lượng kiểm soát, chống buôn lậu hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện các biện pháp truy tìm;

b.3) Thực hiện BIA ngay khi hàng hóa được vận chuyển đến đích tại Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đến;

2.3. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng (tai nạn, tắc đường) hoặc trường hợp doanh nghiệp vi phạm việc vận chuyển (có dấu hiệu nghi vấn, không vận chuyển đúng tuyến đường) thì phải báo cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi để thực hiện Điều chỉnh thời gian vận chuyển trên Hệ thống cho phù hợp.

Những trường hợp doanh nghiệp vi phạm việc vận chuyển hàng hóa, lập danh sách các doanh nghiệp không chấp hành tốt, chuyển Bộ phận quản lý rủi ro để chuyển luồng và kiểm tra chặt chẽ đối với lần vận chuyển tiếp theo. Đối với trường hợp hàng đến chậm, phải kiểm tra hồ sơ chặt chẽ, nếu có thông tin hoặc phát hiện vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ra quyết định tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC .

2.4. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua đường bộ, Chi cục Hải quan nơi hàng đi thực hiện đúng quy định tại Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/07/2015.

2.5. Công tác chỉ đạo và hướng dẫn.

a) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho công chức và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về khai báo hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan;

b) Hàng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng đi phải kiểm tra các trường hợp khai báo vận chuyển đã thực hiện BOA tại Chi cục mình hoặc đã BIA từ Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đến bằng nghiệp vụ ITF (nhập mã Chi cục tại chỉ tiêu “cơ quan tiếp nhận tờ khai” để thống kê các tờ khai vận chuyển thực hiện BOA, nhập mã Chi cục tại chỉ tiêu “Cơ quan hải quan địa Điểm đích” để thống kê tờ khai vận chuyển thực hiện BIA); xử lý các vướng mắc phát sinh và thống kê các trường hợp hàng chưa BIA sau khi hết hạn vận chuyển để tổng hợp, báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Trên cơ sở chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan nơi hàng vận chuyển đến sẽ tổ chức truy tìm lô hàng chưa đến đích.

c) Hàng tuần, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tổ chức rút kinh nghiệm trong Chi cục và báo cáo kịp thời cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố các vướng mắc phát sinh;

d) Hàng tháng, hàng quý, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải tổ chức kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh, báo cáo kịp thời với Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý và Cục CNTT & Thống kê hải quan);

Tổng cục Hải quan chỉ đạo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Cục trưởng (để b/c);
- Cục CNTT & TKHQ;
- Lưu: VT, GSQL(03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh