TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85724/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
Kính gửi: Công ty Bảo Minh Thăng Long
Đ/c: Số 2 Giảng Võ, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
- MST: 0300446973-059
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 0390/2018/BMTL-TS ghi ngày 30/11/2018 bổ sung hồ sơ, thông tin cho công văn số 0363/2018/BMTL-TS ngày 25/10/2018 (được gửi kèm phiếu chuyển số 862/PC-TCT ngày 29/10/2018 của Tổng cục Thuế) về chính sách thuế GTGT, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 1 Luật số 61/2010/QH12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm quy định như sau:
“3. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm
1. Bảo hiểm nhân thọ bao gồm:
…
2. Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:
a) Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;
b) Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không;
c) Bảo hiểm hàng không;
d) Bảo hiểm xe cơ giới
đ) Bảo hiểm cháy, nổ
e) Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu;
g) Bảo hiểm trách nhiệm;
h) Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;
i) Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;
k) Bảo hiểm nông nghiệp.
3. Bảo hiểm sức khoẻ bao gồm:
…ˮ
- Căn cứ Thông tư 09/2011/TT-BTC ngày 21/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:
+ Tại Điều 3 hướng dẫn về đối tượng chịu thuế:
“Điều 3. Đối tượng chịu thuế
Trừ các dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT quy định tại Điều 4 Thông tư này, các dịch vụ bảo hiểm và các hàng hóa, dịch vụ khác do các đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này cung cấp là đối tượng chịu thuế GTGT, bao gồm:
- Bảo hiểm phi nhân thọ, dịch vụ tư vấn và môi giới bảo hiểm phi nhân thọ;
- Đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;
- Hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT phát sinh trong quá trình hoạt động của các công ty có hoạt động thuộc lĩnh vực bảo hiểm.ˮ
+ Tại Điều 4 hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế
1. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người trong gói bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm người học; bảo hiểm tai nạn thủy thủ, thuyền viên; bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện); bảo hiểm tai nạn hành khách; bảo hiểm khách du lịch; bảo hiểm tai nạn lái - phụ xe và người ngồi trên xe; bảo hiểm người đình sản; bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẫu thuật; bảo hiểm sinh mạng cá nhân; bảo hiểm người sử dụng điện; bảo hiểm bồi thường người lao động, bảo hiểm sức khỏe và các bảo hiểm khác liên quan đến con người, chăm sóc sức khỏe con người;
2. Bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác;
3. Tái bảo hiểm;
4. Đào tạo đại lý bảo hiểm;
5. Bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung.”
+ Tại Điều 7 quy định về thuế suất thuế GTGT:
“Điều 7. Thuế suất
1. Thuế suất 0% áp dụng đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan và cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gồm dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%.
Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ.
Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật thuế thu nhập cá nhân.
2. Thuế suất 10% áp dụng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm không được quy định tại Điều 4; khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
…ˮ
- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT hướng dẫn như sau:
+ Tại Điều 4 hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế gồm:
“7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khắc phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.
…
20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công, xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.
Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
…ˮ
+ Tại Điều 9 hướng dẫn về thuế suất 0% như sau:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
…
b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
…
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- …
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
…ˮ
+ Tại Điều 11 hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT 10%.
“Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
- Căn cứ Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn về xử lý hóa đơn đã lập như sau:
“Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập
1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng ..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số ..., ký hiệu ... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
4. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng, theo đó, tài sản được bảo hiểm là mọi tài sản hữu hình thuộc sở hữu của Người được Bảo hiểm gồm nhà xưởng và kết cấu xây dựng, máy móc thiết bị và các tài sản nội thất khác, công cụ dụng cụ, hàng hóa trong kinh doanh (nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm) thì:
- Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu trên.
- Trừ các dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2011/TT-BTC ngày 21/11/2011 và các trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nêu trên thì các dịch vụ bảo hiểm khác do Công ty cung cấp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT 10%.
- Trường hợp Công ty xác định và lập hóa đơn sai mức thuế suất thuế GTGT thì thực hiện xử lý hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế dịch vụ bảo hiểm mà Công ty đã cung cấp, đối chiếu với quy định của pháp luật để thực hiện đúng quy định.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời Công ty được biết để thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 28507/CT-TTHT năm 2019 về chi phí mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Công văn 2865/CT-TTHT năm 2019 hướng dẫn chính sách thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 713/CT-TTHT năm 2019 về thuế suất thuế giá trị gia tăng do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Công văn 320/CT-TTHT năm 2019 về kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Công văn 417/CT-TTHT năm 2019 về xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 6 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 8 Thông tư 09/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010
- 1 Công văn 320/CT-TTHT năm 2019 về kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Công văn 417/CT-TTHT năm 2019 về xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 713/CT-TTHT năm 2019 về thuế suất thuế giá trị gia tăng do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Công văn 2865/CT-TTHT năm 2019 hướng dẫn chính sách thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Công văn 28507/CT-TTHT năm 2019 về chi phí mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 6 Công văn 99439/CTHN-TTHT năm 2020 về thuế giá trị gia tăng đối với hợp đồng tổng đại lý cho các hãng bảo hiểm do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành