Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 875/BTC-TCT
V/v hướng dẫn hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 11746/BCT-BGMN ngày 20/12/2013 của Bộ Công thương, Công văn số 4774/UBND-CT ngày 09/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, một số công văn của các Cục Thuế và doanh nghiệp về việc đề nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như phòng chống gian lận trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền. Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường thực hiện một số biện pháp như sau:

1. Thực hiện theo Luật Thương mại, Luật Hải quan và các Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền.

Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền quy định:

"Phạm vi cụ thể khu vực cửa khẩu phụ do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định sau khi đã thống nhất với Công an tỉnh, các ngành hữu quan và xin ý kiến Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu về quy hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu quyết định"

Khoản 4, Điều 9 Quyết định 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006) quy định:

"Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện, hàng hóa Việt Nam và nước có chung biên giới qua lại biên giới quốc gia theo quy định của cấp có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam"

Thông tư số 13/2009/TT-BCT ngày 03/6/2009 của Bộ Công thương quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có hướng dẫn:

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này áp dụng đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu nhưng hiện đã có đủ các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch và cơ sở kỹ thuật đảm bảo quản lý nhà nước.

2. Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu chưa có đủ các lực lượng chức năng nêu tại khoản 1 Điều này, chỉ cho phép hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới theo quy định hiện hành."

Khoản 2, Điều 2:

"Hàng hóa xuất khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành được xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền."

Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền được thực hiện theo Điều 3 Thông tư số 13/2009/TT-BTC ngày 3/6/2009 của Bộ Công thương quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu.

2. Thực hiện hoàn thuế, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền theo đúng quy định của Luật thuế GTGT, Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; các công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013, số 8318/BTC-TCT ngày 27/6/2013, số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 và số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013, công văn số 12485/BTC- TCT ngày 18/9/2013, công văn số 17804/BTC-TCHQ ngày 23/12/2013 của Bộ Tài chính, trên cơ sở đảm bảo đủ các điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT (như: hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hóa đơn GTGT bán hàng hóa hoặc hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn đối với tiền gia công của hàng hóa gia công) và hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quy định. Thực hiện yêu cầu doanh nghiệp giải trình trên cơ sở đó tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện trước khi hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Trong quá trình thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền cần lưu ý các nội dung sau:

2.1. Đối với cơ quan Hải quan:

- Kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định; theo hướng dẫn tại các công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013, số 8318/BTC-TCT ngày 27/6/2013, số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 và số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013, công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013, công văn số 17804/BTC-TCHQ ngày 23/12/2013 của Bộ Tài chính.

- Kiểm tra hàng hóa thực xuất nhập khẩu và ghi rõ trên tờ khai Hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu (hoặc Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc hồ sơ hải quan) theo quy định và cụ thể các thông tin:

+ Thông tin chi tiết (loại, tên, ký hiệu riêng, số lượng, chất lượng của hàng hóa; hàng hóa có được phép xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền) của hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu không có quy định pháp luật phải kiểm tra chất lượng thì không phải ghi chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

+ Thông tin chi tiết (số, ngày của hợp đồng vận chuyển; số hiệu, biển kiểm soát, loại phương tiện vận tải; tên, quốc tịch, số chứng minh thư nhân dân hoặc số hộ chiếu của người điều khiển phương tiện vận tải) liên quan đến phương tiện vận tải chuyên chở hàng xuất khẩu (bao gồm: phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận tải là thuyền xuồng, phương tiện thô sơ,...) từ nội địa đến khu vực cửa khẩu biên giới thuộc phạm vi giám sát Hải quan và phương tiện dùng để vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

- Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu với hợp đồng xuất khẩu; thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với phương tiện (bao gồm cả phương tiện thô sơ) vận tải, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu phù hợp với hợp đồng vận chuyển hàng hóa; xác nhận hàng hóa thực xuất đúng các quy định, quy trình thủ tục Hải quan, quy định pháp luật, đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất của các chỉ tiêu trên tờ khai Hải quan và hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa thuộc nhóm hàng kinh doanh cần có những điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan thì phải căn cứ vào tính đặc thù và quy định của pháp luật có liên quan để yêu cầu người khai xuất trình tài liệu có liên quan để kiểm tra.

+ Trường hợp quá nhiều thông tin không thể ghi hết trên tờ khai hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu (hoặc Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc hồ sơ hải quan) thì lập thêm Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc hồ sơ hải quan; trên tờ khai phải ghi rõ thông tin chi tiết về hàng hóa xuất nhập khẩu theo Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa đính kèm theo, đóng dấu xác nhận trên bảng kê, đóng dấu giáp lai tờ khai, Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu phù hợp với hồ sơ hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

2.2. Đối với cơ quan Thuế:

2.2.1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và phân loại hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.2.2. Một số trường hợp người nộp thuế có rủi ro cao, cơ quan thuế phải kiểm tra kỹ hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau để làm cơ sở chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước hoàn thuế sau như:

- Doanh nghiệp mới thành lập đăng ký kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp.

- Doanh nghiệp có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu nhỏ hơn so với quy mô doanh số kinh doanh, so với số thuế đề nghị hoàn.

- Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng các hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu.

- Lập doanh nghiệp ở địa phương này nhưng kinh doanh mua, bán sản phẩm, hàng hóa (nhất là hàng hóa nông sản) sản xuất ở địa phương khác có dấu hiệu bất thường.

- Cơ sở kinh doanh sản xuất, thương mại mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại và có doanh thu lớn gấp 5 lần vốn chủ sở hữu hoặc có doanh thu lớn (trên 30 tỷ đồng) nhưng không kê khai đầy đủ thuế GTGT hoặc kê khai khấu trừ thuế GTGT mà tỷ lệ GTGT nộp thấp hơn mức bình quân ngành hàng cùng loại trên địa bàn; hoặc doanh nghiệp không có cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như kho hàng hóa; phương tiện vận tải; nguồn nhân lực; nhà máy; xưởng sản xuất; cửa hàng; hệ thống các cửa hàng ...).

- Doanh nghiệp kinh doanh thương mại mua hàng hóa phục vụ xuất khẩu chủ yếu từ doanh nghiệp kinh doanh thương mại, doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức, cá nhân thu gom hàng hóa là nông lâm thủy sản không chịu thuế GTGT đầu vào.

- Doanh nghiệp thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ tài khoản vãng lai.

- Doanh nghiệp bên mua và bên bán có quan hệ vợ chồng, anh em, quan hệ liên kết có dấu hiệu bất thường.

- Doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ.

- Trường hợp người nộp thuế có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 10% so với cùng kỳ năm trước), có dấu hiệu rủi ro trong hoàn thuế, cần xác định rõ nguyên nhân, qua đó tập trung kiểm tra trước hoàn thuế tại trụ sở người nộp thuế kết hợp với kiểm tra, thanh tra toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nghĩa vụ nộp các loại thuế khác của người nộp thuế.

2.2.3. Đối chiếu, phân tích và kiểm tra hồ sơ hoàn thuế:

a) Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

- Thực hiện đối chiếu hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, số liệu kê khai của người nộp thuế tại cơ quan thuế và cơ sở dữ liệu thông tin tại cơ quan thuế (như: hồ sơ khai thuế người nộp thuế đã nộp có liên quan bao gồm cả hồ sơ khai bổ sung điều chỉnh, dữ liệu quản lý thuế, dữ liệu quản lý rủi ro về thuế của ngành Thuế, các chính sách thuế và các chính sách quản lý ngành có liên quan, thông tin từ các cơ quan liên quan cung cấp cho cơ quan thuế...) về số thuế đầu ra, số thuế đầu vào, số thuế đã nộp, số thuế đề nghị hoàn kỳ này, số thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số thuế còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang, xác định số nợ tiền thuế, tiền phạt của người nộp thuế tại thời điểm hoàn thuế (nếu có) làm căn cứ bù trừ với số thuế được hoàn (nếu có).

- Trường hợp qua kiểm tra hồ sơ phát hiện nội dung, thông tin chưa rõ, chưa phù hợp thì phải thông báo đề nghị người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu để có đủ căn cứ xét hoàn thuế. Trường hợp người nộp thuế không giải trình, bổ sung kịp thời, hoặc giải trình, bổ sung không đầy đủ, không hợp lý, không hợp pháp, không chứng minh được số thuế đã khai có liên quan là đúng thì cơ quan thuế thông báo chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau gửi người nộp thuế biết.

b) Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau:

- Kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế: Thực hiện kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, đối chiếu các cơ sở dữ liệu thông tin giữa các tài liệu có liên quan trên hồ sơ với nhau (như: giữa hợp đồng mua bán với chứng từ thanh toán; giữa tờ khai Hải quan và chứng từ thanh toán qua ngân hàng; lượng hàng hóa xuất khẩu với hợp đồng vận chuyển và chi phí vận chuyển từ nội địa đến khu vực biên giới, cảng, qua cửa khẩu;...) và với các hồ sơ, thông tin đã có tại cơ quan thuế (như: hồ sơ khai thuế người nộp thuế đã nộp có liên quan, dữ liệu quản lý thuế, quản lý rủi ro về thuế của cơ quan thuế, dữ liệu quản lý rủi ro về thuế của ngành Thuế, các chính sách thuế và các chính sách quản lý ngành có liên quan, thông tin từ các cơ quan liên quan cung cấp cho cơ quan thuế)

- Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế: Kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ và tài liệu có liên quan đến số thuế đề nghị hoàn tại trụ sở người nộp thuế và đối chiếu với kết quả kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế nêu trên.

- Trường hợp qua kiểm tra phát hiện nội dung, thông tin chưa rõ, chưa phù hợp (như: lượng hàng hóa mua, bán lớn không phù hợp với khả năng của người nộp thuế về vốn, quy mô kinh doanh, kho hàng, ...) thì phải thông báo đề nghị người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu để có đủ căn cứ xét hoàn thuế. Trường hợp người nộp thuế không giải trình, bổ sung kịp thời, hoặc giải trình, bổ sung không đầy đủ, không hợp lý, không hợp pháp, không chứng minh được số thuế đã khai có liên quan là đúng thì cơ quan thuế đề nghị các cơ quan có liên quan (như: cơ quan thuế có liên quan, cơ quan Hải quan, ngân hàng,...) cung cấp thông tin hoặc đến đối chiếu trực tiếp với hồ sơ lưu tại các cơ quan này để có đủ căn cứ xét hoàn thuế.

2.2.4. Kiểm tra các điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền:

Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành; các công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013, công văn số 17804/BTC-TCHQ ngày 23/12/2013 và điểm 3 công văn số 16249/BTC-PC ngày 25/11/2013 của Bộ Tài chính.

3. Thiết lập hệ thống giám sát và cập nhập hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền:

- Cơ quan Hải quan thiết lập cơ chế giám sát và cập nhật hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền: Danh mục mặt hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, trị giá,...

- Cơ quan Thuế thiết lập cơ chế giám sát hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền và cập nhật vào hệ thống các thông tin, dữ liệu có liên quan, như: thời điểm giao hàng, địa bàn giao hàng, mặt hàng, chủng loại, số doanh nghiệp được hoàn thuế, số tiền thuế đã hoàn,... để làm cơ sở cho việc phân loại rủi ro trong công tác hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền.

- Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phối hợp trao đổi thông tin liên quan các doanh nghiệp xuất khẩu có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hải quan và cập nhật trên hệ thống của cơ sở thông tin, dữ liệu đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền của toàn ngành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị Cục Thuế, Cục Hải quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phải ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết.

Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Bộ Công thương;
- UBND tỉnh Lào Cai;
- Các Vụ: PC, CST, TTra BTC, NSNN, KBNN;
- Tổng cục Hải quan;
- Tổng cục Thuế (PC, CS, TTr, KTNB, CNTT, TTHT);
- Lưu: VT; TCT (VT, KK).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn