Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9342/TC/TCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 9342 TC/TCT NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ VIỆC THUẾ NHẬP KHẨU MẶT HÀNG HƯƠNG LIỆU VÀ MẶT HÀNG PHỤ GIA DÙNG TRONG CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỰC PHẨM

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời Công văn số 2908/TCHQ-KTTT ngày 12/7/2001 của Tổng cục Hải quan về việc thuế nhập khẩu mặt hàng hương liệu và phụ gia dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc phân loại mặt hàng hương liệu:

Căn cứ Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 1803/1998/QĐ-BTC ngày 11/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Danh mục sửa đổi, bổ sung tên và thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng của Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 193/2000/QĐ-BTC ngày 05/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì mặt hàng hương liệu dùng trong sản xuất thực phẩm hoặc sản xuất đồ uống thuộc chương 33, phân nhóm 330210, trong đó: Loại dùng trong sản xuất đồ uống, thuộc mã số chi tiết 33021010; Loại khác, thuộc mã số 33021090.

Tuy nhiên, trên thực tế mặt hàng hương liệu không có tiêu chuẩn để phân biệt phạm vi sử dụng trong sản xuất đồ uống và thực phẩm. Vì vậy, để giải quyết vướng mắc phát sinh trong điều kiện Biểu thuế nhập khẩu chưa có sửa đổi, bổ sung, đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương thực hiện thống nhất việc phân loại mặt hàng hương liệu (bao gồm cả loại dùng trong sản xuất thực phẩm, sản xuất đồ uống) vào mã số 33021010, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 30% (nếu nhập khẩu trước ngày 1/1/2001) hoặc 20% (nếu nhập khẩu từ 1/1/2001 trở về sau) để tính thuế nhập khẩu.

2. Về tiêu chuẩn phân biệt mặt hàng phụ gia dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm thuộc các nhóm 2106 và 3824:

Căn cứ Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 1803/1998/QĐ-BTC ngày 11/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Danh mục sửa đổi, bổ sung tên và thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng của Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 193/2000/QĐ-BTC ngày 05/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 37/1999/TT-BTC ngày 07/04/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn cách phân loại hàng hoá theo Danh mục Biểu thuế thuế xuất khẩu, Biểu thuế thuế nhập khẩu;

Tham khảo Bản giải thích Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới, thì nguyên tắc để phân biệt mặt hàng phụ gia thực phẩm thuộc 2 nhóm 2106 và 3824 như sau:

- Nhóm 2106 bao gồm các mặt hàng là hỗn hợp hoá chất với một số thực phẩm hoặc với một số chất có giá trị dinh dưỡng, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Ví dụ: mặt hàng phụ gia chế biến thực phẩm có tên thương mại là CREMODAN DC, thành phần gồm có guargum, carregeenan (chất không có giá trị dinh dưỡng), đường (thực phẩm), sodium alginate (hoá chất), được phân loại vào nhóm 2106, mã số 21069030.

- Nhóm 3824 bao gồm các mặt hàng là hỗn hợp hoá chất (thành phần không bao gồm thực phẩm hoặc chất có giá trị dinh dưỡng) dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Ví dụ: mặt hàng phụ gia chế biến thực phẩm có tên thương mại là RECODAN CM VEG, thành phần gồm có guargum, carregeenan (chất không có giá trị dinh dưỡng), mono-diglycerides của axit béo, sodium alginate (hoá chất) được phân loại vào nhóm 3824, mã số 38249090.

Bộ Tài chính có ý kiến để Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan địa phương kiểm tra cấu tạo, đặc điểm hàng thực tế nhập khẩu, xác định mức thuế nhập khẩu thực tế đã thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách, tránh thay đổi mức thuế đang áp dụng gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng xin hoàn trả thuế đối với trường hợp cụ thể nêu tại công văn này và các trường hợp khiếu nại về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu nói chung.

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)