TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 99/TANDTC-KHXX | Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2009 |
Kính gửi: Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp
Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp thực hiện đúng và nghiêm túc một số vấn đề sau đây:
thực hiện đúng và nghiêm túc một số vấn đề sau đây:
1. Về Điều 60 Bộ luật Hình sự “Án treo”
Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt”. Tại tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ hướng dẫn việc ấn định thời gian thử thách khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo trong các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, qua giám đốc, kiểm tra công tác xét xử cho thấy một số Tòa án đã hiểu không đúng hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết này, nên đã áp dụng hướng dẫn này để quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo trong trường hợp bị cáo đã bị tạm giam.
Để áp dụng đúng và thống nhất, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp khi quyết định hình phạt phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 45 của Bộ luật Hình sự. Nếu xét thấy bị cáo có đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự thì Tòa án cho hưởng án treo. Khi ấn định thời gian thử thách, nếu bị cáo đã bị tạm giam thì mới áp dụng hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-11-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo.
Ví dụ:Bị cáo đã bị tạm giam 6 tháng. Tòa án xử phạt bị cáo 02 (hai) năm tù và xét thấy có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự để cho hưởng án treo. Khi ấn định thời gian thử thách thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQQ-HĐTP; cụ thể trong trường hợp này thời gian thử thách là 03 năm [(02 năm - 6 tháng) x 2]. Khi quyết định, Tòa án phải ghi: “...xử phạt bị cáo 02 (hai) năm tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 03 (ba) năm, kể từ ngày...”.
2. Về Điều 231 Bộ luật Hình sự “Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”.
Ngày 11-12-2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”; do đó, khi chuẩn bị xét xử và khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Tòa án cần chú ý:
a. Phải coi “công trình quan trọng về an ninh quốc gia” là “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.
b. Để được coi là “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” thì công trình đó phải thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do Chính phủ quy định. Trong trường hợp chưa được quy định trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì chỉ được coi là “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008 của Chính Phủ.
Trường hợp trong hồ sơ vụ án chưa điều tra làm rõ công trình đó có phải là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hay không (không chỉ rõ thuộc danh mục nào do Chính Phủ quy định; không có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung các chứng cứ chứng minh đó là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà Viện kiểm sát không bổ sung các chứng cứ, thì Tòa án quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.
3. Luật thi hành án dân sự
Luật thi hành án dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2009.
Điều 26 Luật thi hành án dân sự quy định: “Khi ra bản án, quyết định,...Tòa án phải giải thích cho dương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án”. Đây là một quy định mới, cho nên các Tòa án cần phải tổ chức quán triệt và phải thi hành đúng.
Để thi hành đúng quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân tối cao tạm thời hướng dẫn một số điểm sau đây:
a. Chỉ ghi theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự khi trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định được thi hành theo Luật thi hành án dân sự;
b. Thống nhất ghi theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án như sau:
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự ; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”;
c. Ghi nội dung được hướng dẫn tại điểm b mục 3 này vào phần cuối cùng của phần quyết định.
d. Sau khi tuyên án xong, Tòa án giải thích cho đương sự (người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự) biết về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án. Việc giải thích phải căn cứ và các quy định của Luật thi hành án dân sự.
Nơi nhận: | KT. CHÁNH ÁN |
- 1 Nghị định 126/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
- 2 Luật thi hành án dân sự 2008
- 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4 Bộ Luật Hình sự 1999