TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1011-TCHQ/GQ | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1991 |
Kính gửi: - Hải quan các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Liên Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan đã ban hành các Thông tư số 10-TTLB/TN-HQ ngày 13-11-1990 và Thông tư số 01-TTLB/TN-HQ ngày 03-01-1991 quy định chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và của Nhà nước Cămpuchia.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể một số điểm để các cấp Hải quan thống nhất thực hiện:
I- XÁC ĐỊNH HÀNG QUÁ CẢNH, MƯỢN ĐƯỜNG:
Tất cả hàng quá cảnh, mượn đường Việt Nam của các tổ chức kinh tế Lào và Cămpuchia khi nhập khẩu, xuất khẩu qua Việt Nam, đều phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên và tại cửa khẩu xuất cuối cùng.
A. TẠI CỬA KHẨU NHẬP:
1. Khai báo và nộp tờ khai hải quan:
Chủ hàng hay người vận tải phải khai báo hàng quá cảnh, mượn đường vào tờ khai do Tổng cục Hải quan ấn hành. Khai 3 bản giống nhau.
Phải khai đầy đủ các quy định trong tờ khai gồm:
+ Tên hàng, ký mã hiệu;
+ Số lượng kiện;
+ Trọng lượng hoặc khối lượng;
+ Phương tiện vận tải (ghi rõ tên, số hiệu PTVT);
+ Cửa khẩu xuất;
+ Thời gian vận chuyển;
+ Tuyến đường vận chuyển;
+ Có lưu kho hay đi thẳng (nếu có lưu kho phải được Tổng cục Hải quan cho phép trước và cần khai rõ: địa điểm kho và thời gian lưu kho).
Phải kèm theo tờ khai:
- Đối với hàng quá cảnh: Giấy phép của Bộ Thương nghiệp;
- Hàng mượn đường: Tổng cục Hải quan uỷ nhiệm cho Hải quan cửa khẩu xét nếu có đủ điều kiện thì cho phép làm thủ tục hải quan;
- Bản khai chi tiết (đối với hàng đóng gói không đồng nhất);
- Vận đơn (đối với hàng quá cảnh nhập khẩu).
Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên, tiếp nhận tờ khai và hồ sơ hải quan, nếu thấy hợp lệ thì vào sổ đăng ký, cho số, đóng dấu ngày tiếp nhận đăng ký vào tờ khai.
2. Kiểm tra, giám sát hải quan:
Hải quan tiến hành kiểm tra, đối chiếu nguyên đai kiện thực tế hàng và giấy tờ khai báo. Trường hợp có dấu hiệu nghi vấn có hàng Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc có hàng hoá có thể gây phương hại đến an ninh, thì báo cáo với Trưởng Hải quan cửa khẩu và chỉ yêu cầu mở kiện hàng hoá để kiểm tra khi có lệnh của cấp từ Trưởng cửa khẩu trở lên.
Căn cứ vào tính chất hàng hoá, phương tiện vận tải mà quyết định biện pháp niêm phong cặp chì hay áp tải.
Nói chung là cần tổ chức áp tải, dù có hay không có niêm phong cặp chì.
Sau khi kiểm tra, nhân viên Hải quan phải ghi kết quả kiểm tra vào tờ khai, theo quy định của Tổng cục Hải quan. Phải ghi rõ số lượng niêm phong, cặp chì nếu có, nếu không có niêm phong cặp chì cũng phải ghi không niêm phong cặp chì.
3. Thu lệ phí Hải quan:
- Căn cứ vào quy định của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính về lệ phí hải quan đối với hàng quá cảnh, mượn đường, Hải quan cửa khẩu tiến hành thu lệ phí hải quan.
Số tiền lệ phí hải quan phải được ghi rõ vào tờ khai hải quan, đồng thời thông báo cho chủ hàng hoặc người vận tải biết.
Chủ hàng có nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ số lệ phí do Hải quan thông báo.
Hải quan phải cấp biên lai thu lệ phí cho người nộp.
4. Sau khi đã kiểm tra, đối chiếu niêm phong, cặp chì và thu lệ phí hải quan, Hải quan cửa khẩu đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan" lên tờ khai.
B. NẾU LÀ HÀNG ĐI NGAY:
Trường hợp Hải quan cửa khẩu nhập không tổ chức áp tải, thì trao tờ khai cho chủ hàng hoặc người vận tải 2 bản để chủ hàng hoặc người vận tải kèm theo hàng và tới nộp cho Hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng. Nếu Hải quan cửa khẩu nhập có cử nhân viên hải quan áp tải, thì giao hai tờ khai cho nhân viên hải quan, để xuất trình cho Hải quan cửa khẩu xuất.
C. TẠI CỬA KHẨU XUẤT:
- Khi hàng tới cửa khẩu xuất:
Chủ hàng hoặc người vận tải, hoặc nhân viên hải quan đi áp tải phải xuất trình tờ khai hàng đã làm thủ tục nhập cho Hải quan cửa khẩu xuất.
Hải quan cửa khẩu xuất tiếp nhận tờ khai, và tiến hành kiểm tra, đối chiếu những việc sau đây (để xem hàng hoá thực tế có phù hợp với tờ khai không).
- Số lượng kiện hàng, và ký mã hiệu có phù hợp với tờ khai không?
- Niêm phong, cặp chì (nếu có) có còn nguyên vẹn và đầy đủ không?
- Thời gian đi đường có phù hợp không?
Nếu có nhân viên hải quan áp tải, thì yêu cầu nhân viên hải quan phản ánh tình hình thực hiện thủ tục hải quan của chủ hàng, hoặc người vận tải.
Nếu thấy hợp lệ, thì ghi kết quả kiểm tra vào tờ khai, đồng thời giám sát để hàng thực xuất qua cửa khẩu, và ghi kết quả hàng thực xuất qua cửa khẩu. Trả lại chủ hàng 1 tờ khai, và chuyển trả về Hải quan nơi làm thủ tục nhập 1 tờ khai.
Nếu có những vi phạm, thì phải lập biên bản vi phạm hoặc phạm pháp hải quan, báo cáo với người phụ trách để xử lý theo các hình thức sau đây:
1. Nếu chủ hàng, hoặc chủ phương tiện vận tải đã tiêu thụ hàng tại Việt Nam, thì phải thu đủ thuế nhập khẩu phi mậu dịch, theo đúng thuế suất của biểu thuế do Hội đồng Nhà nước quy định và giá tính thuế của Bộ Tài chính, đồng thời tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm mà xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
2. Trường hợp nghiêm trọng, phải báo cáo và xin ý kiến Hải quan tỉnh, hoặc Tổng cục Hải quan.
D. TRƯỜNG HỢP HÀNG TẠM LƯU KHO:
1. Sau khi Hải quan cửa khẩu nhập tiến hành thủ tục Hải quan, đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan" vào tờ khai, cho phép hàng đưa về kho, theo địa điểm kho mà chủ hàng đã khai trong tờ khai.
Hàng đưa từ cửa khẩu và kho cũng cần niêm phong cặp chì hoặc tổ chức áp tải nếu xét thấy cần.
Khi hàng về tới kho, nếu kho thuộc sự quản lý của Hải quan địa phương tỉnh khác, thì chủ hàng hoá, hoặc người vận tải phải xuất trình tờ khai hải quan cho Hải quan nơi quản lý kho đó, để Hải quan kiểm tra, giám sát tiếp. Nếu là kho thuộc sự quản lý của Hải quan địa phương mình thì tiếp tục thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng tạm lưu kho đó.
2. Khi hàng chuyển từ kho ra cửa khẩu để xuất:
Chủ hàng, hoặc người vận tải phải đến Hải quan nơi quản lý kho, để làm thủ tục vận chuyển hàng từ kho ra cửa khẩu.
- Nếu là hàng chuyển gọn theo tờ khai, thì dùng tờ khai "Đã làm thủ tục hải quan" để xuất khẩu. Hải quan nơi làm thủ tục cần kiểm tra, đối chiếu lại hàng hoá với tờ khai, nếu thấy hợp lệ thì ghi kết quả kiểm tra đối chiếu vào tờ khai và cho phép vận chuyển tới cửa khẩu xuất;
- Nếu thấy cần, thì tiến hành niêm phong, cặp chì, hoặc tổ chức áp tải;
- Nếu là hàng chuyển dần từ kho đến cửa khẩu xuất, chủ hàng, hoặc người vận tải phải đến Hải quan làm thủ tục vận chuyển dần hàng từ kho ra cửa khẩu xuất.
Cục Giám quản sẽ nghiên cứu một loại tờ khai trích, hoặc một loại giấy vận chuyển hàng từ kho đến cửa khẩu xuất, trên cơ sở tờ khai nhập khẩu ban đầu.
- Khi hàng tới cửa khẩu xuất, Hải quan cửa khẩu xuất làm thủ tục hải quan như đã nêu tại phần a trên đây.
III- HÀNG TIÊU THỤ TẠI VIỆT NAM
Hàng quá cảnh, mượn đường không được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam khi chưa được phép của hai Bộ Thương nghiệp của Việt Nam và Lào hoặc Cămpuchia.
Nếu được phép, chủ hàng phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng kinh doanh nhập khẩu, phải nộp thuế nhập khẩu mậu dịch, theo luật thuế của Việt Nam.
Hải quan tỉnh nơi có hàng nhập khẩu quá cảnh, mượn đường phải mở sổ đăng ký hàng quá cảnh, mượn đường nhằm theo dõi hàng nhập đã thực xuất và chưa thực xuất khỏi Việt Nam.
Nơi có kho chứa hàng quá cảnh, phải mở sổ theo dõi kho, thực hiện chế độ quản lý giám sát kho của Tổng cục Hải quan.
Sáu tháng và hàng năm phải thống kê hàng quá cảnh, mượn đường và báo cáo về Tổng cục, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu kỹ càng hai Thông tư liên Bộ nêu trên, và thực hiện đúng sự hướng dẫn của Công văn này đối với hàng quá cảnh, mượn đường nói chung và của Lào và Cămpuchia nói riêng.
| Nguyễn Thanh (Đã ký) |
- 1 Thông tư liên tịch 01-TTLB/TN-HQ năm 1991 về chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào do Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Thông tư liên tịch 10-TTLB/TN-HQ năm 1990 về chế độ nhận uỷ thác xuất, nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị kinh tế của Campuchia do Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 11-TTLB/TN-HQ năm 1990 quy định chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của Nhà nước Campuchia do Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành