BỘ THƯƠNG NGHIỆP-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10-TTLB/TN-HQ | Hà Nội , ngày 13 tháng 11 năm 1990 |
Ngày 03-11-1990, Bộ Thương nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương nghiệp Nhà nước Cămpuchia đã ký bản "Quy định một số nguyên tắc cơ bản nhằm quản lý việc trao đổi hàng hoá và thực hiện các dịch vụ thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước Cămpuchia". Phần I của bản quy định này có định ra một số nguyên tắc đối với việc nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Bộ Thương nghiệp chịu trách nhiệm xác định các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam (tối đa không quá 10 đơn vị) được phép nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị kinh tế của Cămpuchia; thông báo danh sách các đơn vị này cho Tổng cục Hải quan vào cuối tháng 12 hàng năm.
Bộ Thương nghiệp căn cứ vào các tiêu chuẩn dưới đây để xác định các đơn vị được quyền nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cho Cămpuchia:
- Đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu với phạm vi kinh doanh phù hợp với phạm vi nhận uỷ thác.
- Là đơn vị cấp Bộ, tỉnh.
- Nếu trực thuộc tỉnh thì phải là tỉnh có quan hệ kết nghĩa với Cămpuchia hoặc có chung đường biên với Cămpuchia.
- Có thương nhân, thị trường, xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả, có uy tín ở trong nước và nước ngoài.
- Có hồ sơ xin nhận uỷ thác xuất nhập khẩu cho bạn, nêu rõ quan hệ với đơn vị nào, mặt hàng gì, số lượng bao nhiêu, xuất khẩu sang thị trường nào, nhập khẩu từ thị trường nào, quá trình làm ăn với Cămpuchia.
2. Đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam (dưới đây gọi tắt là đơn vị Việt Nam) chỉ được nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng mà Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Cămpuchia không cấm xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Hàng hoá nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu cho các đơn vị kinh tế của Cămpuchia (dưới đây gọi tắt là hàng nhận uỷ thác) được đi qua lãnh thổ Việt Nam theo chế độ tạm nhập khẩu, để tái xuất khẩu, nguyên đai, nguyên kiện (trừ những trường hợp nêu tại điểm 2, phần V Thông tư này); được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.
4. Hàng nhận uỷ thác được vào ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo giấy phép nhập khẩu (tạm nhập) và giấy phép xuất khẩu (tái xuất) của Bộ Thương nghiệp Việt Nam, theo đúng các cửa khẩu, tuyến đường và phương tiện vận chuyển quy định trên giấy phép.
- Tại biên giới Việt Nam - Cămpuchia, hàng nhận uỷ thác chỉ được phép đi qua các cửa khẩu sau đây:
+ Xá Xía | + Xa Mát |
+ Tịnh Biên | + Hoa Lư |
+ Vĩnh Xương | + Bu Brăng |
+ Mộc Bài | + Lệ Thanh |
Hàng nhận uỷ thác chỉ được phép đi qua các cảng sau đây:
+ Cảng Sài Gòn
+ Cảng Vũng Tàu
- Hàng nhận uỷ thác phải chịu làm đầy đủ thủ tục Hải quan khi vào và ra khỏi Việt Nam; chịu sự kiểm tra và giám sát của Hải quan theo Pháp lệnh Hải quan Việt Nam.
5. Tuyệt đối không tiêu thụ hàng nhận uỷ thác trên thị trường Việt Nam khi chưa được phép của Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Bộ Thương nghiệp Cămpuchia.
1. Quan hệ uỷ thác và nhận uỷ thác phải được thể hiện qua hợp đồng uỷ thác, trong đó quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của từng bên tham gia ký kết.
2. Hợp đồng uỷ thác ít nhất phải có các điều khoản sau:
- Tên hàng, quy cách, phẩm chất.
- Số lượng.
- Đơn giá và tổng trị giá.
- Phương thức thanh toán.
- Hoa hồng uỷ thác, chi phí uỷ thác và phương thức thanh toán hoa hồng uỷ thác, chi phí uỷ thác.
- Phương thức giao nhận (điều kiện giao hàng, thời gian và địa điểm giao hàng).
- Giải quyết các tranh chấp.
3. Hợp đồng uỷ thác phải được Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Bộ Thương nghiệp Cămpuchia phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.
4. Hoa hồng uỷ thác và chi phí uỷ thác được tính bằng ngoại tệ do chuyển đổi và được đơn vị kinh tế của Cămpuchia thanh toán cho đơn vị Việt Nam qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Chỉ được thanh toán hoa hồng uỷ thác và chi phí uỷ thác bằng hàng hoá khi được Bộ Thương nghiệp Việt Nam cho phép.
III. THỦ TỤC NHẬP KHẨU (TẠM NHẬP)
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu (tạm nhập) hàng nhận uỷ thác bao gồm:
- Hợp đồng uỷ thác đã được hai Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Cămpuchia phê duyệt.
- Hợp đồng hoặc văn bản có giá trị tương đương do đơn vị Việt Nam ký với nước thứ ba để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng uỷ thác. Kèm theo hợp đồng này là L/C hoặc những văn bản có giá trị tương đương.
2. Giấy phép nhập khẩu (tạm nhập) phải ghi rõ "hàng nhận uỷ thác cho Cămpuchia" và ghi cửa khẩu tạm nhập, tuyến đường và phương tiện vận chuyển.
3. Sau khi được cấp giấy phép nhập khẩu, đơn vị Việt Nam tiến hành mọi thủ tục Hải quan cần thiết theo quy định chung để nhập hàng vào Việt Nam.
4. Trường hợp hàng chưa tái xuất ngay, tạm đưa vào kho bảo quản hoặc tái chế, sơ chế thì đơn vị Việt Nam phải xin phép trước Hải quan tỉnh để Hải quan giám sát và thực hiện chế độ niêm phong Hải quan.
IV. THỦ TỤC XUẤT KHẨU (TÁI XUẤT)
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu (tái xuất) bao gồm:
- Hợp đồng uỷ thác đã được hai Bộ Thương nghiệp Việt Nam và Cămpuchia phê duyệt.
- Hợp đồng hoặc văn bản có giá trị tương đương do đơn vị Việt Nam ký với nước thứ ba để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng nhận uỷ thác. Kèm theo hợp đồng này là L/C hoặc những văn bản có giá trị tương đương.
- Giấy phép nhập khẩu (tạm nhập) đã thanh khoản hoặc tờ khai hải quan hàng nhập khẩu có xác nhận hàng thực nhập của Hải quan cửa khẩu.
2. Thời hạn hiệu lực của giấy phép tái xuất khẩu không được vượt quá thời hạn hàng được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam (điều 1, phần V Thông tư này). Trên giấy phép phải ghi "hàng nhận uỷ thác cho Cămpuchia"; ghi rõ cửa khẩu, tuyến đường và phương tiện vận chuyển hàng tái xuất.
3. Sau khi được cấp giấy phép tái xuất khẩu, đơn vị Việt Nam làm mọi thủ tục hải quan cần thiết theo quy định chung để đưa hàng ra khỏi Việt Nam.
4. Đơn vị Việt Nam phải gửi giấy phép tái xuất khẩu đã thanh khoản về cho Tổ cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày giấy phép được thanh khoản.
1. Hàng nhận uỷ thác xuất khẩu được lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam không quá 45 ngày kể từ ngày hàng thực nhập vào Việt Nam. Đối với hàng hoá nhận uỷ thác nhập khẩu, thời hạn này là 30 ngày.
2. Hàng nhận uỷ thác có thể được đưa ra khỏi Việt Nam với số lượng ít hơn số lượng đã thực nhập và không nguyên đai, nguyên kiện trong các trường hợp sau:
- Hàng sản xuất tại Cămpuchia, được tái chế hoặc sơ chế trong thời gian lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam, dẫn đến những hao hụt cho phép.
- Hàng bị dổ vỡ tại cửa khẩu tạm nhập hoặc trong quá trình vận chuyển qua lãnh thổ Việt Nam.
Cả hai trường hợp trên đây đều phải xuất trình các văn bản xác nhận của các cơ quan chức năng (hoặc Cảng, hoặc Vinacontrol, hoặc Hải quan cửa khẩu tạm nhập, hoặc Hải quan tỉnh) cho Tổ cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp và Hải quan Việt Nam.
3. Hàng nhận uỷ thác xuất khẩu không được lấy giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam. Nếu hợp đồng ký với nước thứ ba (hoặc L/C do nước thứ ba mở) có quy định xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ trong bộ chứng từ thanh toán thì đơn vị Việt Nam phải yêu cầu đơn vị kinh tế Cămpuchia lấy giấy chứng nhận xuất xứ của Cămpuchia.
Những hành vi vi phạm các quy định trong Thông tư này được xử lý theo Pháp lệnh Hải quan và Pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1991.
Lâm Văn Độ (Đã ký) | Lê Văn Triết (Đã ký) |
- 1 Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư liên bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan quy định chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của Lào và Cam-pu-chia
- 2 Công văn hướng dẫn tạm thời việc làm dịch vụ nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị kinh tế của Trung Quốc
- 3 Thông báo số 2061-TLLB/TN-HQ về những đơn vị kinh tế Việt Nam được trao đổi hàng hoá, nhận uỷ thác xuất, nhập khẩu với Campuchia do Bộ Thương nghiệp ban hành