Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 531-TCKT
Về việc hướng dẫn việc thực hiện thu phí giao thông

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1990

 

Kính gửi:

- Các Sở Giao thông Vận tải
- Sở tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu

 

Qua việc triển khai thực hiện Thông tư số 58 TT-LB ngày 14-12-1989 của Liên bộ Tài chính - Giao thông vận tài về "Bổ sung, sửa đổi một số điểm về thực hiện thu phí giao thông đường bộ, đường sông". Một số tỉnh, đơn vị đã có công văn lên Liên Bộ phản ánh: Một số tỉnh Sở Giao thông vận tải chưa nhận thu phí giao thông, có Sở giao thông tự tiện đặt in mẫu ấn chỉ chứng từ riêng không sử dụng mẫu biểu, biên lai do cơ quan tài chính phát hành, tiền thu phí giao thông chậm được sử dụng để duy tu, sửa chữa đường sá do thủ tục quy định chưa hợp lý; mức thu của một số loại phương tiện vận tải còn cao...

Sau khi nghiên cứu, trao đổi ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Giao Thông vận tải hướng dẫn, sửa đổi một số điểm để triển khai thực hiện Thông tư số 58 TT-LB như sau:

1- Tất cả các Sở Giao thông vận tải trực tiếp tổ chức thu phí giao thông theo quy định tại Thông tư số 58 TT-LB của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải. Trường hợp do thiếu bộ máy thu, thì bàn bạc với Sở tài chính xin tiếp nhận một số cán bộ của ngành tài chính sang làm công tác thu phí giao thông.

2- Tiền thu được từ phí giao thông chỉ được sử dụng để duy tu, sửa chữa đường bộ, đường sông, hàng năm các Sở phải lập kế hoạch thu và chi phí giao thông vào tu sửa đường bộ, đường sông gửi về Bộ Giao thông vận tải tham gia và xét duyệt.

Tuyệt đối không được sử dụng vào việc khác (kể cả kinh phí để xây dựng nhà cửa cho đơn vị quản lý và sửa chữa đường). Địa phương nào vi phạm sẽ bị xử lý và đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở tài chính phải chịu trách nhiệm trước hai bộ.

3- Tiền thu phí Giao thông vẫn phải nộp vào Ngân sách địa phương theo chủng loại, khoản hạng, mục lục Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho công tác duy tu bảo dưỡng cầu đường ở địa phương được cấp phát, thanh toán kịp thời, Sở Giao thông vận tải cần bàn bạc cụ thể với Sở Tài chính quản lý và cấp phát vốn cho công tác sửa chữa đường bộ, đường sông địa phương theo kế hoạch chi đã được duyệt phù hợp với kết quả thu nộp phí giao thông.

4- Phương thức thu phí: Đối với các chủ phương tiện nộp phí giao thông đường bộ, đường sông cho cơ quan tổ chức thu có thể bằng tiền mặt, séc hoặc chuyển khoản.

Đối với chủ phương tiện là cá nhân hoặc cơ quan, xí nghiệp có ít đầu phương tiện thì thời gian nộp phí theo quý hoặc nộp cả năm.

Đối vói cơ quan, xí nghiệp chuyên doanh vận tải hoặc có nhiều đầu xe hoạt động, số phí giao thông phải đóng hàng tháng lớn, thì đơn vị chủ phương tiện phải báo cáo trao đổi với cơ quan tổ chức thu và lập kế hoạch nộp phí theo thời gian trong tháng, quý cho phù hợp với tình hình doanh thu, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu nộp đầy đủ số phí phải đóng của đơn vị khi kết thúc quý, năm.

5- Biểu mẫu, ấn chỉ, biên lai, giấy chứng nhận nộp phí giao thông... phải sử dụng biểu mẫu, ấn chỉ do Bộ Tài chính ban hành. Thực hiện quản lý và sử dụng chứng từ thu nộp phí giao thông đã quy định trong công văn số 48-TC-TN ngày 31-1-1990 của Cục thuế công thương nghiệp Bộ Tài chính. Các Sở Giao thông vận tải không được tự tiện quy định, in ấn riêng. Trường hợp những ấn chỉ, biên lai do Bộ Tài chính quy định chưa hợp lý, báo cáo với Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung.

6- Báo cáo thu chi phí giao thông.

Tiền thu phí giao thông và sử dụng tiền thu phí phải được hạch toán, quyết toán, riêng để hai Bộ tiện việc kiểm tra theo dõi.

Hàng quý và hết năm các Sở giao thông vận tải phải báo cáo về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Tài chính kế toán) và Sở Tài chính số tiền thu phí giao thông. Đồng thời, phải bao cáo quyết toán tình hình chi sửa chữa đường bộ quản lý đường sông bằng nguồn thu phí giao thông theo kế hoạch đã được duyệt.

Các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính sẽ tổ chức kiểm tra về thu, chi phí giao thông ở các địa phương khi xét thấy cần thiết.

7- Về mức thu phí giao thông: qua phản ánh của một số địa phương, đơn vị về mức thu phí của một số phương tiện vận tải còn cao chưa phù hợp. Nay quy định lại mức thu của một số đối tượng theo biểu đính kèm của văn bản hướng dẫn này và được áp dụng từ ngày 01 tháng 1 năm 1990.

Các quy định khác không đề cập trong văn bản này vẫn áp dụng theo Thông tư số 58-TT-LB ngày 14-12-1989 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn tồn tại vướng mắc gì, các địa phương phản ánh về hai Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

BIỂU MỤC THU PHÍ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SÔNG
(Kèm theo Công văn số 531/TCKT ngày 16-3-1990)

Loại phương tiện vận tải

Mức thu tháng

A- Phương tiện vận tải đường bộ:

 

1- Các xe có tổng số tấn trọng tải và tự trọng từ 13 tấn trở lên

15.000đ/T trọng tải

2- Xe lam, xe máy kéo bông sen

23.000đ/xe

3- Xe mô tô 3 bánh, xích lô máy, xe lôi máy

12.000đ/xe

4- Xe do súc vật kéo

15.000đ/xe

5- Xe ba gác, xích lô, xe đạp lôi

6.000đ/xe

B- Phương tiện vận tải đường sông:

Phương tiện vận tải cơ giới thuỷ, sà lan thống nhất thu

1.000đ/tấn phương tiện

 

 

Bùi Danh Lưu

(Đã ký)