BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2166 TCT/NV5 | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003 |
Kính gửi: Cục thuế thành phố Hải Phòng
Tổng cục Thuế nhận được công văn s 467/CT-ĐTNN ngày 12/5/2003 của Cục thuế Thành phố Hải Phòng hỏi về chính sách thuế đối với hoạt động mua tàu biển của nước ngoài. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến sau:
- Căn cứ theo Điều 22-Mục F (đăng ký tàu biển ở nước ngoài) - Nghị định số 91/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Đăng ký tàu biển và thuyền viên thì việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến tàu biển quy định tại Điều 20 của Quy chế này phải thực hiện theo nguyên tắc.
Pháp luật Việt Nam áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tàu biển.
Pháp luật nước ngoài, nơi tàu được phép đăng ký, chỉ áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền khai thác và quản lý tàu trên cơ sở hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê-mua tàu.
Do vậy, trường hợp tàu Sea Bee thuộc sở hữu của pháp nhân Việt Nam (là Công ty Đông Long) thì Công ty Đông Long phải nộp lệ phí trước bạ tại Việt Nam khi mua tàu của Liberia, Trường hợp Công ty Đông Long chuyển nhượng và bán lại tàu Sea Bee cho Công ty TNHH Cát Nhật (cũng là một doanh nghiệp Việt Nam) thì Công ty Cát Nhật cũng phải nộp lệ phí trước bạ.
- Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế GTGT và Điều 2 Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ thì đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại vn.
Căn cứ hướng dẫn trên, khi Công ty Đông Long bán tàu Sea Bee cho Công ty Cát Nhật và tàu này vẫn tiếp tục mang cờ tàu Campuchia, tàu được sử dụng và hoạt động ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì Công ty Đông Long không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản thu về bán tàu này.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế thành phố Hải Phòng biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ |