Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 220/BNV-CCVC
V/v trả lời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2007

 

Kính gửi: Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước

Bộ Nội vụ đã nhận được công văn số 471/SNV-TTr ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước về việc hướng dẫn việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Sau khi xem xét, Bộ Nội vụ có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 8 tháng 02 năm 2006 hướng dẫn thi hành Nghị định trên thì:

- Hình thức kỷ luật buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với các trường hợp cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng làm cán bộ, công chức sau khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực (sau ngày 01/5/1998).

- Đơn vị các trường hợp cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch thấp nhất trong cùng một loại công chức, viên chức (loại A, B, C) không áp dụng hình thức kỷ luật hạ ngạch khi vi phạm kỷ luật.

Vì vậy, trong các trường hợp cán bộ, công chức tuyển dụng trước ngày 01/5/1998 và hiện đang giữ ngạch thấp nhất trong cùng một loại công chức, viên chức nếu vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, việc áp dụng hình thức kỷ luật sẽ do Hội đồng kỷ luật xem xét, kiến nghị người có thẩm quyền quyết định và không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc hoặc hình thức kỷ luật hạ ngạch. Đối với các trường hợp này, sau khi xử lý kỷ luật, nếu cơ quan bố trí lại vị trí công tác thì phải xếp lại ngạch, bậc lương theo quy định chung của Nhà nước.

2. Tại khoản 3, Điều 11 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức quy định “trường hợp người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý”. Khoản 4, Điều 30 quy định: “căn cứ vào phân cấp quản lý cán bộ, công chức giữ các chức vụ thuộc cấp nào bổ nhiệm nếu vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cấp đó xem xét và ra quyết định kỷ luật”. Vì vậy, đối với các chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nếu vi phạm kỷ luật thì căn cứ vào quy định phân cấp về thẩm quyền bổ nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, người đứng đầu cơ quan được giao thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm xem xét và ra quyết định kỷ luật. Việc cử đại diện Đảng ủy cấp trên trực tiếp tham gia thành phần Hội đồng kỷ luật phải căn cứ vào quy định cụ thể về bộ máy tổ chức Đảng tại địa phương để xác định.

Bộ Nội vụ xin trả lời để Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VP, Vụ CCVC.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC




Trần Anh Tuấn