Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 573/TCHQ-GSQL
V/v rà soát, xử lý dứt điểm tình hình tồn đọng thanh khoản hàng GC, NSXXK

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2009

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố

Qua theo dõi tình hình tồn đọng hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu do các Cục Hải quan địa phương báo cáo hàng tháng và qua việc kiểm tra, đôn đốc thanh khoản trực tiếp tại Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Tổng cục Hải quan nhận thấy tình hình tồn đọng hàng gia công, hàng SXXK tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã có giảm nhưng chưa giảm đáng kể. Tại một số Cục Hải quan nơi quản lý nhiều doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu có hiện tượng gia tăng số lượng hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu chậm thanh khoản trước nguy cơ suy giảm kinh tế trong thời gian sắp tới. Để xử lý dứt điểm tồn đọng, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tình trạng tồn đọng thanh khoản, Tổng cục Hải quan yêu cầu:

1. Từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát cụ thể, chi tiết từng hợp đồng gia công, từng tờ khai NSXXK chưa thanh khoản được, tiếp tục áp dụng các biện pháp đôn đốc và xử lý thanh khoản theo hướng dẫn tại công văn số 1301/TCHQ-GSQL ngày 2/3/2007, công văn số 7264/TCHQ-GSQL ngày 27/12/2007 để xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng trong năm 2009, nhất là Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Bình Dương, Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Cục Hải quan TP. Hà Nội...

Yêu cầu rà soát cụ thể từng hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu tồn đọng và thống kê vào các biểu mẫu 01, mẫu 02 kèm theo công văn này, trong đó nêu rõ nguyên nhân tồn đọng, các biện pháp đã áp dụng, các đề xuất, kiến nghị và xử lý đối với số thuế phải truy thu của từng hợp đồng, từng tờ khai để Tổng cục Hải quan có cơ sở báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý cụ thể cho từng loại hình. Kết quả rà soát gửi về Tổng cục Hải quan (Vụ GSQL).

2. Bố trí cán bộ công chức có kinh nghiệm thường xuyên theo dõi, tập hợp và phân loại các tờ khai, các hợp đồng chưa thanh khoản được theo từng nguyên nhân tồn đọng (doanh nghiệp không đến thanh khoản; doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thanh khoản nhưng còn thiếu chứng từ; không tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản; doanh nghiệp chây ỳ...) để tiếp tục xử lý theo hướng dẫn tại công văn số 1301/TCHQ-GSQL , công văn số 7264/TCHQ-GSQT và chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức hải quan trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu.

3. Tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan như Cục Thuế địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để nắm tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, qua đó có biện pháp quản lý phù hợp...

Đối với các hợp đồng gia công sắp đến hạn thanh khoản, cần áp dụng ngay các biện pháp đề nghị doanh nghiệp thanh khoản đúng hạn để loại trừ trường hợp doanh nghiệp có thể bỏ trốn hoặc chây ỳ không thanh khoản.

Đối với các doanh nghiệp đã làm xong thủ tục giải thể, đã công khai đăng trên thông tin đại chúng nhưng các Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công, tờ khai nhập SXXK không nhận được thông tin về doanh nghiệp (như tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần - Bình Dương) thì cần tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để đôn đốc giải quyết hết các công nợ.

Các Cục Hải quan cần có biện pháp thích hợp để hạn chế tối đa tình trạng hợp đồng gia công, tờ khai NSXXK tồn đọng phát sinh mới.

4. Đối với những doanh nghiệp vi phạm thời hạn thanh khoản hợp đồng gia công thì áp dụng ngay các biện pháp xử lý theo hướng dẫn tại điểm XII.5.1, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 của Bộ Tài chính.

5. Thông báo công khai lên báo Hải quan những doanh nghiệp vi phạm thời hạn thanh khoản, bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan và những doanh nghiệp chây ỳ không thanh khoản bị cưỡng chế thủ tục hải quan.

Cục Hải quan tỉnh, thành phố khi nhận được văn bản thông báo cưỡng chế thủ tục hải quan của các doanh nghiệp trên toàn quốc do các đơn vị Hải quan khác gửi đến cần chú ý kiểm tra khi làm thủ tục hải quan, tránh trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế thủ tục ở đơn vị Hải quan khác nhưng vẫn tiếp tục cho làm thủ tục hải quan ở đơn vị mình.

6. Đối với hàng sản xuất xuất khẩu chưa thanh khoản được do vướng mắc về chứng từ thanh toán thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài chính và công văn 8163/BTC-TCHQ ngày 14/7/2008 của Bộ Tài chính.

7. Các biện pháp xử lý nợ đọng thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 77/2008/TT-BTC ngày 15/9/2008 của Bộ Tài chính, công văn số 1548/TCHQ-KTTT ngày 4/4/2008 của Tổng cục Hải quan.

Về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, tổ chức lại doanh nghiệp...thực hiện theo quy định tại điều 54, điều 55, điều 56 Luật quản lý thuế và văn bản hướng dẫn liên quan.

8. Tiếp tục hoàn thiện chương trình phần mềm quản lý hàng gia công, hàng SXXK (đối với các đơn vị đã áp dụng), đẩy mạnh triển khai áp dụng chương trình phần mềm quản lý đối với hàng gia công, hàng SXXK (đối với các đơn vị chưa áp dụng).

9. Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ và kiểm toán Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh, thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Cục, lãnh đạo Chi cục trong việc quản lý, điều hành công việc tại đơn vị nhưng đã để xảy ra tình trạng tồn đọng quá nhiều, quá lâu hợp đồng gia công, tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu.

Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, báo cáo kết quả rà soát về Tổng cục trước ngày 20/3/2009 (File mềm gửi về hộp thư nội bộ, địa chỉ VuGSQL hoặc Thuycustom75@ynhoo.com). Trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết của Cục thì kịp thời báo cáo kèm đề xuất xử lý gửi Tổng cục để có chỉ đạo giải quyết./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh