Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 603/YT-QLTP
V/v thủ tục nhập khẩu thực phẩm

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2003

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Cục Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã nhận được công văn số 6356/TCHQ-GSQL ngày 12/12/2003 của quý Tổng cục về thủ tục nhập khẩu thực phẩm, để giải quyết việc khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, trước khi có quy định mới về Công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm xin có ý kiến cụ thể như sau:

1. Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Quyết định số 2027/2001/QĐ-BYT ngày 30/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 'Quy định tạm thời về công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm", việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm phục vụ công tác kiểm tra Nhà nước khi vào thị trường Việt nam và thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng khi sản phẩm đang lưu thông tại Việt Nam.

2. Các thực phẩm, nêu tại điểm 1.3 và 1.4 của Quyết định số 2027, chỉ được lưu hành khi đã đăng ký hoặc công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm (gọi tắt là công bố tiêu chuẩn). Khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:

- Đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ, trình Bản đăng ký chất lượng hàng hoá do Cục quản lý CLVSATTP cấp.

- Đối với các sản phẩm đặc biệt, trình Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn và Tiêu chuẩn cơ sở có đóng dấu giáp lai của Cục Quản lý CLVSATTP.

3. Các thực phẩm dưới đây không phải công bố tiêu chuẩn:

- Thực phẩm nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh (hàng viện trợ, quà biếu, mẫu triển lãm, nghiên cứu)

- Thực phẩm và nguyên liệu chưa qua công nghệ chết biến tiệt trùng, nông sản mới qua sơ chế như gạo, mì, ngũ cốc ... có chất lượng không ổn định, không rõ hạn sử dụng cuối cùng vì phụ thuộc điều kiện bảo quản đặc biệt nhằm phục vụ sản xuất, chế biến, bao gói lại trước khi bán cho người tiêu dùng). Ví dụ như: thực phẩm nguồn gốc động vật tươi sống nguyên con, đông lạnh phải qua kiểm dịch thú y và thuỷ sản; hoa quả tươi, nông sản nguyên hạt, nguyên vỏ phải qua kiểm dịch thực vật;

4. Thực phẩm phải công bố chất lượng gồm tất cả các loại thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp, bao gói sẵn để bán lẻ (sản phẩm để người tiêu dùng trực tiếp và phụ gia thực phẩm, nguyên liệu dùng cho chế biến thực phẩm (đã qua xử lý tiệt trùng) có chất lượng tương đối đồng đều, ổn định và đã qua chế biến công nghệ, bao gói sẵn để bán lẻ và có ghi nhãn, hạn sử dụng hoặc ngày sản xuất. Như vậy, mặt hàng "sữa bột nguyên liệu" cũng phải công bố chất lượng.

- Đối với các sản phẩm này, doanh nghiệp trình Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn và Tiêu chuẩn cơ sở có đóng dấu giáp lai của Cục Quản lý CLVSATTP. Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng chỉ là bản cam kết của doanh nghiệp, dùng để lưu trong hồ sơ công bố và vì vậy, cơ quan hải quan không  cần yêu cầu doanh nghiệp xuất trình.

- Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và phụ gia thực phẩm để phục vụ sản xuất trong nội bộ công ty thì công bố theo Danh mục (theo bảng kê khai các thông tin chủ yếu về sản phẩm và xuất xứ hàng hoá). Do vậy, khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp chỉ cần trình công văn và bản Danh mục đã được đóng dấu của Cục Quản lý CLVSATTP.

5. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm nêu tại mục 4 nói trên của văn bản này chưa thể cùng lúc có đủ thông tin về sản phẩm và tìm hiểu tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm (ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ-BYT ngày 04/04/1998 và các quy định bắt buộc áp dụng của Việt Nam) công bố tiêu chuẩn. Vì vậy, Cục Quản lý CLVSATTP đề xuất với Quý Tổng cục hải quan giải pháp dưới đây để các cơ quan hải quan cửa khẩu phối hợp quản lý và giải quyết ách tắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu từ nay cho đến khi có quy định mới thay thế Quyết định số 2707:

a. Cơ quan Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan lô hàng khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ làm thủ tục hải quan và có cam kêt với cơ quan hải quan cửa khẩu bằng văn bản (kèm thêm đủ các giấy tờ dưới đây) về việc tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm và thời hạn thực hiện công bố tiêu chuẩn:

- Bản đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu

- Kết quả thử nghiệm (Certificate of Analysis) của nhà sản xuất hoặc cơ quan xét nghiệm có thẩm quyền. Riêng các sản phẩm là rượu thành phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp chưa công bố tiêu chuẩn chỉ được lưu hành sản phẩm khi đã nộp kết quả thử nghiệm của cơ quan kiểm nghiệm có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận sản phẩm đạt chất lượng và hàm lượng aldchyde theo tiêu chuẩn của Việt nam hoặc nước cho phép lưu hành tự do và được Cục Quản lý CLVSATTP xác nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn lưu hành tại Việt Nam.

- Chứng nhận xuất xứ (certificate of Origin)

- Vận đơn (Bill of Lading)

b. Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi thêm một Bản cam kết cùng hồ sơ kèm theo nêu ở điểm a, Mục 5 nói trên (bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp) cho Cục Quản lý CLVSATTP để theo dõi và tiến hành hậu kiểm, giải quyết khiếu nại của khách hàng khi cần thiết.

Kính đề nghị Quý tổng cục nghiên cứu và chỉ đạo các cơ quan Hải quan cửa khẩu thống nhất thực hiện để phối hợp quản lý.

 

 

CỤC TRƯỞNG
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM




Phan Thị Kim