Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0427/TM-XNK

Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0427-TM/XNK NGÀY 28 THÁNG 01 NĂM 1999 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trong những ngày đầu thi hành Luật thuế sửa đổi, bổ sung Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã xuất hiện một số vướng mắc có liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hàng hoá nhập khẩu. Do có sự theo dõi chỉ đạo sát sao của Tổng cục Hải quan và Bộ Thương mại, phần lớn những vướng mắc này đã được tháo gỡ kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề (được nêu tại cuộc họp ngày 27-01-1999 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan) đòi hỏi hai ngành phải có sự phối hợp giải quyết triệt để nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu. Cụ thể là:

1. Vấn đề cung cấp danh sách các tổ chức có thẩm quyền cấp CD và đăng ký mẫu C/O, mẫu dấu và mẫu chữ ký của các tổ chức này:

Hiện tại có 65 nước và vùng lãnh thổ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam. Qua những thông tin sơ bộ do tham tán thương mại tại các nước gửi về, số lượng các tổ chức có thẩm quyền cấp C/O tại 65 nước và vùng lãnh thổ này có thể lên tới trên 1000 (Riêng tại Malaixia là 60, Hàn Quốc là 44, Đài Loan thậm chí có tới 92 tổ chức). Nếu ta ký được Hiệp định thì Mỹ và Nhật, đồng thời gia nhập được WTO thì số lượng các nước và vùng lãnh thổ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam có thể lên tới gần 150, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn tổ chức có thẩm quyền cấp C/O và cả chục nghìn mẫu C/O, mẫu dấu và mẫu chữ ký. Việc đăng ký, phát hành và cập nhật danh sách các tổ chức có thẩm quyền cấp C/O, trong điều kiện đó, là hoàn toàn không khả thi.

Sau khi nghiên cứu thông lệ quốc tế, Bộ Thương mại nhận thấy có thể thay đổi cách tiếp cận trong lĩnh vực này. Cụ thể, thay vì kiểm tra, đối chiếu từng C/O khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ cho phép người nhập khẩu tự chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của C/O và tính thuế nhập khẩu trên cơ sở C/O do người nhập khẩu xuất trình. Nếu sau này phát hiện có sự gian lận thì sẽ xử lý nghiêm minh như xử lý các trường hợp gian lận thuế khác.

Cách tiếp cận này không mâu thuẫn với thực tiễn quản lý hiện hành bởi người nhập khẩu đang phải tự chịu trách nhiệm về nhiều chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan, trong đó có cả những chứng từ quan trọng đối với việc xác định thuế nhập khẩu như hoá đơn thương mại, hợp đồng mua bán....

Xuất phát từ những phân tích trên, trong khi chờ sửa đổi toàn diện Thông tư liên bộ số 280-TCHQ/GSQL cho phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương như sau:

"Để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, người nhập khẩu chỉ cần xuất trình C/O xác nhận hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam. C/O do người nhập khẩu xuất trình sẽ được chấp thuận ngay cả khi tổ chức cấp C/O, Mẫu C/O, mẫu dấu và mẫu chữ ký chưa được đăng ký với cơ quan hải quan với điều kiện người nhập khẩu phải làm cam kết về tính hợp lệ của C/O. Nếu sau này kiểm tra phát hiện có sự gian lận về C/O thì người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm truy nộp thuế và chịu xử lý theo quy định hiện hành".

2. Về tiêu chuẩn xuất xứ:

Hiện nay Việt Nam chưa quy định tiêu chuẩn xác định xuất xứ cho hàng hoá của nước ngoài (trừ trường hợp quy định hàm lượng ASEAN trong chương trình CEPT/AFTA). Tuyệt đại đa số C/O xuất trình cho cơ quan hải quan để hưởng thuế ưu đãi (thuế MFN) được cấp theo quy định của nước xuất xứ. Vì lý do đó, Bộ Thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương không đòi hỏi người nhập khẩu phải chứng minh hàm lượng của nước xuất xứ khi kiểm tra C/O. Việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở C/O do chủ hàng xuất trình, theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm như trên đã trình bày. Các trường hợp có nghi vấn sẽ được điều tra riêng. Nếu phát hiện có gian lận thì xử lý theo pháp luật hiện hành, kể cả áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những đối tác đã cố tình gian lận xuất xứ.

3. Vấn đề C/O của nước này nhưng lại xác nhận hàng hoá có xuất xứ từ nước khác:

Trong thực tiễn thương mại quốc tế có nhiều trường hợp mà nước lại xứ (nơi hàng hoá chỉ đi qua, tập kết, chuyển tải, chia lô hoặc thực hiện một số thao tác giản đơn như tái chế bao bì) cấp C/O xác nhận hàng hoá có xuất xứ từ một nước thứ ba. Bộ Thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương coi C/O loại này là hợp lệ và áp thuế cho hàng hoá theo xuất xứ ghi trên C/O đó, kể cả các trường hợp không kèm theo bản sao C/O của nước xuất xứ.

4. Vấn đề C/O của khu chế xuất:

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 264-TTg ngày 24-4-1997 giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam uỷ quyền cho các Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hoá của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất. Bộ Thương mại cũng đã uỷ quyền cho các Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất cấp tỉnh cấp C/O mẫu D. Như vậy, về nguyên tắc, có thể áp dụng các quy định về C/O cho hàng hoá của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất bán trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, cần có một số điều chỉnh nhỏ cho phù hợp với thực tiễn quản lý. Về vấn đề này, Bộ Thương mại sẽ có công văn gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính có hướng dẫn phù hợp.

5. Vấn đề C/O cấp sau ngày vận đơn:

C/O cấp sau ngày vận đơn là một thực tiễn phổ biến trong thương mại quốc tế, là quán lệ thương mại được tất cả các nước chấp nhận. Tại Việt Nam, thực tiễn này có thể thấy rõ qua việc cấp C/O cho cà phê xuất khẩu (tuyệt đại đa số là cấp sau). Có trường hợp C/O loại này được đóng dấu RETROACTIVELY, có trường hợp không, nhưng nhìn chung đều được chấp nhận. Vì lý do đó, Bộ Thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương chấp nhận C/O do người nhập khẩu xuất trình bất kể thời điểm cấp C/O là trước, trong hay sau ngày vận đơn với điều kiện C/O phải được xuất trình trong khoản thời gian đã quy định tại Thông tư liên bộ số 280-TCHQ/GSQL và Thông tư số 01/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại.

6. Các trường hợp không có C/O hoặc không thể có C/O:

Hàng nhập khẩu theo đường phi mậu dịch hoặc thương mại biên giới nhiều khi không có được C/O theo quy định của Nhà nước. Để xử lý vấn đề này, Bộ Thương mại đã có Công văn số 356-TM/XNK ngày 21-01-1999 trao đổi ý kiến với Tổng cục Hải quan. Đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu và cho phép tạm thời thực hiện theo hướng đã trình bày trong công văn đó.

Hàng đã qua sử dụng cũng là đối tượng khó xin được C/O. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quy định trong Thông tư liên bộ số 280-TCHQ/GSQL nên đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương trước mắt thực hiện theo quy định của Thông tư số 280-TCHQ/GSQL.

Ngoài hai trường hợp trên còn một số trường hợp không thể lấy được C/O do tính đặc thù của hàng hoá giao dịch hoặc phương thức giao hàng (như phụ tùng máy bay). Do đây chỉ là một số trường hợp đơn lẻ nên đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương vận dụng khổ 2 Khoản b, Mục 2, Phần I Thông tư liên bộ số 280-TCHQ/GSQL để xử lý. Những trường hợp phức tạp thì hải quan cửa khẩu tạm thời thu thuế theo thuế suất ưu đãi và báo cáo Tổng cục trực tiếp xử lý.

7. Vấn đề C/O chỉ xác nhận hàng có xuất xứ từ EU mà không nói rõ nước nào trong EU:

Danh mục các nước đã có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong hệ thương mại với Việt Nam ban hành kèm theo Công văn 7280/1998/TM-PC ngày 31-12-1998 của Bộ Thương mại, sau Mục 41, đã chỉ rõ "EU gồm". Như vậy, Cộng đồng Châu Âu đã có trong danh mục của Bộ Thương mại. Đề nghị Tổng cục Hải quan giải thích điểm này với hải quan các cửa khẩu và yêu cầu tính thuế nhập khẩu ưu đãi cho các chủ hàng xuất trình được C/O xác nhận hàng hoá có xuất xứ EU dù C/O không nêu rõ nước nào trong khối EU.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại có liên quan đến C/O hàng hoá nhập khẩu, xin gửi Tổng cục Hải quan nghiên cứu và mong nhận được sự phối hợp chỉ đạo của quý Tổng cục.

 

Trương Đình Tuyển

(Đã ký)