Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 517/NCPL

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 1993

 

CÔNG VĂN

SỐ 517/NCPL NGÀY 9-10-1993 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC LY HÔN VỚI MỘT BÊN ĐANG Ở NƯỚC NGOÀI .

 

Trong thời gian vừa qua Toà án nhân dân tối cao nhận được công văn của một số Toà án nhân dân địa phương hỏi một số vấn đề về thủ tục giải quyết việc ly hôn có một bên đương sự đang ở nước ngoài. Toà án nhân dân tối cao đã trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại công văn ngày 5-10-1993 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất với Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thêm như sau, ngoài các hướng dẫn trước đây tại các công văn số 130/NCPL ngày 16-12-1991 và số 29/NCPL ngày 6-4-1992 của Toà án nhân dân tối cao:

1. Trong trường hợp Toà án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục uỷ thác tư pháp đến lần thứ hai, nhưng không được các cơ quan tư pháp có trách nhiệm của nước liên quan đáp ứng, thì Toà án liên hệ với Bộ Tư pháp để thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu cơ quan lãnh sự của nước ta tại nước có liên quan thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh lãnh sự công bố ngày 24-11-1990 với nội dung: Lãnh sự thực hiện uỷ thác tư pháp của cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đối với công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự, nếu việc đó không trái với pháp luật nước tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia.

Việc thực hiện uỷ thác tư pháp này phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam. Nếu Toà án đã thực hiện theo đúng các hướng dẫn nói trên nhưng việc uỷ thác tư pháp vẫn không có kết quả do bị đơn không có địa chỉ rõ ràng, sống lưu vong, không ai quản lý, thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai hoặc các tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử, nếu nguyên đơn ở trong nước công nhận những lời khai hoặc tài liệu gửi về đúng là của bị đơn đang ở nước ngoài. Nếu theo cách thức liên hệ nói trên và đã liên hệ được với bị đơn đang ở nước ngoài, nhưng họ cố tình từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết đến lần thứ hai, thì Toà án có thể đưa vụ án ra xét xử. Nếu theo cách thức liên hệ nói trên, nhưng không liên hệ được thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú xác định bị đơn mất tích hoặc đã chết theo thủ tục quy định về việc xác định công dân mất tích hoặc đã chết.

2. Đối với những vụ án ly hôn, nguyên đơn là người ở trong nước bị bỏ lửng nhiều năm, bị đơn là người đang ở nước ngoài, nhưng có đầy đủ căn cứ chứng minh là họ vẫn gọi điện về cho thân nhân của họ ở trong nước và thân nhân của họ không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để bị đơn gửi lời khai về cho Toà án, thì cần coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Trong trường hợp này, nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án có thể đưa vụ án ra xét xử. Ngược lại, nếu không có đầy đủ căn cứ để chứng minh được là bị đơn vẫn gọi điện về cho thân nhân của họ ở trong nước và thân nhân của họ không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án huyện nơi họ thường trú xác định bị đơn mất tích hoặc đã chết theo thủ tục quy định về việc xác định công dân mất tích hoặc đã chết.

3. Đối tượng các trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm vẫn không có hoặc không biết địa chỉ của bị đơn để tống đạt bản án và thân nhân của họ ở trong nước cũng từ chối việc thông báo cho họ kết quả xét xử của Toà án, thì Toà án gửi công văn cho cơ quan ngoại giao của nước ta ở nước ngoài kèm theo bản sao bản án và yêu cầu niêm yết bản sao bản án tại trụ sở của cơ quan ngoại giao đó; đồng thời Toà án cấp cho thân nhân của họ ở trong nước một bản sao bản án và yêu cầu họ gửi cho bị đơn đang ở nước ngoài. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Toà án gửi công văn và bản sao bản án yêu cầu cơ quan ngoại giao của nước ta ở nước ngoài niêm yết bản sao bản án và kể từ ngày Toà án cấp cho thân nhân của họ ở trong nước bản sao bản án, dù Toà án có nhận được hay không nhận được thông báo của cơ quan ngoại giao nước ta ở nước ngoài cũng như thông báo của thân nhân của họ ở trong nước về việc đã niêm yết bản sao bản án, đã gửi bản sao bản án cho họ hay chưa mà không có đơn, thư của bị đơn đang ở nước ngoài về việc họ có kháng cáo, đồng thời trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị được quy định tại Điều 59 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, bản án cũng không bị những người khác kháng cáo hoặc Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị, thì bản án được thi hành theo thủ tục chung.

 

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)