BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 485-TC/NSNN | Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1998 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 485/TC/NSNN NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 1998 VỀ VIỆC SƠ KẾT CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Kính gửi:
| - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương, các đoàn thể, |
Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996 và có hiệu lực từ ngày 1997. Sau một năm thực hiện, nhờ có sự cố gắng của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, công tác thực hiện triển khai Luật Ngân sách nhà nước bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Để có căn cứ tổng hợp đánh giá tình hình triển khai Luật Ngân sách nhà nước phục vụ công tác nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định cần thiết nhằm hoàn chỉnh Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, cho phù hợp hơn với yêu cầu và thực tiễn quản lý; Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, phản ánh về Bộ Tài chính tình hình triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước theo các nội dung chủ yếu sau:
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:
- Công tác tổ chức triển khai Luật Ngân sách nhà nước.
- Kết quả thực hiện:
+ Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách.
+ Công tác quản lý thu và cấp phát chi ngân sách qua Kho bạc nhà nước.
+ Tác dụng của việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước.
II. NHỮNG KHÓ KHĂN, TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, TẬP TRUNG VÀO CÁC VẤN ĐỀ SAU:
1. Tổ chức lập dự toán từ cơ sở và chi tiết theo Mục lục Ngân sách nhà nước đã thực hiện được chưa và có các vướng mắc gì.
2. Phân bổ dự toán ngân sách theo mục cho đơn vị dự toán cấp dưới có cần phải bổ sung sửa đổi điểm nào.
3. Quyết định và giao ngân sách có đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không, có đảm bảo tập trung dân chủ không? Việc công khai ngân sách cần thể hiện tới mức độ nào và theo các nội dung nào?
4. Nhiệm vụ thu, chi của từng cấp ngân sách đã phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý chưa, cần sửa đổi những điểm nào?
5. Quy trình và thủ tục tập trung nguồn thu và cấp phát ngân sách được thực hiện theo quy định có vướng mắc gì trong các khâu: (lập dự toán quý, kiểm soát hồ sơ chứng từ, điều chỉnh dự toán, cấp phát kinh phí uỷ quyền...) và trong quan hệ giữa đơn vị sử dụng ngân sách với cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước có điểm nào phải sửa đổi, bổ sung?
6. Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành (ban hành theo Quyết định 1207 TC/NSNN) đã phản ánh được yêu cầu quản lý chưa, có điểm gì phải bổ sung, sửa đổi?
7. Số mục chi bắt buộc theo Công văn 93 TC/NSNN đã phù hợp chưa, nếu tăng dần có được không? Việc điều chỉnh mục chi nên như thế nào cho hợp lý?
8. Việc khoá sổ và quyết toán năm 1997 thực hiện như thế nào? Có cần bổ sung, sửa đổi những điểm gì?
9. Quản lý ngân sách xã theo Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư 14 TC/NSNN có những vấn đề gì vướng mắc?
10. Các vấn đề cần thiết khác.
III. KIẾN NGHỊ CỦA BỘ VÀ ĐỊA PHƯƠNG XUNG QUANH CÁC VẤN ĐỀ NÊU TRÊN ĐỂ HOÀN CHỈNH LUẬT VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH.
Báo cáo nói trên cần gửi về Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách nhà nước) trước ngày 25/03/1998 để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |