BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 895-TCT/NV4 | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2001 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC THUẾ SỐ 895 TCT/NV4 NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC THỰC HIỆN THUẾ GTGT
Kính gửi: Cục Dự trữ quốc gia
Trả lời Công văn số 152/DTQG-TCKT ngày 22/2/2001 của Cục Dự trữ quốc gia về việc thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thì:
1. Hàng dữ trữ quốc gia do cơ quan Dự trữ quốc gia bán ra không chịu thuế GTGT (theo điểm 22 mục II phần A Thông tư số 122/2000/TT-BTC nêu trên), nên các cơ quan Dự trữ quốc gia bán hàng dự trữ quốc gia theo Quy chế quản lý dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 24/2/1996 của Chính phủ và thực tế bán hàng theo giá nào thì ghi trên "hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia" theo giá đó (giá Chính phủ quy định, giá đấu thầu hoặc giá thị trường,...), không được tính cộng (+) thêm hoặc trừ (-) lùi thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT ấn định đối với mặt hàng dự trữ quốc gia bán ra.
2. Các cơ quan Dự trữ quốc gia bán hàng dự trữ quốc gia không phải nộp thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và cũng không bị truy thu thuế GTGT đối với việc mua hàng dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, khi mua hàng dự trữ quốc gia thì cơ quan Dự trữ quốc gia phải yêu cầu người bán hàng cấp hoá đơn chứng từ bán hàng theo quy định tại mục IV phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC nêu trên, để làm căn cứ hạch toán trị giá hàng hoá mua vào. Trường hợp, cơ quan Dự trữ quốc gia mua hàng của các đối tượng không có hoá đơn theo quy định thì phải lập bảng kê mua hàng. Tổ chức, cá nhân lập bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu ghi trên bảng kê, cơ quan Thuế không xác nhận vào các bảng kê mua hàng do cơ quan Dự trữ quốc gia lập.
3. Cơ quan Dự trữ quốc gia khi bán hàng dự trữ quốc gia không ghi dòng thuế GTGT trên "hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia".
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân mua hàng dự trữ quốc gia của các cơ quan Dự trữ quốc gia bán ra, nếu thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì được coi giá mua (giá thanh toán) ghi trên "hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia" là giá đã có thuế GTGT (đối với mặt hàng thuộc diện chịu thuế GTGT theo quy định) để xác định giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hướng dẫn tại điểm 1b mục III phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC nêu trên.
4. Theo điểm 1, mục III, phần H Thông tư số 122/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên thì "các quy định tại các văn bản khác hướng dẫn về thuế GTGT trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ". Các nội dung quy định tại Thông tư số 09/1999/TT-BTC ngày 28/1/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hoá đơn mua bán hàng dự trữ quốc gia không trái với quy định tại Thông tư số 122/2000/TT-BTC và Thông tư số 122/2000/TT-BTC cũng thay thế Thông tư số 09/1999/TT-BTC. Do đó, các cơ quan Dự trữ quốc gia khi bán hàng dự trữ quốc gia phải sử dụng "hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia" do Cục dự trữ quốc gia in ấn và phát hành theo mẫu quy định thống nhất tại Thông tư số 09/1999/TT-BTC nêu trên.
Đề nghị Cục dự trữ quốc gia hướng dẫn để các cơ quan dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định thống nhất.
| Nguyễn Văn Ninh (Đã ký) |