Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3263/TM-AM

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 3263/TM-AM NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU VÀO EU

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Thương mại nhận được Công văn số 2355/TS-VP ngày 8/8/2001 của Bộ Thuỷ sản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc EU Tăng thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, về vấn đề này, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

Đầu tháng 6 vừa qua, Uỷ ban Châu Âu đã thông qua chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới và đang trình Quốc hội Châu Âu phê duyệt để áp dụng từ 01/01/2002 đến 31/12/2004. Đây là giai đoạn 3 của chương trình dài hạn 10 năm (1995-2004) mà EU dành ưu đãi thuế quan cho các nước đang phát triển để tăng khả năng cạnh tranh đối với những hàng hoá của các nước đang phát triển xuất khẩu vào thị trường EU.

EU áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới này cho tất cả các nước đang phát triển được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU nằm trong kế hoạch dài hạn của EU chứ không phải chỉ áp dụng đối với một số nước nào đó trong số các nước đang phát triển. Hơn nữa, đây là một chính sách của EU nhằm đẩy dần các mặt hàng của các nước đang phát triển lên mức tự do cạnh tranh bình dẳng trên thị trường quốc tế và có thể tiến dần đến xoá bỏ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập này.

Theo dự thảo về chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới, EU sẽ đơn giản hoá việc phân loại hàng hoá. EU vẫn duy trì chế độ miễn thuế đối với những mặt hàng không nhạy cảm nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Còn 3 loại hàng trước đây là rất nhạy cảm, bán nhạy cảm và nhạy cảm nay sẽ gộp vào thành 1 loại gọi chung là hàng nhạy cảm. Đối với loại hàng nhạy cảm này, EU sẽ áp dụng chế độ giảm một mức mặt bằng 3,5% đối với những mặt hàng tính thuế theo trị giá và giảm 30% đối với mặt hàng tính theo thuế đặc thù, so với mức thuế hải quan thông thường.

Ngoài ra theo dự thảo, EU còn có quy định ưu tiên đặc biệt đối với các nước chậm phát triển nhất, quy chế khuyến khích đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống sản xuất và buôn bán ma tuý.

Như vậy sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Tất cả những mặt hàng không nhạy cảm trước đây vẫn được miễn thuế. Còn đối với các mặt hàng phải chịu thuế, phần lớn các mặt hàng dệt may, cà phê... xuất khẩu vào EU được hưởng mức thuế ưu đãi hơn so với mức thuế cũ. Cụ thể, dệt may: Mức thuế ưu đãi cũ 10,71%; mức thuế ưu đãi mới 9,1%; cà phê: mức cũ từ 5,25-6,3%; mức thuế mới từ 4,0-5,5%. Ngược lại, nhiều mặt hàng thuỷ sản lại chịu mức thuế cao hơn so với trước đây. Ví dụ như tôm đông lạnh mức thuế cũ 4,2%, còn thuế mới là 8,5%. (Kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và cà phê của Việt Nam vào EU năm 2000 đạt trên 800 triệu USD, còn kim ngạch xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam vào EU năm 2000 đạt 100 triệu USD - Theo thống kê của TC Hải quan).

Bộ Thương mại đã thông báo cho Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày và Hiệp hội xuất khẩu Thuỷ sản về dự thảo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới này của EU để các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường EU có thể nghiên cứu trước chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của mình.

Về dự thảo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới này của EU, Bộ Thương mại xin có ý kiến như sau:

1. Đây là chế độ ưu đãi đơn phương áp dụng của EU đối với các nước đang phát triển, không phải thuộc phạm vi quan hệ song phương Việt Nam với EU. Vì vậy không thể đưa vấn đề tôm đông lạnh nói riêng và chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập mới của EU nói chung vào nội dung đàm phán thường niên về thương mại giữa Việt Nam và EU.

2. Tuy nhiên, Việt Nam có thể nêu vấn đề với EU và cần có sự tác động đồng bộ của các nước đang phát triển cũng có những mặt hàng bị tăng thuế như một số mặt hàng hải sản của Việt Nam để EU có thể điều chỉnh. Song không để ảnh hưởng đến một số mặt hàng khác đang được lợi thế giảm thuế so với trước.

3. Đề nghị Chính phủ vận động EU chấp nhận đối xử với Việt Nam như là một trong số 49 nước kém phát triển nhất, vì hầu hết những mặt hàng của các nước kém phát triển nhất xuất khẩu vào EU được miễn thuế hoàn toàn.

Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

 

Lương Văn Tự

(Đã ký)