Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1586/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU GỐM, SỨ XÂY DỰNG VÀ ĐÁ ỐP LÁT Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển vật liệu gốm sứ xây dựng và đá ốp lát Việt Nam” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

1.1. Đầu tư phát triển bền vững thị trường gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và đá ốp lát. Trên cơ sở nhu cầu thị trường, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, sản xuất ra nhiều chủng loại sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Phát triển gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

1.2. Sản xuất gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và đá ốp lát đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

1.3. Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất gốm sứ xây dựng theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn; ưu tiên đầu tư các dự án mở rộng ứng với giai đoạn được phép phát triển; xây dựng các cơ sở chế biến nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại để hình thành ngành chế biến nguyên liệu phục vụ cho ngành gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh.

1.4. Đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại với mức tự động hóa cao, mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu thấp, sản xuất ra các chủng loại sản phẩm chất lượng cao.

2. Mục tiêu phát triển

- Tập trung các nguồn lực để phát triển bền vững vật liệu gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và đá ốp lát ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu;

- Xuất khẩu: Gạch gốm ốp lát khoảng 25 - 30%; đá ốp lát khoảng 20 - 25%; sứ vệ sinh khoảng 30 - 40% tổng công suất thiết kế của mỗi loại;

- Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gạch gốm ốp lát để đến năm 2020 đạt tỷ lệ gạch ceramic khoảng 65%; gạch granit khoảng 25% và gạch cotto khoảng 10%;

- Hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến nguyên liệu tập trung và chuyên môn hóa có công nghệ tiên tiến, để đến năm 2020 các doanh nghiệp sản xuất sử dụng 90 - 100% nguyên liệu, 85 - 90% men màu và 65 - 70% phụ kiện sản xuất trong nước.

3. Các chỉ tiêu quy hoạch

3.1. Quy mô công suất

- Gạch gốm ốp lát: Các cơ sở sản xuất gạch ốp lát đầu tư mới có công suất không nhỏ hơn 6 triệu m2/năm;

- Sứ vệ sinh: Công suất của 01 dây chuyền công nghệ sản xuất không nhỏ hơn 0,3 triệu sản phẩm/năm. Các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh đầu tư mới công suất từ 1 triệu sản phẩm/năm trở lên. Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hiện nay cần đầu tư, nâng cấp để có công suất từ 0,6 triệu sản phẩm/năm trở lên;

- Đá ốp lát: Quy mô công suất của các cơ sở khai thác đá khối khoảng 3.000 m3/năm trở lên và các cơ sở sản xuất đá ốp lát từ 20.000 m2/năm trở lên.

3.2. Công nghệ và thiết bị sản xuất

Cần tiếp tục đổi mới công nghệ cho các cơ sở hiện có. Các dự án mới đầu tư phải có trình độ công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường, cụ thể như sau:

- Công nghệ sản xuất gạch gốm ốp lát hiện đại, có mức tiêu thụ năng lượng thấp, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và có khả năng sử dụng nguyên liệu đa dạng hơn so với hiện nay; có khả năng ứng dụng các công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị; có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm với các kích thước lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có thể sử dụng nhiều loại men màu khác nhau trong sản xuất;

- Công nghệ sản xuất sứ vệ sinh hiện đại, tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, tiêu hao ít nhiên liệu. Sản xuất đa dạng các chủng loại sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản xuất các sản phẩm có kích thước lớn với các tính năng sử dụng đặc biệt; có khả năng làm giảm tiếng ồn, triệt tiêu độ bám dính và giảm lượng nước khi sử dụng; có thể sử dụng được đa dạng các loại men trong đó có men sinh học; sử dụng sản phẩm có phủ men Nano để nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Công nghệ gia công đá ốp lát hiện đại, hạn chế tối đa việc nổ mìn khai thác. Đầu tư thiết bị chế biến hiện đại có thể cưa cắt các tấm đá kích thước lớn, hệ thống mài và đánh bóng tự động…, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm.

3.3. Mức tiêu hao nhiên liệu

a) Mức tiêu hao trong sản xuất gạch gốm ốp lát:

- Tiêu hao nhiệt năng, không lớn hơn:

+ Gạch ceramic: 1.600 kcal/kg sản phẩm;

+ Gạch granit: 2.000 kcal/kg sản phẩm;

+ Gạch cotto: 1.800 kcal/kg sản phẩm.

- Tiêu hao điện năng, không lớn hơn:

+ Gạch ceramic: 0,12 kwh/kg sản phẩm;

+ Gạch granit: 0,40 kwh/kg sản phẩm;

+ Gạch cotto: 0,15 kwh/kg sản phẩm.

b) Mức tiêu hao trong sản xuất sứ vệ sinh:

- Tiêu hao nhiệt năng, không lớn hơn: 3.000 kcal/kg sản phẩm;

- Tiêu hao điện năng, không lớn hơn: 0,55 kwh/kg sản phẩm.

c) Mức tiêu hao trong sản xuất đá ốp lát:

Tiêu hao điện năng, không lớn hơn: 0,3 kwh/tấn sản phẩm.

3.4. Chủng loại và chất lượng sản phẩm

Chủng loại sản phẩm phải đa dạng, mẫu mã phong phú, tỷ lệ giữa các loại sản phẩm hợp lý. Sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam và thị hiếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

4. Dự báo nhu cầu

Dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đến năm 2020:

4.1. Vật liệu ốp lát: Tổng cộng khoảng 570 triệu m2:

- Gạch ceramic khoảng 350 triệu m2 (trong đó xuất khẩu khoảng 90 triệu m2);

- Gạch granit 140 triệu m2 (trong đó xuất khẩu khoảng 42 triệu m2);

- Gạch cotto 50 triệu m2 (trong đó xuất khẩu khoảng 16 triệu m2);

- Đá ốp lát 30 triệu m2 (trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu m2).

4.2. Sứ vệ sinh: Khoảng 21 triệu sản phẩm (trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu sản phẩm).

5. Định hướng phát triển gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh, đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020

5.1. Gạch gốm ốp lát

- Đầu tư mới và đầu tư mở rộng để nâng tổng công suất gạch gốm ốp lát đạt khoảng 540 triệu m2/năm. Không đầu tư mới và mở rộng các cơ sở sản xuất gạch ceramic. Ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất gạch granit, gạch cotto để nâng công suất gạch granit chiếm khoảng 25% tương đương với khoảng 140 triệu m2/năm, gạch cotto chiếm khoảng 10% tương đương với khoảng 50 triệu m2/năm, gạch ceramic chiếm khoảng 65% tương đương với 350 triệu m2/năm;

- Sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở sản xuất gạch ốp lát với quy mô hợp lý, lựa chọn công nghệ thiết bị hiện đại, hình thành một số khu vực sản xuất và gia công chế biến nguyên liệu tập trung.

5.2. Đá ốp lát

Đầu tư mới và đầu tư mở rộng để đạt tổng công suất khoảng 30 triệu m2/năm. Sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở khai thác chế biến đá ốp lát với quy mô hợp lý, lựa chọn công nghệ thiết bị hiện đại. Hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn, một số trung tâm sản xuất đá ốp lát tại Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Yên Bái, …nơi có nhiều nguyên liệu. Tăng cường đầu tư sản xuất đá ốp lát nhân tạo có giá trị kinh tế cao.

5.3. Sứ vệ sinh

- Đầu tư mới, đầu tư mở rộng để đạt tổng công suất khoảng 21 triệu sản phẩm/năm nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu;

- Sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở sản xuất sứ xây dựng với quy mô vừa và lớn, xóa bỏ cơ sở sản xuất nhỏ công nghệ lạc hậu, lựa chọn công nghệ thiết bị hiện đại, hình thành một khu vực sản xuất và gia công chế biến nguyên liệu tập trung.

Bảng 1. Định hướng phát triển sản phẩm đến năm 2020 theo vùng kinh tế

TT

Tên Vùng kinh tế

Tổng công suất thiết kế

Gạch gốm ốp lát
Triệu m2/năm

Sứ vệ sinh
Triệu SP/năm

Đá ốp lát
Triệu m2/năm

1

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc

34

1

0,8

2

Vùng Đồng bằng sông Hồng

265

13

1,0

3

Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung

72

2

27,0

4

Vùng Tây Nguyên

0

0

0

5

Vùng Đông Nam Bộ

155

5

0,8

6

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

14

0

0,4

 

Tổng cộng

540

21

30

Bảng 2. Định hướng phát triển các sản phẩm gạch gốm ốp lát đến năm 2020 theo vùng kinh tế

công suất: Triệu m2/năm

TT

Tên vùng kinh tế

Tổng công suất thiết kế

Ceramic

Granite

Cotto

Tổng

1

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc

24

0

10

34

2

Vùng Đồng bằng sông Hồng

160

77

28

265

3

Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung

52

20

0

72

4

Vùng Tây Nguyên

0

0

0

0

5

Vùng Đông Nam Bộ

106

37

12

155

6

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

8

6

0

14

 

Tổng cộng

350

140

50

540

6. Định hướng sản xuất nguyên liệu, hóa chất phục vụ sản xuất gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và đá ốp lát

6.1. Công nghệ, quy mô khai thác chế biến cao lanh, fenspat và khai thác đá khối sản xuất đá ốp lát

6.1.1. Về công nghệ khai thác

Tập trung khai thác bằng cơ giới, khai thác sâu hơn nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tỷ lệ tổn thất trong khai thác và đảm bảo chất lượng khoáng sản trước khi đưa vào chế biến.

6.1.2. Về công nghiệp chế biến

- Nghiên cứu các quy trình công nghệ chế biến cao lanh và fenspat phù hợp với đặc điểm và nguồn gốc tạo thành của cao lanh và phù hợp với công nghệ khai thác;

- Công nghệ chế biến phải đồng bộ, tiên tiến, hiệu suất cao;

- Công suất các cơ sở khai thác chế biến cao lanh, fenspat phải có quy mô tối thiểu là 100.000 tấn/năm.

6.1.3. Công nghệ khai thác đá khối, sản xuất đá ốp lát

Đầu tư công nghệ khai thác đá khối hiện đại để có thể khai thác các loại đá cứng như granit, điorit, gabro, bazan…

6.2. Đầu tư các cơ sở chuyên chế biến nguyên liệu cho sản xuất gốm sứ

Hình thành 5 vùng chế biến nguyên liệu:

- Vùng khai thác chế biến cao lanh, fenspat tại tỉnh Phú Thọ với công suất khoảng 200.000 - 300.000 tấn cao lanh/năm và 100.000 - 200.000 tấn fenspat/năm;

- Vùng khai thác và chế biến cao lanh, pirofilit tại tỉnh Quảng Ninh, công suất 300.000 - 500.000 tấn/năm;

- Vùng khai thác chế biến fenspat tại tỉnh Quảng Nam với công suất 100.000 - 200.000 tấn/năm;

- Vùng khai thác chế biến cao lanh tại tỉnh Lâm Đồng với công suất 200.000 - 300.000 tấn/năm;

- Vùng khai thác chế biến cao lanh tại tỉnh Bình Dương với công suất 200.000 - 500.000 tấn/năm.

Duy trì và phát triển các cơ sở khai thác chế biến ở các tỉnh có tiềm năng về nguồn cao lanh và fenspat gồm Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

6.3. Bảo vệ tài nguyên và môi trường trong khai thác, chế biến nguyên liệu

- Khai thác và sử dụng cao lanh, fenspat hợp lý, đúng mục đích nhằm tiết kiệm tài nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo về môi trường;

- Phải có định hướng mục đích sử dụng cụ thể đối với từng loại nguyên liệu để nâng cao hiệu quả sử dụng và giá trị sản phẩm. Khai thác sử dụng cao lanh, fenspat và đá ốp lát phải theo quy hoạch.

6.4. Tổng hợp dự báo nhu cầu nguyên liệu, hóa chất chủ yếu đến năm 2020

Dự báo nhu cầu về nguyên nhiên liệu, năng lượng để sản xuất gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh và đá ốp lát theo Quy hoạch nêu trong Bảng 3.

Bảng 3. Dự báo nhu cầu nguyên, nhiên liệu chủ yếu cho sản xuất năm 2020

TT

Chủng loại

Đơn vị

Năm 2020

1

Đất sét các loại

1.000 tấn

6.000

2

Cao lanh

1.000 tấn

950

3

Trường thạch

1.000 tấn

3.600

4

Hóa chất các loại

1.000 tấn

500

5

Đá ốp lát

1.000 m3

970

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Xây dựng

- Công bố và phổ biến Quy hoạch phát triển vật liệu gốm sứ xây dựng và đá ốp lát Việt Nam để các địa phương, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp biết và thực hiện;

- Căn cứ vào định hướng đầu tư phát triển theo vùng để có ý kiến thẩm định các dự án đầu tư tại các tỉnh đảm bảo việc triển khai được thực hiện đúng theo Quy hoạch;

- Hàng năm, kiểm tra rà soát việc thực hiện quy hoạch; căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh danh mục các dự án và chủ đầu tư;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong sản xuất;

- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; các tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường.

2. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam

- Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội thực hiện đúng, có hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt;

- Tập hợp đề xuất với các Bộ, Ngành chức năng những giải pháp, biện pháp cũng như những chính sách về công nghệ, về môi trường, về thương mại... nhằm thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm gốm sứ xây dựng và đá ốp lát phát triển bền vững;

- Là đầu mối để các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và xuất khẩu.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành của địa phương thực hiện tốt việc quản lý các Dự án đầu tư sản xuất gốm, sứ xây dựng và đá ốp lát trên địa bàn theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt;

- Chỉ tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo quy định cho các dự án đã có trong quy hoạch và theo đúng tiến độ đã được xác định trong quy hoạch. Trước khi cấp phép dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng tại địa phương, phải có ý kiến thẩm định về công suất và thời điểm đầu tư bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí Thư trung ương Đảng; (để báo cáo)
- Thủ tướng, các phó Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để biết)
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để thực hiện)
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (để thực hiện)
- Website Bộ Xây dựng;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Xây dựng;
- Các Cục, Vụ, Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng;
- Các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng; (để thực hiện)
- Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; (để thực hiện)
- Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam; (để thực hiện)
- Lưu VT, VLXD.

BỘ TRƯỞNG




Trịnh Đình Dũng