BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TTr-BNN-KTHT | Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO |
|
TỜ TRÌNH
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
Kính trình: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội khoá XIII về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2004 của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76 của Quốc hội trong đó có nội dung nghiên cứu tích hợp chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo chung cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng báo cáo đánh giá thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Sự cần thiết xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo
Hỗ trợ phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2011-2015, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được thiết kế trong các chương trình giảm nghèo như: Hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4/4/2013; Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 10/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về đối tượng hưởng thụ, phạm vi thực hiện và nội dung chính sách hỗ trợ, cơ chế thực hiện hỗ trợ... đã cơ bản đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo hướng minh bạch, có sự tham gia của người dân, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo (2011-2015) đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định từ đó giảm bền vững, cụ thể:
- Nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện.
- Người nghèo, hộ nghèo đã được tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận với các kiến thức, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương. Số lượng đàn gia súc đã tăng lên, phù hợp với nguyện vọng của người dân.
- Nhiều việc làm đã được tạo ra cho người nghèo, đời sống của người dân, nhất là người nghèo đã từng bước được cải thiện.
Tuy vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc sau:
- Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được quy định dàn trải ở nhiều văn bản khác nhau. Một số nội dung và định mức hỗ trợ phát triển sản xuất còn bất cập. Việc bố trí vốn còn thấp so với nhu cầu thực tế nên nhiều nội dung trong đề án giảm nghèo ở các địa phương chưa được triển khai.
- Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo còn chồng chéo về nội dung, đối tượng hưởng thụ, địa bàn, thiếu nhất quán về quy trình thực hiện, mức chi, thanh quyết toán cho cùng một lĩnh vực trên cùng 1 địa bàn. Thiếu cơ chế phối kết hợp lồng ghép cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương.
- Một số chính sách mang tính chất cho không đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo, hạn chế tính sáng tạo, chủ động của các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, tạo ra tính ỷ lại của một bộ phận người nghèo.
- Ở cấp hộ gia đình, do các hộ nghèo, vùng nghèo nhận được đầu tư hỗ trợ từ nhiều chính sách khác khau, các chính sách này lại không nhất quán hỗ trợ về mức đầu tư, quy trình lập kế hoạch và thời gian hỗ trợ/đầu tư. Vì vậy, mà các nguồn lực giảm nghèo đã bị xé lẻ, các hộ được nhận nhiều hỗ trợ khác nhau song mỗi lần được hỗ trợ một khoản nhỏ, do vậy các hỗ trợ này đã không đủ để có một kế hoạch sản xuất đồng bộ, với qui mô lớn hơn để tạo sức bật thoát nghèo.
- Một số địa phương, công tác triển khai còn nhiều lúng túng, từ khâu lập kế hoạch, phân bổ vốn, đến khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trình độ, năng lực của một số cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng từ khảo sát, lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Cán bộ khuyến nông đã được tăng cường, song do năng lực còn hạn chế nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả đạt thấp.
- Nhận thức của nhân dân vẫn còn hạn chế nên việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tế còn nhiều khó khăn.Việc hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi một lần chưa phát huy hiệu quả do người nghèo, dân tộc chưa làm làm quen nên cần được tiếp tục hỗ trợ trong 2-3 mùa vụ. Việc sản xuất đã được cải thiện song chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
- Một số doanh nghiệp còn lúng túng trong việc phối hợp với địa phương lựa chọn nội dung và hình thức đầu tư, hỗ trợ hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ vấn đề trên việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở, rà soát tích hợp các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, loại bỏ những chính sách không phù hợp, chồng chéo, bổ sung những chính sách mới phù hợp với chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để tạo việc làm tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hỗ trợ từ đó giảm nghèo bền vững. Đồng thời giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng sự hỗ trợ gián tiếp như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, giống mới, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự chủ trong sản xuất như các hộ khác là rất cần thiết.
2. Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020;
Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng định hướng giảm nghèo bền vững thời ký 2011 đến năm 2020;
- Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2004 của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 76 của Quốc hội, trong đó có giao cho Bộ nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số vùng khó khăn.
- Quyết định số 899/QĐ-TT ngày 10 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”
- Thông báo số 7146/TB-VPCP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 và đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 trong đó có giao: Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBDT và các Bộ, ngành có liên quan đưa nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hộ nghèo vùng khó khăn vào chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định số 2323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngày 31/5/2016 Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Thông báo số 4147/TB-VPCP về cơ chế thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng Nghị định Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã được đưa vào Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2016 (theo Quyết định số 450/QĐ-BNN-PC ngày 5/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
3. Quá trình soạn thảo
Để triển khai xây dựng chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết và đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, rà soát các nội dung vướng mắc và các vấn đề mới phát sinh từ thực tế thực hiện, làm cơ sở đề xuất nội dung, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các chương trình giảm nghèo của Chính phủ như sau:
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình giảm nghèo báo cáo Chính phủ;
Ngày 14/1/2015 đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam về khung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định số 1336/QĐ-BNN-KTHT ngày 20/4/2015 về thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập nghiên cứu xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ và chuyên viên ở một số Bộ, ngành Trung ương có liên quan;
Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã họp lần thứ nhất (ngày 12/6/2015) thảo luận để xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tại cuộc họp này các đại biểu đều cho rằng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nằm ở nhiều văn bản khác nhau để tích hợp và thay thế các văn bản đó cần phải xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Từ cuối năm 2016 và đầu năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu, lấy ý kiến ở một số địa phương và tổ chức 5 cuộc hội thảo vùng để lấy ý kiến về dự thảo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Các địa phương tham gia hội thảo đều thống nhất cần tích hợp chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thành chính sách chung và cần thiết kế chính sách gọn, dễ đọc ,dễ hiểu dễ áp dụng.
Đồng thời, Ban soạn thảo đã có các cuộc họp về dự thảo khung chính sách, dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương, ý kiến thống nhất của Ban soạn thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện Dự thảo Tờ trình và Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
4. Quan điểm, định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
a) Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở, rà soát tích hợp các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, loại bỏ những chính sách không phù hợp, chồng chéo, bổ sung những chính sách mới phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để tạo việc làm tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hỗ trợ từ đó giảm nghèo bền vững.
b) Giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng sự hỗ trợ gián tiếp như cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, giống mới, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự chủ trong sản xuất như các hộ khác.
c) Để thống nhất chính sách và cơ chế thực hiện các tiểu hợp phần dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và các Chương trình giảm nghèo của Chính phủ. Không làm tăng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho phát triển sản xuất để giảm nghèo hàng năm bằng cách từng huyện thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ có điều kiện theo các chương trình, dự án phát triển sản xuất được phê duyệt để đạt mục tiêu như Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo nhanh và bền vững, không dàn trải, chia đều bình quân như hiện nay.
d) Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo theo khung chính sách và cơ chế thực hiện chung, Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ Nghị định của Chính phủ ban hành nội dung, định mức hỗ trợ, cơ chế thực hiện cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương.
5. Dự thảo nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
a) Mục đích:
- Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa về thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo; tạo cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và thị trường hàng hoá đầu vào, đầu ra...).
b) Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn (gọi tắt là dự án).
c) Đối tượng áp dụng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cho các dự án; Tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo.
d) Chính sách hỗ trợ: Nghị định quy định Hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tạo đất sản xuất, trong đó có quy định điều kiện hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, định mức hỗ trợ cụ thể như sau:
* Về hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Nghị định quy định Điều kiện để hỗ trợ được thực hiện theo Dự án và các dự án này phải:
+ Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương;
+ Thực hiện ở cộng đồng dân cư, thôn, bản, xã;
+ Thời gian thực hiện từ 1 đến 3 năm;
+ Phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
+ Đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án;
+ Các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ tùy theo nội dung của dự án;đồng thời đóng góp phần đối ứng vào dự án theo thỏa thuận và được ghi trong dự án.
- Đối với nội dung hỗ trợ gồm:
+ Hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm, ngư diêm nghiệp gồm: giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, tiêu thụ sản phẩm;
+ Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ, du lịch nông nghiệp nông thôn gồm: sửa chữa thiết bị nhà, xưởng, máy móc, vật tư dịch vụ ngành nghề.
+ Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và quản lý chương trình, dự án phát triển sản xuất gồm: tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; quản lý, kiểm tra giám sát.
- Về Định mức hỗ trợ được phân ra các đối tượng:
+ Hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 18 triệu đồng/hộ/dự án
+ Hộ cận nghèo được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ/dự án
+ Hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ tối đa 13 triệu đồng/hộ/dự án
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thuộc dự án được hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm sản xuất của nông dân đến cơ sở chế biến hoặc sơ chế sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và quản lý dự án phát triển sản xuất không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án.
* Đối với nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo
- Quy định điều kiện được hỗ trợ là: Dự án phát triển sản xuất để giảm nghèo kết thúc có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân; Có trên 50% số hộ đang tham gia dự án muốn mở rộng dự án và có thêm ít nhất 30% số hộ mới tham gia dự án.
- Về Nội dung và mức hỗ trợ có khác nhau giữa hộ mới tham gia và hộ đã tham gia như:
+ Hộ mới đăng ký tham gia dự án nhân rộng được hỗ trợ như quy định tại Điều 3 Nghị định này;
+ Hộ đã tham gia dự án được hỗ trợ tối đa bằng 50% mức hỗ trợ đối với hộ mới tham gia.
+ Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và quản lý dự án gồm: tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; quản lý, kiểm tra giám sát; tuyên truyền, nhân rộng mô hình không quá 5% tổng kinh phí thực hiện nhân rộng dự án.
* Hỗ trợ tạo đất sản xuất
- Quy định điều kiện hỗ trợ: Hộ nghèo ở huyện nghèo; xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; xã an toàn khu, xã biên giới; Thiếu đất hoặc không có đất sản xuất theo quy định;
- Quy định Nội dung, định mức hỗ trợ: Khai hoang hoặc tạo nương xếp đá: 20 triệu đồng/ ha; Phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang: 15 triệu đồng/ha.
* Về chính sách tín dụng: Quy định Căn cứ thuyết minh dự án phát triển sản xuất để giảm nghèo, dự án nhân rộng mô hình, kế hoạch tạo đất sản xuất ngoài số tiền được hỗ trợ trực tiếp, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ các chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ.
Mức cho vay và thời gian vay cụ thể do Ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, kế hoạch tạo đất sản xuất.
* Về nguồn vốn thực hiện chính sách bao gồm:
- Ngân sách Trung ương bố trí hàng năm trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình giảm nghèo theo quy định của Chính phủ.
- Ngân sách địa phương
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
e) Cơ chế thực hiện:
- Sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần còn lại do nhân dân đóng góp bằng vốn tự có hoặc vay từ ngân hàng chính sách xã hội, có sự tham gia trong việc xây dựng và thực hiện của người dân.
- Phân cấp cho địa phương ban hành danh mục hỗ trợ, nội dung, định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương
g) Trình tự thủ tục thực hiện chính sách: Theo quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình tự thủ tục hành chính phải quy định trong Nghị định của Chính phủ vì thế trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được thực hiện theo quy trình thống nhất để đảm bảo công khai, minh bạch và có sự tham gia của người dân từ khâu lập dự án đế tổ chức thực hiện.
(nội dung dự thảo Nghị định kèm theo)
4. Tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương
( sẽ tổng hợp khi có ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị)
Trên đây là nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 2 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 2621/QĐ-TTg sửa đổi mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 2324/QĐ-TTg năm 2014 về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 do Quốc hội ban hành
- 6 Công văn 761/BNN-KTHT thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Quyết định 2621/QĐ-TTg năm 2013 sửa đổi mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 551/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 1489/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 12 Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 761/BNN-KTHT thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 2621/QĐ-TTg sửa đổi mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành