Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO

*******


Số: 73/2004/LPQT

 

 


Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2004

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Chi Lê về hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật có hiệu lực từ ngày 09 tháng 4 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Phó Vụ Trưởng




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CHI LÊ VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC KIỂM DỊCH VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT.

Chính phủ nước Cộng hòa Chi Lê và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới đây được gọi là “hai Bên ký kết”;

Với lòng mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật;

Nhằm bảo vệ lãnh thổ của nước mình không bị sự xâm nhập và lây lan của các đối tượng kiểm dịch thực vật và những sinh vật gây hại nguy hiểm khác trên thực vật và sản phẩm thực vật gây hại nguy hiểm khác trên thực vật và sản phẩm thực vật, để tạo thuận lợi cho việc quan hệ buôn bán và trao đổi thực vật và sản phẩm thực vật giữa hai nước;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1. Trong Hiệp định này, đối tượng kiểm dịch thực vật là loại sinh vật gây hại có tiềm năng gây hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loại sinh vật này chưa xuất hiện hoặc xuất hiện có phân bố hẹp và được ghi tại Phụ lục kèm theo Hiệp định này.

Cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên có ký kết quy định tại Điều 7 của Hiệp định này có thể sửa đổi hoặc bổ sung các danh mục nói trên của phía mình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Mọi sự sửa đổi và bổ sung phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia và những bổ sung, sửa đổi này có hiệu lực sau 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày thông báo về việc đó.

Điều 2. Với mục đích hợp tác thường xuyên trong lĩnh vực Kiểm dịch và bảo vệ thực vật, hai Bên ký kết sẽ:

1. Tuân thủ các quy định về kiểm dịch và bảo vệ thực vật của Bên ký kết kia và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của các đối tượng kiểm dịch kiểm tra thực vật từ lãnh thổ Bên ký kết này sang lãnh thổ Bên ký kết kia khi xuất khẩu hoặc quá cảnh thực vật và sản phẩm thực vật;

2. Thông báo cho nhau về sự xuất hiện và phát triển của các đối tượng kiểm dịch thực vật; cũng như về việc áp dụng các biện pháp để diệt trừ sinh vật gây hại và trao đổi kịp thời cho nhau những thông tin này;

3. Tuân thủ các quy định của Hiệp định giữa hai Bên ký kết trong việc xác nhận và thực hiện việc kiểm tra kiểm dịch thực vật.

4. Thông tin cho nhau về những thành tự khoa học, kỹ thuật và các mặt khác trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật, đồng thời trao đổi các tạp chí khoa học về chuyên ngành và các ấn phẩm quan trọng.

5. Tuỳ theo mức độ cần thiết, nhưng không qúa ba năm một lần, các cơ quan có thẩm quyền của hai bên ký kết sẽ triệu tập hội nghị để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định. Việc tổ chức hội nghị sẽ được tiến hành luân phiên ở hai nước. Điều kiện để tiến hành hội nghị (thời gian, chương trình, địa điểm, kinh phí) sẽ được hai Bên ký kết xác định rõ trong từng trường hợp cụ thể.

6. Những thông tin tại mục 2.4 và 5 của Điều 2 không được đưa cho nước thứ ba trừ khi hai Bên ký kết kia đồng ý.

Điều 3.

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được vận chuyển từ lãnh thổ Bên ký kết này sang lãnh thổ Bên ký kết kia phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp.

2. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật có giá trị trong 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày cấp. Mọi sự sửa đổi, tẩy xoá, gạch bỏ hay các đoạn văn viết không rõ ràng sẽ làm cho Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mất hiệu lực.

3. Các lô hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật vận chuyển quá cảnh cũng phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

4. Khi tái xuất khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lần tái xuất được cấp bắt buộc kèm theo bản gốc hoặc bản copy Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu.

Điều 4.

1. Phải dùng vật liệu không nhiễm sinh vật gây hại thuộc diện kiểm dịch thực vật và không phải là môi giới truyền lan chúng làm vật liệu để đóng gói.

2. Không được sử dụng rơm rạ, cỏ khô, rong rêu, vỏ cây và các tàn dư thực vật làm vật liệu đóng gói.

3. Các phương tiện vận chuyển dùng để chuyên chở thực vật và sản phẩm thực vật kể cả công ten nơ và các đồ chứa đựng khác cần phải được khử trùng theo quy định của mỗi Bên ký kết.

4. Cấm nhập khẩu đất có sinh vật gây hại.

Điều 5.

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải chịu sự kiểm tra dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch thực vật và được áp dụng các biện pháp kiểm dịch phù hợp với pháp luật của các Bên ký kết, không phụ thuộc vào việc những vật thể đó đã có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật kèm theo.

2. Thực vật và sản phẩm thực vật của các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của mỗi Bên ký kết đều thuộc diện kiểm tra kiểm dịch thực vật.

3. Những cá nhân (kể cả quan chức ngoại giao) khi mang theo thực vật và sản phẩm thực vật vào lãnh thổ của nước Bên ký kết kia đều phải báo với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu.

4. Trong trường hợp phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ trong lô hàng nhập khẩu hoặc có những không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, thì lô hàng đó sẽ phải khử trùng hoặc trả lại hoặc tiêu hủy hoặc có biện pháp cần thiết khác và việc xử lý này phải thông báo ngay cho bên ý kết kia. Trong thông báo gửi nước xuất khẩu hàng phải ghi chi tiết tình trạng kiểm dịch thực vật của lô hàng nói trên.

Điều 6. Hai Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau các cửa khẩu mà tại đó thực hiện việc vận chuyển thực vật và sản phẩm thực vật vào lãnh thổ nước mình.

Điều 7. Cơ quan được ủy quyền thực hiện Hiệp định này là:

- Phía Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phía Chính phủ nước Cộng hoà ChiLê là Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp.

Điều 8. Những bất đồng nảy sinh trong qúa trình thực hiện Hiệp định được giải quyết thông qua Ủy ban hồn hợp của hai Bên ký kết, mỗi Bên có 3 đại biểu đại diện cho cơ quan chuyên môn đã được nêu ở Điều 7. Ủy ban sẽ họp sau hai tháng kể từ ngày Bên ký kết kia gửi kiến nghị trên lãnh thổ của nước đó. Nếu bằng cách này không đạt được kết quả mong muốn, những bất đồng sẽ được dàn xếp bằng sự thương lượng trực tiếp giữa hai Bên ký kết.

Điều 9. Những quy định của Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên ký kết được quy định trong các điều ước quốc tế khác về kiểm dịch và bảo vệ thực vật mà họ là một Bên ký kết.

Điều 10. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng qua con đường ngoại giao về việc hoàn thành thủ tục pháp lý của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực.

Điều 11. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 (năm) và sẽ mặc nhiên được kéo dài cho từng giai đoạn 5 năm tiếp theo, nếu một trong các Bên ký kết không thông báo cho Bên ký kết kia bằng con đường ngoại giao ý định của mình về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này chậm nhất là 6 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

Những điều khoản trong Hiệp định này có thể được bổ sung và sửa đổi theo sự đồng ý của hai Bên ký kết theo thể thức của Điều 10.

Hiệp định này làm tại Hà Nội ngày 08 tháng 10 năm 2002, thành 3 bản chính, bằng Tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, cả 03 văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa hai Bên ký kết thì văn bản tiếng Anh là quyết định./.

 

THỪA ỦY QUYỀN CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ CHILÊ
Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp




Jaime Campos

THỪA UỶ QUYỀN CHÍNH PHỦ NƯỚC  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn



Lê Huy Ngọ