Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO

*******

 

Số: 79/2005/LPQT

 

 

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2005

 

Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Hung-ga-ri có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2005./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Phạm Trường Giang

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ HUNG-GA-RI

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Hung-ga-ri (sau đây gọi là “các Bên”);

Tin tưởng rằng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hiểu biết giữa hai dân tộc;

Nhận rõ các kết quả hợp tác khoa học và công nghệ sẽ đạt được trong những thập kỷ gần đây giữa hai nước;

Xét tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân của mỗi nước cũng như đối phó với những thác thức về khoa học và công nghệ và đáp ứng các nhu cầu của một xã hội tri thức;

Mong muốn khuyến khích và thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1:

1. Phù hợp với pháp luật và quy định của mỗi nước, các Bên sẽ phát triển, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hợp tác khoa học và công nghệ giữa các tổ chức tham gia hợp tác của hai nước trên cơ sở bình đẳng và vì lợi ích của hai nước.

2. Các tổ chức tham gia hợp tác có thể bao gồm các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các pháp nhân khác liên quan đến các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ.

3. Trong trường hợp cần thiết, các tổ chức tham gia hợp tác có thể ký kết các thoả thuận riêng quy định các hoạt động hợp tác giữa họ với sự tôn trọng đặc biệt trong việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật hoặc bí mật tài liệu, thông tin và dữ liệu được cung cấp.

Điều 2:

1. Trong khuôn khổ Hiệp định này và tuỳ thuộc vào khả năng kinh phí và nguồn lực, các hoạt động hợp tác song phương có thể bao gồm các hình thức sau:

(a) Các chương trình và dự án phát triển khoa học và công nghệ chung;

(b) Các nghiên cứu và điều tra trong các lĩnh vực được thoả thuận;

(c) Trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia;

(d) Trao đổi thông tin và tư liệu khoa học và công nghệ trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác;

(e) Các hội thảo, hội nghị, hội nghị chuyên đề về khoa học;

(f) Đào tạo các nhà nghiên cứu;

(g) Các hình thức hợp tác khoa học và công nghệ khác, khi được Uỷ ban Hỗn hợp thoả thuận theo Điều IX.

2. Các Bên khuyến khích chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu và phát triển công nghệ mỗi nước.

Điều 3:

Các Bên khuyến khích và hỗ trợ sự hợp tác và cùng tham gia vào chương trình, các dự án phát triển khoa học và công nghệ quốc tế, đa phương với sự quan tâm đặc biệt đối với các chương trình của Liên Minh Châu Âu.

Điều 4:

1. Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ tuân theo pháp luật và các quy định hiện hành của mỗi Bên và các điều ước quốc tế mà các Bên là thành viên, cũng như khả năng về nhân lực và nguồn tài chính.

2. Hiệp định này không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên phát sinh từ các khoản thoả thuận song phương và đa phương khác.

Điều 5:

 Đối với các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này, phù hợp với pháp luật và quy định của mình, mỗi bên sẽ tạo điều kiện cho:

(a) Việc nhập và xuất cảnh nhanh chóng và thuận lợi của các nhà khoa học và chuyên gia của mỗi bên;

( b) Việc đi lại và làm việc tại nước sở tại của những người tham gia thực hiện Hiệp định này, đến các vùng địa lý có liên quan;

(c) Việc nhập vào và xuất ra khỏi lãnh thổ của mình nhanh chóng và hiệu quả các trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu, mẫu và tài liệu liên quan đến việc thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này;

(d) Bảo đảm việc tiếp cận với dữ liệu, vật liệu, các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện Hiệp định này.

Điều 6:

 Trên cơ sở sự nhất trí của cả hai Bên, các nhà khoa học, các chuyên gia và các tổ chức của Bên thứ ba có thể được mời tham dự các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định này, trên cơ sở tự bảo đảm các chi phí, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 7:

 1. Các Bên bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào hoặc các quyền khác có tính chất sở hữu phát sinh từ việc thi hành Hiệp định này, phù hợp với các quy định của các điều ước quốc tế mà cả hai Bên là thành viên .

2. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra trong các hoạt động hợp tác phải tuân thủ theo các thoả thuận thi hành được ký kết giữa các tổ chức tham gia hợp tác theo khoản 3 Điều I, các thoả thuận này bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ và hiệu quả. Các quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra từ các nghiên cứu và phát triển chung theo Hiệp định này sẽ là sở hữu chung của các tổ chức tham gia hợp tác.

3. Bất kỳ thông tin khoa học và công nghệ nào không là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và được tạo ra từ các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này là tài sản chung của các đối tác tham gia hợp tác. Thông tin này sẽ không được tiết lộ cho bất ký Bên thứ ba nào nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên cung cấp thông tin đã nói ở trên.

4. Các Bên bảo đảm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo phát luật và các quy đinh hiện hành của nước mình. Các Bên sẽ thông báo cho nhau kịp thời bất kỳ thay đổi nào về pháp luật của mỗi nước mà có ảnh hưởng tới các quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ Hiệp định này, với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, các giống cây trồng mới và các công trình có bản quyền được bảo hộ.

Điều 8: Các cơ quan quốc gia điều phối và thi hành hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này, về phía Việt Nam là Bộ Khoa học và Công nghệ, và phía Hung-ga-ri là Cục Nghiên cứu và Công nghệ Quốc gia.

Điều 9:

1. Nhằm mục đích thực hiện Hiệp định này, các Bên sẽ thành lập một Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ hỗn hợp (sau đây gọi là Ủy ban Hỗn hợp) bao gồm các đại diện chính phủ và các chuyên gia do mỗi Bên chỉ định. Trưởng đoàn của đoàn đại biểu quốc gia thông thường là cấp Vụ trưởng của Bộ.

2. Uỷ ban Hỗn hợp sẽ:

(a) Xác định các thủ tục và quy tắc hoạt động của Uỷ ban;

(b) Xây dựng kế hoạch và điều phối hợp tác khoa học và công nghệ;

(c) Xây dựng các Chương trình nghị sự, kể cả sự lựa chọn các dự án chung sẽ được hỗ trợ;

(d) Xác định các quy tắc và các thủ tục để thực hiện các chương trình và các dự án hợp tác;

(e) Kiểm điểm tình hình hợp tác và sử dụng các kết quả hợp tác;

(f) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này;

(g) Trên cơ sở đồng thuận, xác định và chỉnh sửa các hướng ưu tiên của chương trình hợp tác, phù hợp với các ưu tiên quốc gia của các Bên;

(h) Chuẩn bị các cuộc họp cấp cao khi cần thiết.

3. Quyết định của Uỷ ban Hỗn hợp về lựa chọn các dự án chung theo Khoản 2(c) về phía Việt Nam phải tuân thủ thủ tục phê duyệt chính thức sau đó.

4. Ủy ban Hỗn hợp tổ chức các cuộc họp vào thời điểm lựa chọn các dự án hợp tác, nhưng tối thiểu hai năm một lần, hoặc khi có yêu cầu của một Bên, luân phiên tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Hung-ga-ri.

5. Nếu và khi thấy cần thiết, các Bên có thể thành lập các nhóm công tác lâm thời nhằm nghiên cứu một số lĩnh vực hoặc vấn đề khoa học và công nghệ cụ thể, hoặc với mục đích soạn thảo ra các đề xuất.

Điều 10: Các chi phí trong quá trình thi hành Hiệp định này có liên quan đến việc trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia theo khoản 1 Điều II, trừ khi có thoả thuận khác, sẽ được thực hiện trên cơ sở sau:

(a) Bên cử bảo đảm mọi chi phí của đợt công tác cho các nhà khoa học và chuyên gia của mình tham gia hợp tác gồm đi lại quốc tế giữa hai nước, bảo hiểm, ăn và ở;

(b) Bên nhận đảm bảo các chi phí đi lại trong lãnh thổ của mình, cần thiết cho việc thực hiện hoạt động hợp tác;

(c) Uỷ ban Hỗn hợp sẽ xem xét thường kỳ các điều kiện tài chính cho việc thực hiện hợp tác và đề xuất các bổ sung, nếu cần thiết.

Điều 11:

1. Hiệp định này chỉ có thể sửa đổi hoặc bổ sung khi có sự đồng ý bằng văn bản của các Bên. Mọi sửa đổi hoặc bổ sung sẽ là phần không tách rời của Hiệp định này và sẽ có hiệu lực thông qua trao đổi công hàm, theo khoản 1 Điều XII.

2. Những bất đồng hoặc tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa các Bên.

Điều 12:

 1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực thông qua trao đổi công hàm, qua đó các Bên xác nhận rằng các thủ tục pháp lý trong nước để Hiệp định có hiệu lực đã được hoàn tất. Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày của thông báo cuối cùng.

2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn năm năm và mặc nhiên được gia hạn trong từng thời hạn năm năm một, trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định chậm nhất là sáu tháng trước ngày Hiệp định chấm dứt hiệu lực.

3. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới việc hoàn tất các chương trình và các dự án đang được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định này và chưa được hoàn thành đầy đủ tại thời điểm chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được sự uỷ quyền hợp thức của mỗi Chính phủ, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2005, thành hai bản gốc, mỗi bản tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ





Hoàng Văn Phong

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ HUNG-GA-RI
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO






Sô-Mô-Di Phe-Ren-Xơ