Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri về hợp tác văn hóa, ký tại Hà Nội ngày 05 tháng 3 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Đức Hạnh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HUNG-GA-RI VỀ HỢP TÁC VĂN HÓA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri, sau đây gọi là “các Bên”;

Nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, mở rộng mối liên hệ giữa hai dân tộc, phát triển hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa,

Tin tưởng vai trò quan trọng của nghệ thuật như một phương tiện nâng cao hiểu biết về văn hóa và phong tục, tập quán của hai quốc gia,

Ghi nhận lợi ích hai quốc gia nhận được trong quá trình tăng cường quan hệ song phương, phù hợp với pháp luật và quy định áp dụng tại mỗi quốc gia,

Nhất trí với những nội dung sau đây:

Điều 1

Các Bên khuyến khích hợp tác về văn hóa và nghệ thuật nhằm nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa của bên kia và tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia.

Điều 2

Các Bên thúc đẩy trao đổi và liên hệ trên các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa và các hình thức biểu diễn nghệ thuật khác, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh, kiến trúc, xuất bản sách, bảo tàng và lưu trữ, giữa các nhóm sáng tạo và các lĩnh vực khác về văn hóa và nghệ thuật.

Các Bên cùng khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa thư viện của hai Bên và khuyến khích hoạt động biên dịch và xuất bản các tác phẩm văn học xuất sắc của tác giả mỗi Bên.

Các Bên khuyến khích và thúc đẩy hợp tác văn hóa trực tiếp giữa các cơ sở nghiên cứu, trao đổi chuyên gia và nghiên cứu viên.

Điều 3

Các Bên khuyến khích tổ chức những ngày văn hóa, tuần văn hóa tại các cơ sở văn hóa và giáo dục ở mỗi quốc gia, trong đó bao gồm các buổi thuyết trình, tổ chức hội thảo, triển lãm sách và hội chợ, cũng như các hình thức khác giới thiệu về thành tựu của hai quốc gia.

Điều 4

Các Bên thúc đẩy sắp xếp các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, đặc biệt là tổ chức chuyến thăm lẫn nhau dành cho đại diện từ các lĩnh vực văn hóa khác nhau, với mục đích hợp tác, thực tập và trao đổi kinh nghiệm;

tổ chức các chương trình biểu diễn dành cho nghệ sỹ cá nhân hoặc nhóm nghệ sỹ, hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và các hoạt động văn hóa khác;

mời các cá nhân, tổ chức đến các liên hoan và chương trình biểu diễn quốc tế được một trong các Bên tổ chức.

Điều 5

Các Bên khuyến khích trao đổi sách, ấn phẩm, tạp chí, tài liệu, phim, các tài liệu và nguồn thông tin khác nhau có liên quan đến hoạt động văn hóa ở mỗi quốc gia.

Điều 6

Các Bên khuyến khích việc tham gia các hội nghị, hội thảo, sự kiện chuyên đề về văn hóa và khoa học, đồng thời thông báo lẫn nhau về các sự kiện này với khoảng thời gian phù hợp trước khi sự kiện diễn ra.

Điều 7

Các Bên hợp tác trên lĩnh vực di sản văn hóa và bảo vệ, phát huy đa dạng văn hóa tại các quốc gia, dưới sự bảo hộ của UNESCO và sẽ trao đổi chuyên gia trên lĩnh vực này.

Điều 8

Các Bên khuyến khích thúc đẩy các văn bản hợp tác đặc biệt giữa các cơ sở văn hóa có liên quan của hai quốc gia,

Điều 9

Những cam kết phát sinh từ quy chế thành viên của Hung-ga-ri tại Liên minh Châu Âu không bị ảnh hưởng bởi Hiệp định này. Như vậy, các điều khoản tại Hiệp định này sẽ không được diễn giải để bãi bỏ, điều chỉnh hoặc có bất kỳ tác động nào đến những cam kết của Hung-ga-ri phát sinh từ các văn bản hình thành cơ sở của Liên minh Châu Âu, cũng như những cam kết phát sinh từ các quy định pháp luật gốc và thứ cấp của Liên minh Châu Âu.

Điều 10

Các Bên đồng ý tổ chức tham vấn, vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết, giữa đại diện có thẩm quyền của các Bên, nhằm ký kết các chương trình hành động, trong đó có các dự án và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Hiệp định này và xác định, khi có thể, các quy định khác về tài chính và tổ chức nhằm triển khai các sự kiện, như đã được quy định tại Hiệp định và các chương trình hành động.

Việc thực hiện tham vấn và danh sách đại diện có thẩm quyền sẽ được các Bên nhất trí thông qua kênh ngoại giao.

Điều 11

Mọi bất đồng giữa hai Bên liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng phương pháp thương lượng hoặc đàm phán.

Điều 12

Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày thứ ba mươi sau khi nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản của các Bên thông qua kênh ngoại giao khẳng định việc hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để đảm bảo Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định này có hiệu lực trong năm (05) năm và sẽ được tự động gia hạn trong năm (05) năm. Hiệp định này có thể bị hủy bỏ bằng văn bản bởi bất kỳ Bên nào, thông qua kênh ngoại giao. Trong trường hợp này, Hiệp định sẽ kéo dài 6 tháng sau khi nhận được thông báo hủy bỏ.

Trong trường hợp Hiệp định bị hủy bỏ, các điều khoản sẽ tiếp tục được áp dụng nhằm thực hiện các chương trình và dự án đang triển khai cho tới khi được hoàn tất.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền của Chính phủ nước họ, đã ký bản Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2013 thành hai bản chính, bao gồm tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh. Các văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự bất đồng về giải thích, văn bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm cơ sở.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
HUNG-GA-RI





Balog ZoItan
Bộ trưởng
Bộ Nguồn Nhân lực