Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2437/NHCS-TDNN

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY HỘ NGHÈO XÂY DỰNG CHÒI PHÒNG TRÁNH LŨ, LỤT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 716/QĐ-TTg NGÀY 14/6/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

1. Đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng

Đối tượng được vay vốn xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt theo quy định của Quyết định 716/QĐ-TTg phải có đủ các điều kiện sau:

a) Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 và là hộ độc lập có thời gian tối thiểu 01 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, được cấp có thẩm quyền công nhận; bao gồm những hộ đã có nhà ở và những hộ thuộc diện được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể.

b) Chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5-3,6m tính từ nền nhà (Những hộ cư trú tại những nơi có mức ngập sâu >3,6 m tính tại vị trí xây dựng nhà ở thi thực hiện di dời đến nơi an toàn theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2015).

2. Cách lựa chọn và phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ

- Ủy ban nhân dân (UBND) xã lựa chọn và lập danh sách các hộ được hỗ trợ, trình Ủy ban nhân dân huyện.

- UBND huyện phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thông báo danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng đã được phê duyệt cho NHCSXH cùng cấp để thực hiện cho vay.

3. Xếp loại thứ tự ưu tiên cho vay:

Trường hợp xã được chọn để triển khai thí điểm có số hộ nghèo thuộc diện đối tượng nhiều hơn 50 hộ thì tiến hành lựa chọn số hộ thuộc diện đối tượng để hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Hộ gia đình có công với cách mạng;

b) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số;

c) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...);

d) Hộ gia đình đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn;

đ) Các hộ gia đình còn lại.

4. Phạm vi áp dụng

Triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được áp dụng tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh có 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn).

5. Mức cho vay

Hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng sau khi được nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng, nếu có nhu cầu, được vay vốn từ NHCSXH để thực hiện xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt.

Mức cho vay theo đề nghị của người vay, nhưng tối đa không vượt quá 10 triệu đồng/hộ

6. Lãi suất cho vay: 3%/năm.

7. Thời hạn cho vay

- Thời hạn cho vay là 10 năm kể từ thời điểm hộ dân nhận nợ món vay đầu tiên, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm đầu.

- Trong thời gian ân hạn, hộ dân chưa phải trả nợ, trả lãi, hộ dân bắt đầu trả nợ tiền vay từ năm thứ 6 trở đi. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số vốn đã vay.

- Hộ dân có thể trả nợ trước hạn.

8. Số lượng hỗ trợ và nguồn vốn thực hiện

- Tổng số hộ được hỗ trợ theo Quyết định 716/QĐ-TTg là 700 hộ.

- Nguồn vốn cho vay do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho NHCSXH, 50% còn lại do NHCSXH huy động, Ngân sách trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất cho NHCSXH theo quy định.

9. Phương thức cho vay

NHCSXH thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. Cơ chế uỷ thác cho vay tương tự như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trường hợp người vay thuộc đối tượng vay vốn của chương trình này đã là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang vay vốn các chương trình của NHCSXH, nếu có nhu cầu vẫn được tiếp tục vay vốn từ chương trình này.

Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV, thì phải gia nhập Tổ TK&VV và được Tổ TK&VV tổ chức kết nạp, để người vay đủ điều kiện làm thủ tục vay vốn NHCSXH.

10. Chi trả phí dịch vụ ủy thác và hoa hồng

Việc trả phí dịch vụ ủy thác và hoa hồng được thực hiện 01 quý một lần tính trên số dư nợ bình quân quý theo quy định:

- Phí dịch vụ ủy thác trả cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã là 0,03%/tháng;

- Hoa hồng trả cho Tổ TK&VV là 0,05%/tháng.

II. THỦ TỤC VÀ QUY TRÌNH CHO VAY

1. Hồ sơ cho vay

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD).

- Sổ vay vốn.

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD).

- Biên bản họp Tổ Tiết kiệm và vay vốn (mẫu Số 10/TD).

- Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD).

2. Quy trình và thủ tục cho vay

a) Người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD) gửi cho Tổ TK&VV.

b) Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị-xã hội và Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức họp, đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với Danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn đã được UBND cấp huyện phê duyệt, sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn (mẫu số 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/TD) gửi UBND cấp xã xác nhận.

c) Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD), Tổ TK&VV gửi NHCSXH Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD) để làm thủ tục vay vốn.

d) NHCSXH nhận được hồ sơ do Tổ TK&VV gửi đến, cán bộ NHCSXH được Giám đốc phân công thực hiện việc kiểm tra tính đầy đủ, đúng đắn của hồ sơ vay vốn, đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với Danh sách các hộ nghèo thuộc diện được vay vốn xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt đã được UBND cấp huyện phê duyệt, nếu đảm bảo các yếu tố theo quy định thì trình Giám đốc phê duyệt cho vay, đồng thời lập Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã và làm thủ tục giải ngân theo quy định.

Trường hợp chưa đầy đủ các yếu tố theo quy định thì cán bộ NHCSXH hướng dẫn Tổ TK&VV làm lại hồ sơ và thủ tục theo quy định.

đ) UBND cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị-xã hội cấp xã (đơn vị nhận ủy thác cho vay) và Tổ TK&VV để thông báo cho người vay đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở NHCSXH nơi cho vay để nhận tiền vay.

3. Phương thức giải ngân

a) NHCSXH thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay bảo đảm đúng danh sách đã được duyệt. Khi nhận tiền, người vay phải có chứng minh nhân dân. Trường hợp, người đứng tên vay vốn không đến nhận tiền vay thì có thể ủy quyền cho thành viên khác trong hộ (người từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự) đến nhận tiền vay nhưng phải có giấy ủy quyền của người đứng tên vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, ngân hàng nơi cho vay có thể lựa chọn phương thức giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho người vay hoặc chuyển khoản để mua vật tư, nguyên vật liệu, nếu người vay yêu cầu, để hộ dân tự xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt. Đối với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng được và được Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng thông qua các tổ chức, các đơn vị xây dựng cho các đối tượng này thì NHCSXH có thể giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các tổ chức xây dựng đó, nhưng phải có sự chứng kiến của đại diện Tổ TK&VV, đại diện của Mặt trận Tổ quốc ở xã, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, đại diện Ban giảm nghèo và UBND cấp xã, trong trường hợp này phải được người vay chấp thuận và ký đầy đủ vào hồ sơ vay vốn.

b) Căn cứ vào số tiền được phê duyệt cho vay trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD), cán bộ ngân hàng ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký vào phần nhận tiền vay theo quy định trên sổ vay vốn (bao gồm cả liên lưu tại ngân hàng và liên người vay giữ) để theo dõi.

4. Định kỳ hạn trả nợ

Khi cho vay, NHCSXH và hộ vay thoả thuận về số tiền trả nợ theo kỳ hạn hàng năm bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi và ghi cụ thể vào sổ vay vốn. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số tiền gốc đã vay.

5. Thu nợ

a) Trước ngày đến hạn trả nợ, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác căn cứ vào thông báo danh sách nợ đến hạn để thông báo cho Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc người vay trả nợ cho Ngân hàng.

b) Nhận được thông báo của Tổ trưởng Tổ TK&VV, người vay đến điểm giao dịch của NHCSXH (theo lịch giao dịch) để trả nợ ngân hàng.

Trường hợp người vay trả nợ trước hạn, ngân hàng nơi cho vay tiến hành thu nợ và hạch toán theo quy định.

6. Thu lãi

Lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. NHCSXH thoả thuận với người vay trả lãi theo định kỳ hàng tháng kể từ năm thứ 6 trở đi (sau khi hết thời gian ân hạn), số tiền trả lãi hàng tháng được tính trên nguyên tắc số tiền trả lãi một năm tối thiểu bằng 20% tổng số tiền lãi phải trả.

7. Gia hạn nợ

- Đến thời hạn trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ.

- Thủ tục gia hạn nợ: Người vay viết Giấy đề nghị gia hạn nợ (theo mẫu số 09/TD) gửi NHCSXH nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ.

- Thời gian cho gia hạn nợ: tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn đã cho vay.

8. Chuyển nợ quá hạn

Đến kỳ hạn trợ nợ cuối cùng, người vay không trả nợ đúng hạn và không được NHCSXH cho gia hạn nợ thì chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất cho vay quá hạn bằng 130% lãi suất đã cho vay.

9. Xử lý nợ bị rủi ro

Việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống NHCSXH.

10. Lưu giữ hồ sơ vay vốn

Toàn bộ hồ sơ cho vay được lưu giữ theo quy định hiện hành của NHCSXH.

11. Hạch toán kế toán

Tài khoản cho vay, tài khoản thu lãi, nội dung hạch toán thực hiện như quy định về cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, Phòng giao dịch huyện có xã được chọn để triển khai thí điểm báo cáo UBND và Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp biết, chỉ đạo; tổ chức phổ biến nội dung Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung văn bản hướng dẫn cho vay này tới cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cho vay và Ban quản lý Tổ TK&VV để triển khai chương trình cho vay đúng quy định. Đồng thời tổ chức tuyên truyền và công khai chủ trương, chính sách, công khai đối tượng thụ hưởng và danh sách hộ được vay vốn kịp thời tại điểm giao dịch xã theo quy định.

2. Các Ban: Kế hoạch Nguồn vốn, Tín dụng người nghèo, Kế toán và Quản lý tài chính, Trung tâm Công nghệ thông tin, các ban có liên quan khác tại Hội sở chính NHCSXH và chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố, các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện với nhiệm vụ, chức năng được giao xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn của Tổng giám đốc.

3. Chế độ báo cáo, thống kê

a) Thực hiện báo cáo thống kê hàng tháng theo Quyết định 1466/QĐ-NHCS ngày 17/6/2011 của Tổng giám đốc NHCSXH về việc Báo cáo thống kê áp dụng trong hệ thống NHCSXH.

b) Định kỳ 6 tháng 1 lần, chi nhánh NHCSXH các cấp tổ chức báo cáo, đánh giá kết quả chương trình cho vay hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt gửi NHCSXH cấp trên trực tiếp trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 1 hàng năm. Báo cáo được lập bằng văn bản, phản ánh đầy đủ kết quả cho vay, thu nợ, đánh giá những mặt được, tồn tại, khó khăn, kiến nghị, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt chương trình cho vay hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt tại địa phương.

Những điểm không hướng dẫn tại văn bản này, NHCSXH thực hiện theo quy định tại Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo về Hội sở chính NHCSXH để xem xét, giải quyết.

(Gửi kèm Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ)

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ; Để b/c
- Ban dân vận TW; Để b/c
- NHNN Việt Nam; Để b/c
- Bộ Xây dựng; Để b/c
- HLH Phụ nữ VN; Để p/hợp thực hiện
- Hội Nông dân VN; Để p/hợp thực hiện
- Hội CCB VN; Để p/hợp thực hiện
- TW Đoàn Thanh niên CS HCM; Để p/hợp thực hiện
- Chủ tịch và các thành viên HĐQT NHCSXH (để b/c);
- TGĐ, các Phó TGĐ NHCSXH;
- Trưởng ban Kiểm soát HĐQT NHCSXH;
- Kế toán trưởng NHCSXH;
- Các phòng, Ban tại HSC NHCSXH;
- Trung tâm Đào tạo, TT Công nghệ thông tin;
- SGD, CN NHCSXH các tỉnh, TP;
- PGD NHCSXH cấp huyện;
- Website NHCSXH;
- Lưu VT, NVTD.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Dương Quyết Thắng