TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 257/HD-TLĐ | Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2012 |
HƯỚNG DẪN
THI ĐUA KHEN THƯỞNG CHUYÊN ĐỀ “VĂN HOÁ - THỂ DỤC, THỂ THAO”
Căn cứ Hướng dẫn số 649/HD -TLĐ ngày 29/4/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn, căn cứ quyết định số 1610/QĐ -TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn “Thi đua khen thưởng chuyên đề Văn hoá - Thể dục, thể thao” hàng năm như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
1. Cơ quan: cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
2. Đơn vị:
- Đơn vị sự nghiệp (công lập) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập trong các lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Sự nghiệp kinh tế; đảm bảo xã hội và các sự nghiệp khác.
- Đơn vị quân đội nhân dân và công an nhân dân.
3. Doanh nghiệp: các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
II. NỘI DUNG THI ĐUA
1. Đối với cơ quan, đơn vị
1.1. Thực hiện dân chủ, kỷ cương pháp luật
a. Gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nội bộ đoàn kết, không có người vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không có khiếu kiện trái pháp luật.
b. Tổ chức, duy trì phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch công tác của cơ quan đơn vị, có chuyên đề nghiên cứu, tổng kết lý luận, thực tiễn, hoặc sáng kiến, cải tiến chất lượng công việc.
c. Tận tụy phục vụ nhân dân, thực hiện tốt cải cách hành chính, quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí được giao, không để xảy ra lãng phí, tham nhũng.
d. Không có cán bộ, công chức, chiến sỹ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
1.2. Đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú
a. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hình thức sinh hoạt xã hội khác.
b. Công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn vệ sinh môi trường; không để xảy ra cháy, nổ, thất thoát tài sản công và gây mất trật tự, an ninh xã hội.
c. Không thực hiện các hành vi mê tín dị đoan; không có người mắc tệ nạn xã hội; không có người sử dụng, lưu hành các sản phẩm văn hóa độc hại.
d. Đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; thu hút và đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị.
đ. Thường xuyên chăm lo tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng cho CNVCLĐ ở cơ sở. Định kỳ tổ chức tốt Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Hội thao CNVCLĐ trong đơn vị, ngành mình.
2. Đối với doanh nghiệp
2.1. Đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần đối với người lao động
a. Đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, phù hợp với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b. Xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận vì mục tiêu xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
c. Khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
2.2. Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa
a. Thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử, trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt xã hội khác.
b. Khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp, không gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; không để xảy ra cháy, nổ, mất trật tự xã hội.
c. Quan hệ lao động hài hoà ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, không xảy ra đình công, bãi công trái pháp luật.
d. Không có người vi phạm pháp luật; không có người mắc tệ nạn xã hội, không sử dụng, tàng trữ, truyền bá sản phẩm văn hóa phẩm độc hại.
e. Xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cải thiện cho CNVCLĐ về nơi làm việc, chỗ ở, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các sinh hoạt đoàn thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí;
III. TIÊU CHUẨN VÀ HÌNH THỨC XÉT DANH HIỆU THI ĐUA
1. Tiêu chuẩn tặng Cờ chuyên đề “Văn hoá - Thể dục, thể thao”
1.1. Đối với công đoàn cơ sở:
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Cờ chuyên đề Văn hoá - Thể dục, thể thao hàng năm cho các đơn vị cơ sở:
- Đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” dẫn đầu khối, cụm thi đua của Công đoàn cơ sở;
- Đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Cờ;
- Đã được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chuyên đề “Văn hoá - Thể dục, thể thao”.
1.2. Đối với Công đoàn cấp trên cơ sở
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Cờ chuyên đề “Văn hoá- Thể dục, thể thao” cho Công đoàn cấp trên cơ sở thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Có thành tích trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” tiêu biểu dẫn đầu khối, cụm Công đoàn cấp trên cơ sở;
- Được các cấp có thẩm quyền đánh giá xếp hạng xuất sắc vào dịp sơ kết, tổng kết phong trào.
2. Tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen chuyên đề “Văn hoá - Thể dục, thể thao”
2.1. Đối với cá nhân
- Gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định về hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
- Là thành viên tích cực, đạt thành tích xuất sắc và có nhiều công lao đóng góp cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở.
- Đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Bằng khen.
2.2. Đối với tập thể
- Có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” theo nội dung hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chương trình phối hợp hoạt động số 1952/CTPH ngày 15 tháng 11 năm 2010 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
- Cấp cơ sở: đã được các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hoặc cấp tương đương tặng Bằng khen.
- Cấp trên cơ sở: được cấp Tổng Liên đoàn ghi nhận thành tích hoạt động phong trào văn hoá cơ sở trong các cuộc sơ kết, tổng kết.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đăng ký thi đua
1.1. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty, và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn gửi bản đăng ký thi đua về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tuyên giáo) trước ngày 28/2 hàng năm (Riêng năm 2012, do phải triển khai đồng bộ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên việc đăng ký thi đua của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ Tổng Công ty trực thuộc TLĐ gửi về Tổng Liên đoàn trước ngày 25/3/2012). Đơn vị nào không đăng ký sẽ không được xét tặng danh hiệu thi đua.
1.2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy định các hình thức khen thưởng phù hợp theo thẩm quyền, đồng thời hàng năm hướng dẫn tổ chức cho các tập thể và cá nhân trong đơn vị đăng ký thi đua.
2. Xây dựng kế hoạch, kiểm tra, đánh giá kết quả
2.1. Hàng năm các cấp công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức tuyên truyền, phát động thi đua, đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” với các nội dung, hình thức phù hợp với địa phương, ngành và đơn vị ngay từ đầu năm.
2.2. Các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức kiểm tra, đánh giá, kết quả thực hiện phong trào; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ theo chương trình phối hợp đã ký kết; đánh giá lựa chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu để tôn vinh khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.
2.3. Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, phối hợp với Ban Chính sách - Pháp luật trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở.
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng:
- Ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn số 649/HD - TLĐ ngày 29/4/2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có bản phô tô những quyết định khen thưởng, những chứng nhận thành tích của cá nhân hoặc tập thể (Bản phôtô có chứng nhận của Lãnh đạo không cần qua công chứng).
- Đối với các trường hợp đột xuất hoặc khi sơ kết, tổng kết chuyên đề văn hoá - thể dục, thể thao theo chương trình phối hợp liên ngành do Tổng Liên đoàn hướng dẫn cần có tờ trình và kế hoạch cụ thể kèm theo.
4. Số lượng Cờ và Bằng khen hàng năm
- Theo quy định tại Hướng dẫn số 649/HD -TLĐ ngày 29/4/2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn.
- Danh sách đề nghị tặng Cờ chuyên đề “Văn hoá - Thể dục, thể thao” cần xem xét tránh trùng với đề nghị tặng Cờ toàn diện của năm.
Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Hướng dẫn số 2149/TLĐ ngày 07/12/2007 về việc Hướng dẫn khen thưởng chuyên đề “Văn hoá - Thể thao”. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn là thường trực, đầu mối liên hệ, triển khai thực hiện Hướng dẫn này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, công đoàn các cấp phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tuyên giáo) để xem xét giải quyết.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
- 1 Hướng dẫn 194/HD-TLĐ năm 2015 khen thưởng chuyên đề Văn hóa, thể thao do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 2 Hướng dẫn 149/HD-TLĐ năm 2015 về việc xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 1610/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Hướng dẫn 649/HD-TLĐ về Quy chế Khen thưởng của tổ chức công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành