Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐỐI VỚI KHU DÂN CƯ, HỘ GIA ĐÌNH, NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh nói chung, gắn với triển khai Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 ngày 01/6/2022 của Bộ Công an về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nói riêng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP), Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND); khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra đối với các loại hình trên.

2. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC tại địa bàn, cơ sở. Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, các mô hình, phong trào toàn dân tham gia PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả, xây dựng thế trận liên hoàn PCCC đối với các đối tượng này.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG CHÂM, NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng

Khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC trong khu dân cư.

2. Phương châm

a) Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”; chữa là “chống”; lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; phương châm là: Từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn.

b) Đối với công tác chữa cháy phải xác định “thời điểm vàng” để thực hiện công tác chữa cháy không quá từ 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, cần phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân.

III. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương

- Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, góp phần kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC tại địa bàn, cơ sở; phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả, xây dựng thế trận liên hoàn PCCC đối với các đối tượng này

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC; vận động cán bộ và Nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC tại khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu.

- Chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện hiệu quả và đánh giá các mô hình an toàn PCCC trong khu dân cư và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả thiết thực trong Nhân dân; vận động người dân tự trang bị bình chữa cháy xách tay để ngăn chặn kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với danh mục cơ sở thuộc phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP; tăng cường quản lý công tác PCCC trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Thành lập, củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng, bảo đảm 100% khu dân cư, tổ dân phố được thành lập đội dân phòng; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với khu dân cư.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu, xây dựng giáo án nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH phục vụ công tác giảng dạy, phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo (hoàn thành trong năm 2022).

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động chính, ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học (hoàn thành trong năm 2022 và thực hiện những năm tiếp theo).

4. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong các bài viết, chuyên mục về an toàn PCCC; xây dựng các chủ đề, tiểu phẩm, phóng sự, clip hướng dẫn kỹ năng PCCC, thoát nạn trong đám cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; giới thiệu gương người tốt việc tốt về PCCC.

5. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội: Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC, nhất là tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chủ động phát hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.

6. Công an tỉnh

- Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư theo quy định (kiểm tra định kỳ một năm một lần). Yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị (Hoàn thành trong năm 2022); xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Chỉ đạo khẩn trương khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ, phấn đấu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

- Hướng dẫn 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2; trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn và thường xuyên tổ chức thực tập phương án. Hướng dẫn cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng Báo cháy 114 và Zalo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; 100% khu dân cư thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng bảo đảm đi vào thực chất, hiệu quả (Hoàn thành trong năm 2022 và thực hiện những năm tiếp theo).

- Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, theo phương thức tự trang bị chuông báo cháy, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tại hộ gia đình, tổ liên gia theo phương pháp mỗi huyện chọn 01 xã, mỗi xã chọn 01 khu dân cư làm điểm (Hoàn thành trong tháng 9/2022). Sau 06 tháng triển khai thực hiện, tổ chức sơ kết, đánh giá, hoàn thành tiêu chí và nhân rộng tại địa phương.

- Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an đối với khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trong khu dân cư có huy động lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở tham gia.

- Chỉ đạo Công an cấp xã chủ động tham mưu UBND cấp xã thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH nói chung, trong đó, có công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung PCCC và CNCH vào giảng dạy trong các nhà trường (Hoàn thành trong năm 2022 và thực hiện những năm tiếp theo).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, Công an tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, gửi Kế hoạch cho UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 30/6 để theo dõi; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị còn lại tổ chức triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 05/6), 01 năm (trước ngày 15/11), báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

2. Giao Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ, tổng hợp kết quả toàn tỉnh, tham mưu báo cáo theo quy định.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo, hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy,
Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các hội, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv441.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền