Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, PHỤ TÙNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2018

Căn cứ Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 3 tháng 8 năm 2016 của HĐND Thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của thành phố Hà Nội;

Căn cứ Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 của UBND thành phố Hà Nội;

Thực hiện Chương trình công tác số 15/CTr-UBND ngày 15/01/2018, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thu thập thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ cho việc tổng hợp số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa chung của Thành phố.

- Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng; những thế mạnh hay khó khăn, tồn tại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội; đề xuất với các cấp có thẩm quyền về một số vấn đề liên quan đến chủ trương chính sách phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố theo định hướng phát triển văn minh hiện đại, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

- Triển khai đồng bộ, tổ chức thực hiện Kế hoạch tại các cấp, tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định.

- Tổ chức điều tra, khảo sát đúng đối tượng, bảo đảm số liệu chính xác, phản ánh đúng thực trạng.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN TRA

1. Đối tượng tra

- Khối doanh nghiệp: khoảng 700 - 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng.

- Cá nhân: khoảng 700 - 800 người là doanh nhân, cán bộ quản lý, nhà khoa học...

2. Phạm vi điều tra, khảo sát

- Phạm vi: trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Địa điểm: Tổ chức điều tra, khảo sát đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng hiện có trên địa bàn thành phố Hà Nội (bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp phục vụ xuất khẩu; các doanh nghiệp thương mại chuyên hoạt động dịch vụ xuất, nhập khẩu) hoạt động ít nhất từ tháng 01/2015 đến nay.

3. Phương pháp điều tra

- Thu thập thông tin thứ cấp: Sở Công Thương gửi công văn, đề cương báo cáo khảo sát đến các doanh nghiệp theo danh sách điều tra, các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề có liên quan, yêu cầu phối hợp và cung cấp thông tin tình hình hoạt động xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2017.

- Thu thập thông tin sơ cấp, gồm:

+ Phương pháp gián tiếp: Sở Công Thương gửi công văn và email gồm phiếu điều tra, các tài liệu liên quan đến các doanh nghiệp, cá nhân trong danh sách điều tra khảo sát, yêu cầu xử lý phiếu điều tra và gửi lại cho Đoàn khảo sát.

+ Phương pháp trực tiếp: điều tra viên đến phỏng vấn trực tiếp các doanh nghiệp, các cá nhân trong danh sách điều tra khảo sát theo nội dung của phiếu điều tra.

4. Thời gian điều tra, khảo sát

- Thời điểm điều tra: từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2018.

- Thời kỳ điều tra: Số liệu thu thập tại Phiếu điều tra trong 03 năm từ năm 2015 đến hết năm 2017.

- Thời gian chuẩn bị và thu thập thông tin: Chuẩn bị để điều tra: từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2018; Thu thập số liệu thứ cấp và sơ cấp: từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2018; Tổng hợp và xử lý kết quả: từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2018 (Phụ lục kèm theo)

III. NỘI DUNG, PHIẾU TRA

1. Nội dung tra gồm các nhóm thông tin sau:

- Thông tin chung về doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, Fax, email của doanh nghiệp; Mã số thuế của doanh nghiệp; Tên, số điện thoại của giám đốc (hoặc kế toán trưởng); loại hình doanh nghiệp; ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính; một số chỉ tiêu chung của doanh nghiệp: Lao động, thu nhập của người lao động, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, tổng lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách.v.v...

- Chỉ các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu: Tổng giá trị xuất, nhập khẩu; Lượng, trị giá từng nhóm/mặt hàng xuất, nhập khẩu và chia theo từng nước đối tác; khả năng mở rộng thị trường; đối tác xuất nhập khẩu; nguồn công nghệ/nguyên liệu/linh kiện sử dụng trong sản xuất; khả năng nắm bắt thông tin thuế quan; hệ thống nhà xưởng; hệ thống kho bãi; hệ thống và thông tin hải quan; chất lượng dịch vụ logistic; trình độ nguồn nhân lực; khả năng tiếp cận vốn; xúc tiến thương mại; việc áp dụng cơ chế chính sách; tận dụng các FTA; những thế mạnh hay bất lợi của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh; những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước...

2. Các loại phiếu điều tra: gồm 2 mẫu doanh nghiệp và cá nhân (doanh nhân, cán bộ quản lý, nhà khoa học).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, các cơ quan liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, hiệu quả, đúng quy định, báo cáo đề xuất sau khi kết thúc đợt điều tra.

2. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng:

Cung cấp đầy đủ các thông tin theo Mẫu phiếu; Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (theo mẫu báo cáo gửi doanh nghiệp) và gửi Sở Công Thương (những kết quả đạt được, tồn tại, bất cập và nguyên nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp); Đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, UBND Thành phố, Tổng cục Hải quan một số kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng trên địa bàn thành phố Hà Nội (Báo cáo về Sở Công Thương và Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội trước ngày 15 tháng 8 năm 2018).

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN: 400 triệu đồng (Bốn trăm triệu đồng) từ nguồn kinh phí chi nghiệp vụ giao Sở Công Thương tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND thành phố Hà Nội (Chế độ chi triển khai thực hiện điều tra khảo sát áp dụng Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 về Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và một số quy định hiện hành khác).

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết (qua Sở Công Thương tổng hợp chung)./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Bộ Công Thương;
- PCT UBND TP Nguyễn Doãn Toản;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các Hội, Hiệp hội thành phố Hà Nội; (giao Sở Công Thương gửi)
- VPUB: CVP, PCVP T.V.Dũng, KT, TKBT;
- Lưu VT, KT Ngân.
(14992)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Toản

 

PHỤ LỤC

THỜI GIAN TIẾN HÀNH KHẢO SÁT
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2018
 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Thực hiện

1

Công tác chuẩn bị

Tháng 3,4,5/2018

- Chủ trì: Sở Công Thương;

- Phối hợp: Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

 

Xây dựng kế hoạch, phương án điều tra khảo sát, và 02 mẫu phiếu điều tra.

 

- Chủ trì: Sở Công Thương;

- Phối hợp: Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

 

Lập danh sách điều tra khảo sát, mẫu báo cáo gửi doanh nghiệp và gửi công văn đề nghị các đơn vị phối hợp.

 

- Chủ trì: Sở Công Thương;

- Phối hợp: Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

2

Thực hiện điều tra

Tháng 6, 7, 8, 9/2018

Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội/Sở Công Thương/các tổ chức, cá nhân có liên quan (theo danh sách Đoàn khảo sát)

 

Triển khai thu thập số liệu sơ cấp bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp.

 

Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

 

Thu thập, tổng hợp số liệu thứ cấp

 

- Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội: Tổng hợp;

- Các doanh nghiệp: gửi báo cáo.

 

Kiểm tra giám sát việc thu thập số liệu

 

Sở Công Thương

3

Xử lý, tổng hợp kết quả

Tháng 8, 9,10,11/2018

 

 

Nhập và xử lý số liệu.

 

Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội

 

Xây dựng Báo cáo kết quả điều tra khảo sát và các báo cáo khác.

 

Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

 

Báo cáo và nghiệm thu sản phẩm

 

Sở Công Thương/ Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Hà Nội.