ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/KH-UBND | Kiên Giang, ngày 10 tháng 5 năm 2023 |
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, sớm hoàn thành các công trình, dự án, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát động thi đua Chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2023 (sau đây gọi tắt là thi đua Chuyên đề) như sau:
1. Mục đích
- Nhằm tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp thiết thực, nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm;
- Phát huy tính sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong việc đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm và phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Thi đua Chuyên đề phải được triển khai thực hiện sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và sự tham gia vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phải xem nội dung thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh;
- Thông qua thi đua Chuyên đề nhằm khuyến khích tính sáng tạo của tổ chức và cá nhân, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
2. Yêu cầu
- Thi đua Chuyên đề phải được triển khai thực hiện sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và sự tham gia vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phải xem phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh;
- Thông qua thi đua Chuyên đề, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; việc bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện theo phân cấp quản lý, bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai và minh bạch.
II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nội dung chính sau đây:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định;
2. Thi đua đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của từng dự án và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức được phân công phụ trách trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
3. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương và của tỉnh;
4. Thi đua thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao; thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững;
5. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm thủ tục thực hiện nhanh gọn và đúng theo quy định của Luật Đầu tư công trong từng khâu, từng bước theo quy trình, quy định.
III. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, HÌNH THỨC, SỐ LƯỢNG ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG, THỜI GIAN THI ĐUA
1. Đối tượng
a) Tập thể: Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư công trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh giao, các đơn vị trực tiếp thi công các công trình, dự án.
b) Cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham mưu hoặc tham gia thực hiện công trình, dự án.
Lưu ý: Ưu tiên xem xét, lựa chọn đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu vì hiện nay quan điểm chung là ưu tiên khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp thực hiện vượt các chỉ tiêu, kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
2. Tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng
a) Giấy khen: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền.
b) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
- Đối với tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Công tác giải ngân vốn đầu tư công phải đạt yêu cầu theo Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2023 của Chủ tịch UBND tỉnh giao, kể cả nguồn vốn được giao bổ sung;
+ Có sáng kiến, giải pháp thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo hoặc điều hành, tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
- Đối với các đơn vị thi công đạt các tiêu chuẩn sau: Thực hiện tốt tiến độ công trình, dự án; vượt thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm cho người lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
- Đối với cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoặc điều hành, tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo cho tiến độ thi công và hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn theo yêu cầu của Chỉ thị;
+ Có sáng kiến hoặc đề xuất giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt và vượt chỉ tiêu được UBND tỉnh giao.
3. Số lượng đề nghị khen thưởng
- Cấp huyện: Số lượng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng tập thể, cá nhân không quá 30% số lượng tập thể, cá nhân được khen thưởng theo thẩm quyền.
- Sở, ban, ngành, doanh nghiệp: 01 tập thể, 01 cá nhân.
4. Thời gian thi đua
Thi đua được triển khai và tổ chức thực hiện tới các cơ quan, đơn vị từ tháng 5/2023 đến 5/2024.
IV. THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG HỒ SƠ; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ VÀ KINH PHÍ KHEN THƯỞNG
1. Thành phần hồ sơ
- Văn bản đề nghị khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công.
- Biên bản xét đề nghị khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công.
- Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng (theo mẫu số 07 đính kèm Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ).
- File điện tử của hồ sơ.
2. Số lượng hồ sơ
Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: 01 bộ.
3. Trình tự, thủ tục và thời gian đề nghị khen thưởng
3.1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ đầu tư và đơn vị thi công gửi văn bản đăng ký thi đua về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 19/5/2023 để tổng hợp và trình Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) làm cơ sở xét khen thưởng.
3.2. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trình khen thưởng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổng hợp hồ sơ, đối chiếu tiêu chuẩn quy định, chủ trì tổ chức họp các ngành liên quan để xét, thẩm định thành tích và lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ).
3.3. Thời gian đề nghị khen thưởng
- Thời gian gửi đề nghị khen thưởng về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/5/2024 để tổng hợp và tổ chức họp xin ý kiến các ngành bình xét, chọn lựa và đề nghị khen thưởng theo quy định.
- Thời gian Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) trước ngày 31/5/2024.
4. Kinh phí và mức thưởng khen thưởng
Kinh phí và mức khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hiện hành.
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện rút ngắn tối đa thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán theo nhiệm vụ được phân công, hướng dẫn thực hiện và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị bảo đảm tiến độ triển khai dự án theo đúng kế hoạch.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư căn cứ Kế hoạch này và điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị để tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả Chuyên đề thi đua.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên theo dõi tình hình, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng tháng, hàng quý của các chủ đầu tư;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thẩm định thành tích, hồ sơ đề nghị khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng theo trình tự, thủ tục khen thưởng;
- Tổng hợp tình hình thực hiện các dự án, phân nhóm từng dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc để từ đó đề ra các phương án, giải pháp giải quyết có hiệu quả; đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao tại các cuộc họp giao ban;
- Phối hợp với Kho bạc Nhà nước Kiên Giang định kỳ hàng tháng, hàng quý đối chiếu, báo cáo UBND tỉnh về kết quả giải ngân của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Kiên Giang đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư do địa phương quản lý;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công hàng tháng, hàng quý, năm và báo cáo đột xuất (nếu có) gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định. Trong đó báo cáo những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công theo kế hoạch. Kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan về những biện pháp thúc đẩy tiến độ thanh toán vốn đầu tư công;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao kế hoạch, thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, qua đó nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn của các dự án đầu tư;
- Đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, mở mã số dự án để Sở Tài chính có cơ sở nhập dự toán trên hệ thống quản lý.
4. Kho bạc Nhà nước Kiên Giang
- Theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án để xử lý những vướng mắc, phát sinh trong quá trình giải ngân vốn, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán vốn; thường xuyên kiểm tra, rà soát các chủ đầu tư chưa thực hiện thu hồi kinh phí sau phê duyệt quyết toán; rà soát thu hồi vốn tạm ứng;
- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác giải ngân vốn, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán cho các công trình, dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian ngắn nhất;
- Định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đối chiếu kinh phí giải ngân, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải ngân chi tiết, trong đó phân loại theo các tiêu chí cơ quan chủ quản, chủ đầu tư.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giải ngân vốn các công trình, dự án được giao quản lý, phải quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đôn đốc thu hồi tạm ứng, quyết toán dự án hoàn thành, tất toán tài khoản dự án,... bảo đảm tiến độ giải ngân cho các dự án và định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm báo cáo tiến độ về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.
6. Các chủ đầu tư
- Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, tăng cường công tác nghiệm thu từng giai đoạn dự án để giải ngân vốn kịp thời khi hoàn thành từng hạng mục, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trong thời gian sớm nhất kể từ ngày có hạng mục được nghiệm thu, làm thủ tục ngay để thanh toán với Kho bạc Nhà nước, không để dồn việc thanh toán tập trung vào cuối năm;
- Xử lý kịp thời đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, giao nộp thủ tục thanh toán không đúng thời hạn và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết trước đó;
- Định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm tổng hợp, báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện về giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đề xuất các giải pháp để giải quyết gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
7. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng)
Có trách nhiệm theo dõi việc triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch thi đua; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công để trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng trong đợt tổng kết.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư triển khai tổ chức thực hiện đạt yêu cầu, nội dung thi đua theo Kế hoạch./.
| KT. CHỦ TỊCH |