Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017

Thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác cải cách hành chính năm 2017, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đề ra Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nắm rõ chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của thành phố về CCHC; đồng thời, hiểu được ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của việc thực hiện CCHC, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác CCHC của thành phố đã đề ra. Từ đó, có thái độ làm việc tích cực, động cơ đúng đắn, hăng hái tham gia vào công cuộc CCHC nhà nước nói chung và Kế hoạch thực hiện CCHC thành phố năm 2017 nói riêng.

2. Tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức nâng cao nhận thức và nắm vững mục đích, ý nghĩa và lợi ích của CCHC, góp phần cùng với các cơ quan hành chính các cấp thực hiện thắng lợi công cuộc CCHC.

II. YÊU CẦU

1. Thực hiện công tác tuyên truyền có hiệu quả và đúng tiến độ đề ra.

2. Phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của từng đối tượng, từng ngành, từng địa phương.

3. Lồng ghép việc tuyên truyền CCHC nhà nước với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

4. Đáp ứng kịp thời, tương đối đầy đủ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công tác CCHC nhà nước, nhất là thủ tục hành chính.

5. Tăng cường lực lượng tham gia công tác tuyên truyền; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

6. Các tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyên truyền cần nghiêm túc chấp hành kế hoạch đề ra; đồng thời, nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo vào cơ quan, đơn vị.

III. NỘI DUNG

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức

a) Chương trình, kế hoạch CCHC của Trung ương và thành phố; những công tác trọng tâm trong thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị;

b) Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

c) Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp;

d) Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2016 của UBND thành phố về việc ban hành kế hoạch CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020;

đ) Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2016 của UBND thành phố ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước;

e) Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và văn thư lưu trữ trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

g) Quyết định số 1552/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2015 của UBND thành phố ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2017;

h) Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2013 của UBND thành phố ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước các cấp trong thành phố về thực hiện CCHC;

i) Các mô hình đang thí điểm trong quá trình CCHC, các điển hình tiên tiến trong thực hiện CCHC tại sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; những cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt công tác CCHC;

k) Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

2. Đối với người dân và doanh nghiệp

a) Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

b) Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2016 của UBND thành phố ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước;

c) Chương trình, kế hoạch CCHC của Trung ương, của thành phố, sở, ban, ngành và của địa phương; những công tác trọng tâm trong thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị;

d) Bộ thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND thành phố công bố; các vấn đề cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng một số lĩnh vực chủ yếu như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu, xuất nhập cảnh, xử phạt vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáo ...; các hình thức tiếp nhận phản ánh kiến nghị (địa chỉ, điện thoại, email) và cách thức phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính;

đ) Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ

4 tại sở, ban, ngành, quận, huyện; mô hình liên thông trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng; mô hình liên thông trong lĩnh vực cấp giấy khai sinh - nhập khẩu - cấp bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú;

e) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các công việc của công dân.

IV. HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP TUYÊN TRUYỀN

1. Thực hiện Chuyên đề “Cải cách hành chính” và Chương trình “Gặp gỡ và đối thoại” trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố

a) Chuyên đề “Cải cách hành chính”:

- Số lượng và tần suất phát sóng: 24 chuyên đề (02 chuyên đề/tháng);

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố;

- Cơ quan phối hợp: Sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

Trong thực hiện có biểu dương điển hình tốt, phê phán mặt chưa tốt với thời lượng thích hợp, tránh tình trạng chỉ có nội dung khen ngợi.

b) Chương trình “Gặp gỡ và đối thoại”:

- Số lượng và tần suất phát sóng: 05 chuyên đề (01 chuyên đề/tháng);

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2017 (Thời gian phát sóng: Vào lúc 20 giờ đến 21 giờ vào tuần cuối của tháng);

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố;

- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Giao Sở Nội vụ phối hợp với cơ quan có liên quan lựa chọn chuyên đề về thủ tục hành chính bức xúc của người dân và doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND thành phố ban hành trong quý I năm 2017.

2. Xây dựng chuyên trang Cải cách hành chính và Diễn đàn trao đổi ý kiến trên Báo Cần Thơ

a) Số kỳ phát hành: 52 số (01 số/tuần);

b) Cơ quan chủ trì: Báo Cần Thơ;

c) Cơ quan phối hợp: Sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

Giao Ban biên tập Báo Cần Thơ có kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện để hằng tuần có tiếp nhận và đăng tải nhiều ý kiến của tổ chức, cá nhân về những mặt được và chưa được trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Định kỳ hằng tháng có nêu gương cán bộ, công chức, viên chức tận tụy phục vụ nhân dân.

d) Sở Nội vụ và các ngành liên quan có trách nhiệm xử lý kịp thời các thông tin, phản ánh do Báo Cần Thơ cung cấp.

3. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với doanh nghiệp

a) Thời gian thực hiện: Định kỳ mỗi quý một lần;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư;

c) Cơ quan phối hợp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước thành phố Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy; sở, ban, ngành và UBND quận, huyện có liên quan;

d) Nội dung: Trao đổi và tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và trong mối quan hệ với các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố.

4. Tuyên truyền qua pano, áp phích, băng rôn trên địa bàn thành phố

a) Thời gian thực hiện: Thường xuyên năm 2017;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Trung tâm Văn hóa thành phố);

c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, UBND quận, huyện;

d) Nội dung:

- Sở Nội vụ trao đổi và thống nhất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Thành ủy về nội dung tuyên truyền qua pano, áp phích, băng rôn. Ngành văn hóa, thông tin tổ chức thực hiện và chỉ đạo theo hệ thống dọc thực hiện ở quận, huyện, xã, phường, thị trấn;

- Chủ tịch UBND quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo và cân đối kinh phí nhằm thực hiện nhiều pano, áp phích của địa phương mình về nội dung CCHC.

5. Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, tiểu phẩm ngắn về CCHC

a) Thời gian thực hiện: Quý II, III năm 2017;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Trung tâm Văn hóa thành phố). Thực hiện 01 tiểu phẩm tuyên truyền về CCHC, nội dung thể hiện theo từng chủ đề, có giải đáp vướng mắc về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành. Lưu ý, nội dung tiểu phẩm cần giáo dục trách nhiệm cả 02 phía: cơ quan nhà nước và công dân.

Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức dàn dựng và biểu diễn trong các chương trình thông tin cổ động của thành phố; đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa quận, huyện dàn dựng theo kịch bản đã biên soạn để tiếp tục biểu diễn ở các địa phương.

c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan.

6. Tổ chức Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa UBND cấp huyện với người dân về thủ tục hành chính

a) Thời gian thực hiện: Định kỳ 06 tháng một lần;

b) Cơ quan chủ trì: UBND quận, huyện

UBND quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham gia đối thoại với người dân về thủ tục hành chính ở các lĩnh vực trọng điểm như: Đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tư pháp - hộ tịch; có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

7. Tuyên truyền trên Đài Truyền thanh quận, huyện

a) Số lượng và tần suất phát sóng: 52 số (01 số/tuần);

b) Cơ quan chủ trì: UBND quận, huyện;

c) Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; Sở Thông tin và Truyền thông.

8. Nhân rộng mô hình quyển Sổ tay niêm yết một số thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã của UBND quận Ninh Kiều

a) Thời gian thực hiện: Trong năm 2017;

b) Cơ quan chủ trì: UBND quận, huyện;

c) Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, UBND xã, phường, thị trấn.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phối hợp tham gia và có kế hoạch tuyên truyền CCHC lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả.

10. Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và Trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành. Để tuyên truyền được hiệu quả, trên mỗi Trang thông tin điện tử phải có mục ý kiến đóng góp của người dân hoặc số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về công tác CCHC.

11. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức các văn bản tại khoản 1 Phần III của Kế hoạch này nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền chủ trương thực hiện CCHC của nhà nước và địa phương đến cán bộ, công chức, viên chức.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về kinh phí

a) Ở cấp thành phố: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập dự toán trình Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định chi từ kinh phí thực hiện CCHC của thành phố;

b) Ở cấp huyện: UBND quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của ngành, địa phương phục vụ cho công tác tuyên truyền CCHC của cơ quan, đơn vị và địa phương.

2. Các ngành, các cấp có liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch này có trách nhiệm chủ động, tích cực, kịp thời phối hợp với các đơn vị chủ trì để đảm bảo Kế hoạch được thực hiện tốt.

3. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể, nêu rõ yêu cầu phối hợp phù hợp với chức năng của đơn vị tham gia; đồng thời, thống nhất nội dung, biện pháp và phân công cụ thể trong từng công việc với các đơn vị phối hợp.

4. Giao Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, kịp thời báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền CCHC năm 2017 của thành phố, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh trực tiếp về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ CCHC (BNV);
- TT. TU; TT. HĐND TP;
- UBMTTQVN TP và các đoàn thể;
- Sở, ban, ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- VP UBND TP (2,3,4,5,6,7);
- Lưu: VT,ĐTS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Võ Thành Thống