Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1487/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 04 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18/7/2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 83/2017/NĐ-CP).

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu rõ để chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác cứu nạn, cứu hộ.

- Xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác cứu nạn, cứu hộ.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

- Việc triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP phải đồng bộ, thiết thực và hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Trọng tâm là quán triệt thực hiện các nguyên tắc cứu nạn, cứu hộ; công tác xây dựng lực lượng tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có các sự cố, tai nạn xảy ra; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn; trách nhiệm và thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ; công tác huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ... để các đơn vị, cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ và thống nhất.

2. Tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về cứu nạn, cứu hộ và ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, công nhân viên và tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác cứu nạn, cứu hộ.

3. Tổ chức xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra.

4. Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ với các tình huống thuộc phạm vi hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy làm công tác cứu nạn, cứu hộ.

5. Các cấp, các ngành, đơn vị, cơ sở đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả các sự cố, tai nạn xảy ra ngay từ ban đầu tại địa bàn, cơ sở.

6. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ; trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Ninh Sơn - Bác Ái; Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Ninh Phước - Thuận Nam.

- Bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở doanh trại các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực khi có chủ trương thành lập của Bộ Công an. Hỗ trợ kinh phí trang bị mới phương tiện chữa cháy và phương tiện cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ kinh phí xây dựng và cải tạo doanh trại cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh.

- Hoàn thiện Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh:

- Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế, tổ chức hội nghị hoặc thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, tổ chức quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, kế hoạch phân công thực hiện nhiệm vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về cứu nạn, cứu hộ đến toàn thể cán bộ, công chức, tầng lớp nhân dân.

- Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng dân phòng. Trang bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất, đặc điểm yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ trên từng lĩnh vực, địa bàn quản lý.

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn; xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có các sự cố, tai nạn xảy ra tại địa bàn cơ sở và nhận nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo sự huy động của cấp có thẩm quyền.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền Nghị định số 83/2017/NĐ-CP để mọi tầng lớp nhân dân biết đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin về các sự cố, tai nạn xảy là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hằng năm tham mưu bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo cho hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cấp, các ngành và Công an tỉnh.

4. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí địa điểm xây dựng doanh trại cho các Đội Cảnh sát PCCC và CNCH theo kế hoạch của tỉnh và hướng dẫn của Bộ Công an; lập các dự án về giao thông, nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát PCCC khi đi làm nhiệm vụ.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp. Tổ chức rà soát, lắp đặt những biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, biển cấm, thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở những khu vực có nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn để mọi người dân biết, đề phòng; tổ chức xây dựng, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý theo đúng thẩm quyền quy định.

6. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh; xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, chỉ huy công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và các biện pháp, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ kịp thời tiếp nhận và xử lý các sự cố, tai nạn; chỉ đạo thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo các quy định của pháp luật.

- Xây dựng, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia để xử lý các tình huống khẩn cấp về sự cố, tai nạn, cháy, nổ lớn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Báo cáo, đề xuất Bộ Công an đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện thành lập các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Ninh Sơn - Bác Ái khi Bộ Công an chỉ đạo thực hiện; xây dựng đề án thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Ninh Phước - Thuận Nam theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực hoạt động theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và nội dung kế hoạch này, chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với lĩnh vực và địa bàn quản lý. Kế hoạch triển khai gửi về Công an tỉnh trước ngày 30/4/2018; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, gửi báo cáo về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để theo dõi chung.

2. Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch này; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- C66 - Bộ Công an (báo cáo);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Báo Ninh Thuận, Đài PTTH tỉnh;
- VPUB: LĐ;
- Lưu: VT. NC. ĐDM

CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh