Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TẬP HUẤN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020; Căn cứ công văn số 699/BCA-C66 ngày 29/3/2018 của Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức tập huấn công tác PCCC và CNCH cho cộng đồng; Kế hoạch số 53/KH-BCA-C66 ngày 22/3/2018 của Bộ Công an về việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy”, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020.

- Góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về công tác PCCC và CNCH của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chính quyền các cấp; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở; Công an cấp xã; Trưởng thôn, ấp, bản, tổ dân phố; cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành...; phát huy triệt để phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) trong công tác PCCC và CNCH.

2. Yêu cầu

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC, CNCH đối với cộng đồng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan.

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và đạt được mục tiêu đề ra.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG

1. Đối tượng tập huấn

- Nhóm 1: Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND và công an cấp huyện.

- Nhóm 2: Người đứng đầu cơ sở trong các KCN, người đứng đầu cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ (đối với đối tượng thuộc nhóm 2 sẽ được tổ chức tập huấn vào năm 2019 và 2020).

- Nhóm 3: Cán bộ đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

- Nhóm 4: Cán bộ đội viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

- Nhóm 5: Đại diện lãnh đạo UBND, Công an cấp xã; Trưởng thôn, ấp, bản, tổ dân phố; cán bộ đội dân phòng; chủ hộ kinh doanh nhỏ, lẻ....

2. Nội dung tập huấn

- Phần lý thuyết:

+ Giới thiệu nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào phổ biến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và trách nhiệm của cán bộ đội viên Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, lực lượng dân phòng... trong công tác PCCC&CNCH;

+ Thông tin về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trong nước và thế giới. Các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

+ Tổ chức giao lưu, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH.

- Phần thực hành:

Hướng dẫn tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Tập huấn đối tượng thuộc nhóm 1

- Số lớp: gồm 01 lớp, khoảng 100 người.

- Thời gian: Tổ chức tập huấn trong 01 buổi, dự kiến trong thời gian từ ngày 15/5/2018 đến 15/9/2018.

- Nội dung: Giới thiệu nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào phổ biến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền... trong công tác PCCC&CNCH; Hướng dẫn tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra.

- Địa điểm: Tại trụ sở Cảnh sát PC&CC Thành phố (số 27, 29 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

- Đơn vị chủ trì: UBND Thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; Cảnh sát PC&CC Thành phố; các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.

2. Tập huấn đối tượng thuộc nhóm 3

- Số lớp: gồm 04 lớp, mỗi lớp khoảng 100 người.

- Thời gian: Tổ chức tập huấn trong 03 ngày, dự kiến trong thời gian từ ngày 15/5/2018 đến 15/9/2018.

- Nội dung:

+ Ngày thứ nhất: Giới thiệu nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào phổ biến vai trò, trách nhiệm của cán bộ đội viên Đội PCCC cơ sở...trong công tác PCCC&CNCH; thông tin về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trong nước và thế giới; phổ biến các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy, nổ.

+ Ngày thứ hai: Hướng dẫn các biện pháp PCCC đối với các loại hình cơ sở; các kỹ năng thoát nạn, xử lý khi có cháy, nổ xảy ra và tổ chức giao lưu, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH.

+ Ngày thứ ba: Hướng dẫn tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra.

- Địa điểm: Tổ chức tại các cơ sở.

- Đơn vị chủ trì: Cảnh sát PC&CC Thành phố.

- Đơn vị phối hợp: UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

3. Tập huấn đối tượng thuộc nhóm 4

- Số lớp: gồm 01 lớp, khoảng 100 người.

- Thời gian: Tổ chức tập huấn trong 06 ngày, dự kiến trong thời gian từ ngày 15/5/2018 đến 15/9/2018.

- Nội dung:

+ Trong 05 ngày đầu: Giới thiệu nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào phổ biến vai trò, trách nhiệm của cán bộ đội viên Đội PCCC chuyên ngành...trong công tác PCCC&CNCH; Thông tin về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trong nước và thế giới; Các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Tổ chức giao lưu, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH.

+ Ngày cuối cùng: Hướng dẫn tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra.

- Địa điểm: Tổ chức tại các cơ sở.

- Đơn vị chủ trì: Cảnh sát PC&CC Thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty hàng không Việt Nam; Tổng kho xăng dầu Đức Giang.

4. Tập huấn đối tượng thuộc nhóm 5

- Số lớp: gồm 36 lớp, mỗi lớp khoảng 100 người.

- Thời gian: Tổ chức tập huấn trong 02 ngày, dự kiến trong thời gian từ ngày 15/5/2018 đến 15/9/2018.

- Nội dung:

+ Ngày thứ nhất:

Giới thiệu nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào phổ biến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và trách nhiệm của lực lượng dân phòng...trong công tác PCCC&CNCH; Thông tin về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trong nước và thế giới. Các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, xử lý khi có cháy, nổ xảy ra; Tổ chức giao lưu, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH.

+ Ngày thứ hai: Hướng dẫn tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra.

- Địa điểm: Tại trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã.

- Đơn vị chủ trì: UBND các quận, huyện, thị xã.

- Đơn vị phối hợp: Cảnh sát PC&CC Thành phố; Công an Thành phố.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí tổ chức do Bộ Công an đảm nhận (lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố

- Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các ngành, đơn vị và cơ sở trong việc thực hiện công tác tập huấn PCCC và CNCH cho cộng đồng.

- Phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và các đơn vị có liên quan, trong việc:

+ Chuẩn bị nội dung, tài liệu tập huấn cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo các điều kiện tổ chức tập huấn (thời gian, địa điểm, giáo viên giảng dạy, tài liệu, phương tiện, dụng cụ thực hành PCCC và CNCH...).

+ Lựa chọn địa điểm tập huấn, triệu tập học viên, bố trí thời gian tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo tiến độ đề ra.

+ Tập hợp tình hình, kết quả tổ chức các lớp tập huấn công tác PCCC và CNCH để báo cáo theo quy định.

+ Hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán sau khi kết thúc mỗi lớp tập huấn.

2. Sở Tư pháp

- Là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố; có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố thực hiện kế hoạch, cử lãnh đạo và cán bộ thuộc diện tham gia lớp tập huấn công tác PCCC và CNCH.

- Phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo dõi, kiểm tra, các ngành, đơn vị và cơ sở trong việc thực hiện tổ chức tập huấn công tác PCCC&CNCH cho cộng đồng.

3. Công an Thành phố

Phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố chuẩn bị các điều kiện tổ chức tập huấn công tác PCCC và CNCH cho lãnh đạo Công an cấp huyện, Công an cấp xã, lực lượng dân phòng; có trách nhiệm lập theo dõi, đôn đốc các đối tượng tham gia lớp tập huấn đảm bảo theo kế hoạch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố tăng cường thời lượng nội dung tuyên truyền về PCCC và CNCH; xây dựng, đăng phát các tin bài, phóng sự về nội dung và các hoạt động của lớp tập huấn.

5. Sở, ban, ngành khác của Thành phố

Phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố tổ chức lớp tập huấn; lập danh sách cử đại diện lãnh đạo tham gia lớp tập huấn đảm bảo theo kế hoạch.

6. Các cơ quan truyền thông của Thành phố

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Kinh tế & Đô thị, Pháp luật và Xã hội, Lao động Thủ đô, An ninh Thủ đô, Cổng giao tiếp điện tử Thành phố... bằng các phương thức hiệu quả, tăng thời lượng phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng, đăng phát các tin bài, phóng sự về nội dung và các hoạt động của lớp tập huấn công tác PCCC và CNCH cho cộng đồng.

7. UBND quận, huyện, thị xã

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn mình; lựa chọn nội dung tập huấn phù hợp với tình hình, đặc điểm và điều kiện cụ thể của địa phương để công tác tập huấn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

- Phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố chuẩn bị các điều kiện tổ chức, lựa chọn địa điểm, lập danh sách, triệu tập học viên và bố trí thời gian tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo tiến độ.

8. Các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn Thành phố

Các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy lập danh sách cử đội viên Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở tham gia lớp tập huấn đảm bảo theo kế hoạch.

Căn cứ vào kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch hiệu quả đúng tiến độ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- TT. Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Cảnh sát PC&CC;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, PVP Phạm Chí Công;
- Phòng: NC, KT, TKBT, TH;
- Các cơ quan thông tin truyền thông: Đài PT&TH Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, Hà Nội mới, Lao động Thủ đô, An ninh Thủ đô; Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố;
- Lưu VT, NC(B).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu