Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 25-KH/TU NGÀY 21/11/2013 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW NGÀY 18/9/2013 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHỆ HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện địa hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 21/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 21/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Tăng cường trách nhiệm của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương của người đứng đầu; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về An toàn lao động, vệ sinh lao động:

- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước với quản lý chuyên ngành để khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo giữa các ngành, các cấp.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp ngành nghề trong tỉnh. Khuyến khích công tác tự kiểm tra và tự chấn chỉnh khắc phục của chủ cơ sở, doanh nghiệp. Từng bước khắc phục tình trạng người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động và việc người lao động mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà xem nhẹ bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho chính mình.

- Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Phát động phong trào quần chúng tham gia thực hiện công tác bảo hộ lao động hướng tới “Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn lao động”.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, người sử dụng lao động để xảy ra mất an toàn lao động, vệ sinh lao động kịp thời. Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là người lãnh đạo, quản lý để xảy ra mất an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân:

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động; phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phát hiện nguy cơ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đối tượng lao động.

- Ban hành các tiêu chí, chuẩn mực về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với 03 nội dung (kỹ thuật an toàn lao động, kỹ thuật vệ sinh lao động, việc thực hiện các chế độ chính sách về lao động và bảo hộ lao động).

- Các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong toàn tỉnh cần xác định công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình kế hoạch hoạt động hằng năm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

- Kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý và người lao động. Không cấp giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh, đấu thầu công trình đối với chủ sử dụng lao động chưa huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn lao động của ngành, nghề; không giao việc cho người lao động khi chưa huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định.

3. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động:

- Các cơ sở đào tạo, giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề phải đưa nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo. Lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.

- Tăng cường kiểm tra, rà soát việc dạy và học an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các cơ sở đào tạo, kể cả việc điều chỉnh, kiến nghị điều chỉnh chương trình khung đào tạo, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, trang thiết bị máy móc trong từng lĩnh vực.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư để hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Gắn công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo vệ sinh lao động với chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho bộ đội phục viên xuất ngũ,...

- Các cơ sở, doanh nghiệp phải thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp và kỹ năng tay nghề cùng với nâng bậc lương thường xuyên cho người lao động tương ứng thời gian, năng suất, chất lượng công tác.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của người lao động:

- Khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động, ưu tiên những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Đảm bảo 100% người lao động khi làm việc với yếu tố độc hại, nguy hiểm được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện cấp cứu, cứu hộ phù hợp từng ngành nghề, ứng phó kịp thời sự cố máy móc, thiết bị nhà xưởng, tai nạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Chủ sử dụng lao động phải dự kiến hết các phương án, nguy cơ xảy ra tai nạn, cháy nổ nơi sản xuất, tổ chức diễn tập, thao diễn các tình huống ứng cứu, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố.

- Các Sở, ngành quản lý sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp có lưu giữ, sử dụng những máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo danh mục Nhà nước quy định phải tiến hành ngay công tác rà soát và bắt buộc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động ban hành.

Đối với những máy, thiết bị, công việc chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia (TCVN, QCVN) mà có nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố thì người sử dụng lao động phải tổ chức biên soạn tiêu chuẩn nội bộ để áp dụng.

5. Đổi mới cơ chế chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:

- Đổi mới cơ chế chính sách an toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng ưu tiên các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, cơ chế đầu tư cho hoạt động phục hồi chức năng cho người bị nạn, chăm sóc sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Đảm bảo cho mọi người lao động được nắm bắt, được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách về an toàn lao động, vệ sinh lao động như: chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng hiện vật, tuyên truyền, huấn luyện, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng,...

- Đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trước hết là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động phải đưa công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động vào kế hoạch thường xuyên cùng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh với đủ các nội dung (kỹ thuật an toàn, kỹ thuật vệ sinh lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động; bồi dưỡng hiện vật và độc hại; mua sắm phương tiện bảo vệ cá nhân).

- Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia thêm các hình thức bảo hiểm khác cho người lao động, thành lập các quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt theo ngành, theo lĩnh vực.

- Khuyến khích phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn, tư vấn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

6. Chủ động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:

- Tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động qua đó rút kinh nghiệm về mô hình quản lý, xây dựng các biện pháp chỉ đạo tốt công tác này.

- Cung cấp thông tin các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cách làm hay để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh lựa chọn học tập và trao đổi kinh nghiệm; chú trọng những ngành nghề có nhiều yếu tố, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu học tập, trao đổi như: An toàn hệ thống thiết bị lạnh, thiết bị áp lực, thiết bị nâng, an toàn phòng chống điện giật các máy, thiết bị, chống sét công trình cấp I, cấp II, phòng chống cháy nổ (nổ vật lý, nổ hóa học).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể:

2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác AT, VSLĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Hàng năm, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch AT, VSLĐ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu những giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác AT, VSLĐ trên địa bàn.

- Tổ chức tập huấn hệ thống quản lý AT,VSLĐ cho người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và lựa chọn một số doanh nghiệp đủ điều kiện thí điểm áp dụng mô hình hệ thống quản lý AT, VSLĐ vào sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tư vấn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn, vệ sinh lao động; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.

2.2. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đo đạc, đánh giá các chỉ số vi khí hậu, độc hại, nặng nhọc của môi trường lao động. Đảm bảo 100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; có cơ chế đầu tư cho hoạt động phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động. Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động.

2.3. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp xây dựng, phê duyệt phương án phòng chống cháy nổ, tổ chức lực lượng tại chỗ, mua sắm phương tiện phòng chống cháy nổ, tổ chức diễn tập tại hiện trường để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy, nổ tại nơi làm việc. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các Sở, ngành, doanh nghiệp về công tác phòng cháy, chữa cháy và môi trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy và môi trường.

2.4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung một số nội dung sau:

- Xây dựng các chuyên mục thường xuyên về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sức khỏe lao động.

- Xây dựng các phóng sự phản ánh thực trạng điều kiện lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp; cảnh báo về nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp.

- Thông tin giải đáp các chế độ chính sách về lao động, bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đi sâu kiểm tra, hướng dẫn an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có sử dụng hóa chất độc hại, cơ khí nhỏ. Huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, tọa đàm đầu bờ, chuyển giao công nghệ,...

2.6. Sở Xây dựng:

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra các nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động từ khâu cấp phép, thiết kế, thi công các công trình, nhà xưởng, các cơ sở có lưu giữ, sử dụng những máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (thuộc danh mục quy định như: nồi hơi, thiết bị áp lực, thiết bị lạnh, thang máy, thiết bị nâng, hóa chất,...).

- Kiểm tra điều kiện làm việc của người lao động trên các công trình, trình độ, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn lao động của các nhà thầu.

2.7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kinh phí trình Hội đồng nhân dân đảm bảo nguồn ngân sách thực hiện các hoạt động an toàn lao động, vệ sinh lao động; kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hàng năm.

2.8. Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc diện quản lý chấp hành tốt các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện, môi trường lao động.

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn an toàn điện trong nông nghiệp, nông thôn, trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, làng nghề,...

2.9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn đối với các cơ sở, doanh nghiệp. Đề cử, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng hòa giải viên lao động theo quy định tại Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ để làm tốt công tác hòa giải, tư vấn về công tác lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Xây dựng kế hoạch, và có giải pháp thực hiện cụ thể, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên đôn đốc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả.

2.10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, Đoàn thể cấp tỉnh:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể cấp dưới quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong đoàn viên, hội viên, cùng nhân dân tham gia thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

- Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng xây dựng, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khối công nhân, viên chức, lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động. Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi và phát động phong trào thi đua quần chúng tham gia thực hiện công tác bảo hộ lao động.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu Chiến binh; Tỉnh Đoàn; Hiệp hội doanh nghiệp;... tập trung tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động để đảm bảo an toàn, tính mạng và sức khỏe cho người lao động.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 21/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề nghị các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện nghiêm tinh thần Kế hoạch này. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (Sở LĐTBXH gửi);
- Tỉnh ủy (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành; UBND các huyện, TP;
- UBMTTQ tỉnh; Các tổ chức chính trị - XH;
- Liên minh HTX; BQL các Khu CN;
- Các tổ chức Hội đặc thù cấp tỉnh;
- Các trường, trung tâm và cơ sở đào tạo nghề; (Sở LĐTBXH gửi)
- Hiệp hội DN; Một số DN trọng điểm (Sở LĐTBXH gửi);
- Lưu VT, (H-KH01)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Ái Nam