Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/KH-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT NĂM 2017

Bệnh dại (Rabies) là bệnh truyền nhiễm giữa động vật và người. Là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng do vi rút Lyssa và Vesiculo gây ra. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 6821/BNN-TY ngày 12/8/2016, từ đầu năm 2016 đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố có chó nghi mắc bệnh Dại. Bên cạnh đó, theo thông báo của Bộ Y tế, số người tử vong do bệnh Dại trên cả nước là 39 người; số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 101.072 người. Tại Phú Yên tình hình dịch bệnh dại vừa qua diễn biến phức tạp, điển hình là huyện Tuy An có 29 con chó mắc bệnh dại cắn 38 người, 95 con chó và 06 con bò. Nguy cơ trong năm tiếp theo dịch bệnh dại có chiều hướng gia tăng, khó lường.

Thực hiện Công văn số 3655/BNN-TY ngày 10/5/2016 về việc xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bằng nguồn ngân sách địa phương; Công văn số 6821/BNN-TY ngày 12/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh dại động vật;

Căn cứ Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 278/TTr-SNN ngày 14/10/2016), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh Dại ở động vật năm 2017 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại ở động vật và người trên toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và phòng chống bệnh dại;

- Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh dại ở động vật và người;

- 70% đàn chó được quản lý;

- 70% đàn chó được tiêm phòng vắc xin.

II. CÁC GIẢI PHÁP VỀ KỸ THUẬT:

1. Quy định về quản lý chó mèo nuôi để phòng bệnh dại:

1.1. Đối với chủ vật nuôi chó mèo (gọi chung là chủ vật nuôi):

Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

1.2. Đối với UBND cấp xã:

Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin: Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó nuôi; ngày tháng năm tiêm phòng vắc xin dại.

Hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;

Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng trên địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên đài truyền thanh xã về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;

Phối hợp với Trạm chăn nuôi và Thú y cấp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách; tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành Y tế.

2. Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin:

2.1. Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: Chó, mèo.

2.2. Thời gian tiêm phòng:

a) Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào tháng 3-4. Sau đó, hàng tháng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết miễn dịch bảo hộ.

b) Liều lượng, cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

2.3. Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng ít nhất 70% tổng đàn.

3. Xử lý khẩn cấp ổ dịch dại động vật:

3.1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật Thú y.

3.2. Tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch.

a) Tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch Dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch.

b) Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng Dại.

c) Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.

d) UBND cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo để bao vây ổ dịch.

3.3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 của Luật Thú y. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Điều 25, Điều 27, Điều 28, Điều 29 và Điều 30 của Luật Thú y.

3.4. Người tham gia xử lý ổ dịch dại phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp (gồm: Kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, găng tay, ủng và áo bảo hộ) theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

4. Giám sát bệnh Dại:

4.1. Giám sát lâm sàng là chủ yếu nhằm phát hiện sớm ca bệnh dại ở động vật.

4.2. Đối tượng giám sát chủ yếu là đàn chó nuôi ở vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn có chó nghi mắc bệnh dại cắn người gây tử vong do lên cơn Dại.

4.3. Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.

4.4. Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao phát bệnh dại.

5. Xử lý động vật khi có ổ dịch Dại xảy ra:

5.1. Động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại được xử lý như sau:

- Tiêu hủy bắt buộc động vật chết, động vật mắc bệnh Dại.

- Khuyến khích tiêu hủy chó mèo có dấu hiệu mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát hiện bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định.

- Khuyến khích tiêu hủy chó mèo chưa được tiêm phòng vắc xin Dại nhưng đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly trong vòng 14 ngày nếu phát bệnh dại thì phải tiêu hủy theo quy định.

- Chó, mèo vô cớ cắn cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh dại thì phải tiêu hủy theo quy định.

5.2. Đối với chó, mèo khỏe mạnh trong vùng có dịch bệnh Dại phải thực hiện nuôi nhốt trong thời gian có dịch.

5.3. Việc xử lý động vật mắc bệnh Dại phải thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dại hoặc được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xác minh và kết luận động vật bị mắc bệnh Dại.

5.4. Việc tiêu hủy động vật mắc bệnh Dại theo hướng dẫn tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

6. Chẩn đoán xét nghiệm bệnh:

6.1. Loại bệnh phẩm: Đầu chó, mèo mắc bệnh, chết.

6.2. Kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm:

- Người lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh dại phải sử dụng bảo hộ cá nhân gồm: Găng tay dày hoặc đeo 3 lớp găng tay, kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, tạp dề, ủng cao su.

- Cố định phần đầu của xác chó, mèo, dùng dao cắt đầu ở vị trí đốt Atlas đầu tiên sau gáy.

6.3. Bao gói và bảo quản: Bọc 3 lớp nilon và cho vào hộp bảo ôn có đá lạnh để bảo quản; dán nhãn, ghi rõ bệnh phẩm đã lấy. Chuyển ngay bệnh phẩm đến phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Bệnh phẩm phải được gửi kèm theo phiếu gửi mẫu bệnh phẩm, ghi rõ bệnh sử, triệu chứng đặc điểm dịch tễ. Nếu chưa gửi đi xét nghiệm ngay thì giữ ngăn mát tủ lạnh từ 2-80C tối đa trong 48 giờ.

6.4. Trạm Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dại.

7. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng:

- Vệ sinh: Ủy ban nhân dân xã có chó dại, thu gom chất thải rắn để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước xà phòng. Đối với chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất. Vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, môi trường liên quan đến con vật; xử lý thức ăn thừa, chất thải. Công việc này do người chăn nuôi thực hiện theo hướng dẫn của thú y địa phương.

- Tiêu độc khử trùng: Sau khi dọn rửa, vệ sinh cơ giới, để khô và tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khu tiêu hủy hoặc chôn chó, mèo, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do đội chống dịch của xã, phường, thị trấn thực hiện.

8. Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển:

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm dịch chó, mèo tại nơi xuất phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định đối với chó, mèo khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vắc xin dại và còn thời gian miễn dịch bảo hộ.

- Các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông có nhiệm vụ: Kiểm dịch vận chuyển chó, mèo vận chuyển qua các Trạm, Chốt kiểm dịch;xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

9. Công bố hết dịch:

Công bố hết dịch tại Điều 31 của Luật Thú y và Điều 11 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

III. GIẢI PHÁP VỀ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN:

1. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật:

- Sách hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại, Tờ rơi, Pa nô về biện pháp phòng, chống bệnh dại (Nguồn do Trung ương cấp).

Đối tượng: Cấp cho các huyện, thành phố, thị xã sau đó các huyện, thành phố, thị xã cấp phát không thu tiền cho mọi người dân và các chủ hộ chăn nuôi chó, mèo.

Nội dung: Cung cấp kiến thức cơ bản về bệnh dại, các biện pháp phòng chống.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Tuyên truyền phát sóng trên Đài truyền thanh xã, phường.

Nội dung: phát các thông điệp về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng bệnh; viết bài truyền thông những kiến cơ bản về bệnh dại; kinh nghiệm về quản lý, đăng ký nuôi chó, mèo ở một số địa phương; những điển hình trong công tác tiêm phòng bệnh dại, mô hình an toàn về bệnh Dại, tọa đàm về phòng bệnh dại, quảng bá về ngày thế giới phòng bệnh dại...

2. Tập huấn chuyên môn kỹ thuật:

Cử cán bộ Chi cục Thú y tham gia các khóa tập huấn của Trung ương những kiến thức về bệnh dại và các biện pháp phòng, chống, công tác quản lý chó mèo, công tác giám sát bệnh dại, công tác tiêm phòng, kiểm dịch bệnh dại; quản lý dữ liệu và lập bản đồ dịch tễ bệnh dại; Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ thú y của địa phương. Kinh phí tập huấn do ngân sách địa phương đảm bảo.

3. Các hoạt động phòng, chống bệnh dại:

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hướng dẫn phòng, chống theo Phụ lục số 15 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; hướng dẫn các huyện, thị, thành phố đăng ký chó nuôi cho các chủ vật nuôi, thống kê số chó nuôi thuộc diện tiêm phòng hàng năm, chỉ đạo công tác tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm phòng, yêu cầu tiêm phòng phải đạt ít nhất 70% tổng đàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, tập huấn cho thú y cấp huyện và cơ sở về công tác phòng chống bệnh dại, quản lý chó nuôi, bắt chó thả rông vv…

IV. NGUỒN KINH PHÍ:

1. Ngân sách tỉnh: Dự toán tạm tính 79.000.000 đồng, trong đó:

- Hội nghị tập huấn cho cán bộ thú y thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Dại: 27.000.000 đồng.

- Công tác phí kiểm tra và giám sát tiêm phòng: 17.000.000 đồng.

- Tuyên truyền Phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên: 33.000.000 đồng. Dự kiến phát sóng 10 lần.

- Lấy mẫu xét nghiệm khi chó cắn người và gia súc: 2.000.000 đồng.

2. Ngân sách huyện:

Kinh phí hoạt động bắt chó thả rông, công tiêu hủy chó, công nuôi nhốt chó, dụng cụ bắt chó, chuồng nhốt chó, vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch bệnh dại; kinh phí điều tra việc đăng ký chó nuôi; kinh phí tuyên truyền phát thanh trên đài Truyền thanh huyện, Đài phát thanh xã, phường.

3. Ngân sách xã:

Công tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường, công bắt chó, kinh phí mua dụng cụ bắt chó, hỗ trợ tiêm phòng.

4. Kinh phí do tổ chức cá nhân đảm bảo:

- Chủ nuôi chó, mèo phải có trách nhiệm chi trả tiền mua vắc xin; tiền công tiêm phòng tại địa điểm tập trung 4.500đ/con (theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính), kinh phí bắt giữ, cầm cột chó để tiêm phòng (nếu chủ chó không bắt được).

- Chủ nuôi chó thả rông, nếu chó bị bắt phải trả tiền vắc xin, công tiêm phòng cho chó (trường hợp chó chưa tiêm phòng), tiền nuôi nhốt chó và tiền phạt theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch phân bổ ngân sách để thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác giám sát bệnh dại trên người và động vật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Dại có hiệu quả.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Dại trên động vật.

2. Các sở, ban, ngành:

- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách để thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2016.

- Các sở ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật năm 2016.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch thật chi tiết, cụ thể về phòng, chống bệnh dại của huyện, thị xã, thành phố và tổ chức thực hiện.

Yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NNN&PTNT (báo cáo);
- Cục Thú y (bc);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP và PCVPUBND tỉnh;
- Các sở: NNPTNT,TC,KHĐT, YT;
- UBND các huyện,TX,TP;
- Chi cục CN và Thú y;
- Lưu: VT, Hg, HK

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

BIỂU 1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VỀ CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CHO THÚ Y CƠ SỞ

(Thành phần: Trưởng thú y xã, phường)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Mức chi

Thành tiền

1

Thuê hội trường

Ngày

01

4.000

4.000

2

Trang trí hội trường hội nghị tập huấn

 

 

600

600

3

Phô tô tài liệu, văn phòng phẩm

 

112

35

3.920

4

Bồi dưỡng báo cáo viên

Buổi

02

300

600

5

Nước uống giữa giờ đại biểu và báo cáo viên (115 người x 01 ngày x 30.000 đ/người/ngày)

Người

115

30

3.450

6

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự hội nghị (100.000đ/người/ngày)

Người

112

100

11.200

7

Tàu xe đi lại cho đại biểu ở xa

- Đồng Xuân

Người

11

52

572

- Tuy An

Người

16

36

576

- Tây Hòa

Người

11

34

374

- Sông Cầu

Người

14

50

700

- Sơn Hòa

Người

14

50

700

- Sông Hinh

Người

11

62

682

Tổng cộng

27.374

*Thuyết minh: Tổng số đại biểu tham dự tập huấn là 112 người (đại biểu không hưởng lương).

Thù lao giảng viên theo Thông tư số 139/2010/TT­­-BTC ngày 21/9/2010.

Chế độ công tác phí theo Nghị quyết số 56/2012/NQ-HĐND ngày 14/9/2012.

 

BIỂU 2

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN PHÁT SÓNG

(Tuyên truyền trên Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên và Báo Phú Yên)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Mức chi

Thành tiền

1

Tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên

Phát sóng với thời lượng 30 giây, nội dung cung cấp thông tin về tính chất nguy hiểm của bệnh dại chó, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại.

Lần

10

2.800

28.000

2

Tin bài, hình ảnh tuyên truyền trên Báo Phú Yên

 

 

 

5.000

Tổng cộng 01 năm: 33.000

*Thuyết minh:

Bảng giá quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình Phú Yên áp dụng từ ngày 01/12/2015.

Kinh phí dự kiến: Tin bài, hình ảnh tuyên truyền trên Báo Phú Yên.

Kiểm tra và giám sát tiêm phòng

Công tác phí cán bộ kiểm tra và giám sát tiêm phòng các huyện: 04 người/ngày x 03 ngày/tháng x 07 tháng x 100.000 đ/ngày/người = 8.400.000 đồng.

Nhiên liệu ô tô công tác: 460 km/tháng x 07 tháng x 15 lít/100 km x 18.000 đồng/lít = 8.694.000 đồng.

Kinh phí lấy mẫu xét nghiệm

Phí xét nghiệm bệnh dại tại mục 4.28 phụ lục 3 Thông tư 04/2012/TT-BTC: 153.000 đ/mẫu x 03 mẫu = 459.000 đồng.

Phí mổ khám tiểu gia súc tại mục 2.1 Thông tư 04/2012/TT-BTC: 45.000 đ/mẫu x 03 mẫu = 135.000 đồng.

Công tác phí cán bộ lấy mẫu: 02 người/ngày x 3 ngày x 100.000 đ/ngày/người = 600.000 đồng.

Nhiên liệu mô tô đi lấy mẫu: 100.000 đ/lần lấy mẫu x 03 lần = 300.000 đồng.

Dụng cụ đựng mẫu và phí gửi mẫu 150.000 đ/mẫu x 3 = 450.000 đồng.