Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 23 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN ĐƠN GIẢN HÓA CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”; Công văn số 7735/VPCP-KSTT ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn hệ thống hóa, rà soát và xây dựng, thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước” trên địa bàn tỉnh như sau:

I- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; đồng thời, giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo, nội dung báo cáo không cần thiết, cắt giảm số lượng báo cáo và giảm tối đa về tần suất báo cáo.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thống nhất về chế độ báo cáo theo hướng: Đổi mới và giảm bớt số lượng trong công tác báo cáo, đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, kỳ và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ; có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn thông tin từ các báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.

- Giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, đảm bảo giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo.

II- NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Hệ thống hóa chế độ báo cáo

a) Yêu cầu nhiệm vụ: Hệ thống hóa và lập danh mục chế độ báo cáo định kỳ do HĐND và cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (có thể dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính thông thường) phải đảm bảo thể hiện một cách trung thực, chính xác và đầy đủ, có tính hệ thống, bao gồm: Báo cáo định kỳ thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau; báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi tới các cơ quan hành chính nhà nước. Phạm vi thực hiện không bao gồm các báo cáo đột xuất, báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê, báo cáo trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.

b) Nội dung hệ thống hóa: Tổ chức nghiên cứu, thu thập đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ với đầy đủ các thông tin cụ thể sau: Tên báo cáo, văn bản quy định báo cáo, ngành lĩnh vực, hình thức thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo, cơ quan/đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan/đơn vị chủ trì rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo.

c) Trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành:

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hệ thống hóa và lập danh mục chế độ báo cáo định kỳ (đã thực hiện xong trong tháng 10/2017).

- Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, xây dựng dự thảo quyết định phê duyệt danh mục chế độ báo cáo định kỳ thực hiện trên địa bàn tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành trước ngày 10/12/2017.

2. Rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo

a) Yêu cầu:

- Các báo cáo phải được rà soát dựa trên các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp để từ đó xây dựng các phương án đơn giản hóa nhằm đảm bảo các chế độ báo cáo được quy định thực sự cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; được quy định đúng thẩm quyền; đồng bộ, thống nhất; tần suất, thời gian báo cáo hợp lý; có đề cương, biểu mẫu và được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

- Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo phải đạt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% chế độ báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp không cần thiết.

b) Các bước tiến hành: Trên cơ sở Danh mục báo cáo định kỳ đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt, Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo theo các bước như sau:

Bước 1: Tiến hành rà soát, đánh giá theo các tiêu chí

- Về tính cần thiết của báo cáo:

Báo cáo cần được rà soát, đánh giá sự cần thiết phải duy trì hay không trên cơ sở xác định rõ nội dung thông tin của báo cáo; mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành mà thông tin báo cáo hướng tới; hoặc có thể lấy được thông tin từ nguồn khác.

- Về tính hợp lý của báo cáo:

+ Tên báo cáo, nội dung các yêu cầu cung cấp thông tin trong báo cáo phù hợp với mục tiêu và phạm vi quản lý; hình thức báo cáo phù hợp với nội dung báo cáo (ví dụ: Báo cáo số liệu cần được thể hiện dưới dạng bảng, biểu số liệu để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, logic; không chỉ mô tả bằng lời).

+ Nội dung thông tin trong báo cáo không trùng lặp với nội dung báo cáo khác.

+ Đối tượng thực hiện báo cáo có chức năng, nhiệm vụ phù hợp để đảm bảo cung cấp được thông tin báo cáo một cách chính xác, đầy đủ.

+ Các yêu cầu báo cáo rõ ràng, thống nhất về số liệu và đơn vị tính (nếu có); có mẫu đề cương báo cáo, mẫu biểu báo cáo (nếu cần) và hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho từng đối tượng thực hiện báo cáo để thống nhất thực hiện. Nội dung mẫu đề cương cần có: Những vấn đề cần tập trung báo cáo, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

+ Tần suất báo cáo được giảm tối đa (ví dụ đối với các báo cáo định kỳ hàng tháng, nếu yêu cầu quản lý hiện tại không thực sự cần thiết phải có thông tin cập nhật theo tháng thì đề xuất xây dựng phương án giảm tần suất báo cáo theo quý hoặc 6 tháng hoặc 1 năm).

+ Thời điểm gửi báo cáo và thời điểm chốt số liệu báo cáo phù hợp, đảm bảo các đối tượng thực hiện báo cáo có đủ thời gian cần thiết để thu thập, xử lý thông tin và xây dựng báo cáo.

Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất về số liệu, tạo điều kiện thích hợp, chia sẻ thông tin và giảm gánh nặng thực hiện báo cáo, các cơ quan và đơn vị liên quan căn cứ vào yêu cầu quản lý của từng ngành, từng lĩnh vực chủ động quy định theo hướng giảm thiểu tối đa về thời điểm chốt số liệu giữa báo cáo thuộc một ngành, lĩnh vực giữa báo cáo thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau. Trường hợp cho phép, đề xuất xây dựng phương án hợp nhất nội dung nhiều báo cáo thành một báo cáo duy nhất nhằm giảm số lượng báo cáo, góp phần đáp ứng mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% số lượng báo cáo.

- Tính hợp pháp của chế độ báo cáo:

+ Xác định rõ chế độ báo cáo được quy định tại văn bản nào và nội dung văn bản đó phù hợp với thẩm quyền ban hành không.

+ Quy định báo cáo trong văn bản hiện hành có chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp trên ban hành không.

Bước 2: Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp kết quả rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, đồng thời đề xuất gửi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo UBND tỉnh.

Bước 3: Trên cơ sở các ý kiến tham gia, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp hoàn thiện phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

c) Trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành:

- Cơ quan, đơn vị được Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo hoàn thiện phương án, gửi Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 10/3/2018.

- Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trước ngày 30/3/2018.

3. Tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo

Trên cơ sở các phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh:

- Có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị về những nội dung đề xuất đơn giản hóa vượt quá phạm vi thẩm quyền, kèm theo phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt trước ngày 30/6/2018.

- Ban hành quy định chế độ báo cáo hoặc hướng dẫn thực hiện báo cáo thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh trước ngày 15/12/2018 (trước khi đề xuất ban hành quy định phải tham khảo thêm Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo đã được phê duyệt của các bộ, ngành để tránh trùng lặp về quy định chế độ báo cáo); đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã triển khai thực hiện phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức sơ kết tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa, rà soát, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh

- Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố việc hệ thống hóa, rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo theo đúng quy định.

- Triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo đúng thời hạn quy định. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban ngành, địa phương xây dựng Phân hệ phần mềm báo cáo theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn hoặc quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí, tài chính để thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan xây dựng Phân hệ phần mềm báo cáo và tham mưu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở ban ngành, địa phương để đảm bảo việc kết nối, khai thác có hiệu quả các thông tin báo cáo.

4. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

- Đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ được phân công đúng theo kế hoạch được duyệt.

- Đảm bảo kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước” trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung của Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố,
- LĐVP; P.KSTTHC; CVNC;
- Lưu: VT, vvtu (01b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh