- 1 Thông tư liên tịch 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Luật thú y 2015
- 4 Quyết định 16/2016/QĐ-TTg quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Luật Chăn nuôi 2018
- 8 Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT quy định về phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 9 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 10 Quyết định 12/2019/QĐ-UBND quy định về cơ quan thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 11 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 169/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 27 tháng 11 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2024
Để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024, với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của cơ quan Trung ương, các văn bản chỉ đạo và Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản.
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và thủy sản với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, tổ chức khoanh vùng để khống chế, xử lý kịp thời, triệt để ngay từ khi dịch mới phát sinh ở phạm vi hẹp, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế và môi trường do dịch bệnh xảy ra; đảm bảo sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Yêu cầu
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đồng bộ, có hiệu quả, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ của Kế hoạch và quy định của Luật thú y, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), chỉ đạo của UBND tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Thông qua công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động phát hiện những thiếu sót, bất cập là nguyên nhân làm phát sinh và lây lan dịch bệnh để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức tiêm phòng, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm để tạo miễn dịch chủ động; chú trọng phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi như: Cúm gia cầm (CGC), Dịch tả vịt; Dại trên đàn chó, mèo; Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Dịch tả lợn (cổ điển), Lở mồm long móng (LMLM), Tai xanh trên đàn lợn; Tụ huyết trùng (THT), LMLM, Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò; bệnh Hoại tử gan tụy (AHPND), Đốm trắng (WSSV) ở tôm; bệnh Perkinsus ở hàu giống, ngao giống; bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép; dịch bệnh trên đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ…đặc biệt tại địa bàn có các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và sức khỏe nhân dân.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thú y, người chăn nuôi kiến thức về phòng, chống dịch bệnh
- Phổ biến Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và cơ chế chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, thú y; Xây dựng tài liệu, tờ rơi tuyên truyền để người dân biết về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật và những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra; hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra; cam kết không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm, thủy sản bị bệnh, nghi bị bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm lây lan dịch bệnh.
- Tổ chức các Hội nghị tập huấn tại các huyện, thành phố để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng cường năng lực cho cán bộ thú y cơ sở và cộng tác viên về công tác giám sát, chẩn đoán phòng, chống dịch bệnh; những tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
2. Triển khai các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh
2.1. Tổ chức giám sát phát hiện dịch bệnh
Giám sát là khâu rất quan trọng để phát hiện sớm dịch bệnh đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, phù hợp và hiệu quả.
- Tổ chức giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm:
+ Giám sát chủ động: Củng cố, triển khai công tác giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin dịch bệnh đảm bảo liên thông từ người chăn nuôi đến hệ thống chuyên ngành thú y và chính quyền địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động, xét nghiệm để phát hiện, đánh giá, cảnh báo sự lưu hành của mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
+ Giám sát bị động: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp, chia sẻ thông tin dịch bệnh, khi nghi ngờ trường hợp gia súc, gia cầm, thủy sản bị bệnh, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện sớm dịch bệnh và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân và cộng đồng.
- Tổ chức giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi:
+ Giám sát chủ động dịch bệnh: Định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành của bệnh WSSV, AHPND ở tôm nuôi nước mặn, lợ vào tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 9; bệnh Perkinsus ở ngao giống, hàu giống từ tháng 4 đến tháng 10 tại vùng ven biển Kim Sơn và kiểm tra, lấy mẫu giám sát phát hiện dịch bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SVC) và một số đối tượng cá nước ngọt vào thời điểm cuối tháng 2 tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng sản xuất một lúa, một cá; tăng cường giám sát dịch bệnh trên đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ để kịp thời phát hiện, cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
+ Các chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát các đối tượng nuôi; kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của đối tượng nuôi khi dịch bệnh xảy ra kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để xác định chẩn đoán nguyên nhân; triển khai các biện pháp xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho chủ cơ sở nuôi.
2.2. Điều tra, xử lý ổ dịch và chống dịch
- Điều tra nguồn gốc phát sinh đối với các ổ dịch để dự báo chiều hướng phát triển, lây lan, nhằm chủ động khoanh vùng, khống chế dịch bệnh. Khi nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản cần phải thực hiện lấy mẫu gửi cơ quan xét nghiệm có thẩm quyền để xác định nguyên nhân gây bệnh, chủng, độc lực và tính chất khác của mầm bệnh để dự tính, dự báo và triển khai biện pháp xử lý ổ dịch phù hợp, hiệu quả.
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch khi mới phát sinh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; khống chế kịp thời không để lây lan ra diện rộng như: Tiêu hủy động vật mắc bệnh, tiêm phòng bao vây, vệ sinh khử trùng, tiêu độc khu vực có dịch. Chủ cơ sở nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh, chết nhiều hoặc có dấu hiệu nghi mắc bệnh bất thường phải báo cáo cán bộ thú y của địa phương để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý phù hợp. Kiểm soát vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào khu vực có dịch; xử lý động vật mẫn cảm trong ổ dịch.
- Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch, nhanh chóng kiểm soát, khống chế và dập tắt các ổ dịch bệnh phát sinh trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
2.3. Chủ động phòng bệnh và kịp thời khống chế dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh
- Tập trung huy động các nguồn lực, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản xâm nhập, phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng; xử lý chất thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; tuân thủ các quy định về công tác kiểm dịch vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; đảm bảo chất lượng con giống, các quy định về nuôi tái đàn sau khi hết dịch bệnh, mùa vụ nuôi thả.
- Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; định kỳ kiểm tra cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản; xử lý động vật trung gian truyền bệnh; lấy mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh; xử lý gia súc, gia cầm, động vật thủy sản ốm nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý chuồng trại chăn nuôi, ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi.
- Sử dụng vắc xin để chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, động vật thủy sản (nếu có); giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
2.4. Về vệ sinh, khử trùng tiêu độc
- Khử trùng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu sản xuất, kinh doanh:
+ Người chăn nuôi, người kinh doanh, giết mổ, chế biến thường xuyên, định kỳ chủ động thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở ấp nở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến, các chợ, điểm thu gom động vật, trang thiết bị, dụng cụ và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh.
+ Tổ chức triển khai thực hiện các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của UBND tỉnh. Đối với các địa phương có các ổ dịch bệnh động vật truyền nhiễm chưa qua 21 ngày, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo tần suất quy định đối với ổ dịch, vùng dịch uy hiếp, vùng đệm.
- Khử trùng ao, đầm phòng, chống dịch bệnh thủy sản:
+ Hướng dẫn cho các chủ cơ sở, hộ nuôi trồng sử dụng hóa chất, vôi bột cải tạo ao đầm, ruộng để diệt mầm bệnh trước khi thả con giống.
+ Định kỳ hàng tháng hoặc sử dụng đột xuất khi xuất hiện dịch bệnh thực hiện khử trùng môi trường vùng nuôi thủy sản bằng các loại chế phẩm sinh học, vôi bột, hóa chất tiêu độc, khử trùng (nằm trong danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam).
2.5. Về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Năm 2024, tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 -5 cơ sở sản xuất hàu giống và duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh đối với bệnh Perkinsus.
3. Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm
3.1. Đối tượng tiêm phòng
- Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh nằm trong độ tuổi tiêm phòng hoặc gia súc, gia cầm đã được tiêm phòng nhưng hết thời hạn miễn dịch đang chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y. Các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin gồm:
+ Bệnh ở trâu, bò: Tụ huyết trùng, Nhiệt thán, LMLM, VDNC;
+ Bệnh ở lợn: LMLM, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;
+ Bệnh ở dê, cừu: LMLM, Nhiệt thán;
+ Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;
+ Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;
+ Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật:
- Trong quá trình chăn nuôi, chủ cơ sở cần chủ động phòng bệnh bằng vắc xin một số bệnh nguy hiểm khác cho gia súc, gia cầm sau:
+ Ở lợn: Tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn đối với lợn nái và đực giống, Dịch tả lợn Châu Phi (khi có vắc xin hiệu quả).
+ Bệnh ở dê, cừu: Đậu dê;
+ Bệnh ở thỏ: Xuất huyết thỏ;
+ Ở gà: Tụ huyết trùng gia cầm, Gumboro (đối với gà đẻ);
+ Ở vịt: Tụ huyết trùng gia cầm;
- Chỉ sử dụng các loại vắc xin đã được cấp phép lưu hành, sử dụng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Thú y, cơ quan chuyên môn và nhà sản xuất.
3.2. Phạm vi tiêm phòng: Đàn gia súc, gia cầm được nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
3.3. Thời gian tiêm phòng:
- Đợt 1, tiêm phòng vụ Xuân Hè: Từ ngày 15/3/2024 đến ngày 31/5/2024.
- Đợt 2, tiêm phòng vụ Thu Đông: Từ ngày 15/9/2024 đến ngày 30/11/2024.
- Tổ chức tiêm phòng bổ sung trong các tháng còn lại cho gia súc, gia cầm mới sinh đến độ tuổi tiêm phòng hoặc gia súc, gia cầm mới nhập đàn chưa được tiêm phòng hoặc gia súc, gia cầm đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch.
Khi có ổ dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây chống dịch cho tất cả gia súc, gia cầm tại khu vực có dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y (với những bệnh đã có vắc xin).
4. Tổ chức kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật
Tăng cường công tác quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản; làm tốt công tác kiểm dịch, từng bước thực hiện kiểm soát giết mổ và đảm bảo vệ sinh thú y trong chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.
+ Tổ chức kiểm dịch gia súc, gia cầm giống; gia súc, gia cầm thương phẩm vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh. Kiểm soát các địa điểm thu gom tập kết gia súc, gia cầm trên địa bàn. Các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện khai báo khi nhập giống từ tỉnh ngoài về nuôi; các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm việc đăng ký kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh theo quy định.
+ Tổ chức kiểm tra, giám sát, duy trì điều kiện của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và phân cấp quản lý thực hiện tại địa phương theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cơ sở giết mổ đáp ứng đủ điều kiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật việc đưa động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh vào cơ sở giết mổ làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm.
- Kiểm dịch động vật thủy sản: Tăng cường công tác kiểm dịch động vật thuỷ sản dùng để làm giống, thả nuôi: Không để động vật thuỷ sản từ ngoài tỉnh dùng để làm giống, thả nuôi chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thuỷ sản làm giống nuôi thả trên địa bàn tỉnh theo quy định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi nhập giống từ tỉnh ngoài về nuôi và khai báo, thực hiện kiểm dịch trước khi xuất bán con giống ra khỏi địa bàn tỉnh.
5. Quản lý người hành nghề thú y
Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, cấp giấy chứng nhận hành nghề thú y đảm bảo việc hành nghề đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về hành nghề thú y hoặc hành nghề trái phép, không hợp tác với chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
6. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý vật tư sử dụng trong chăn nuôi và thú y
Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát, thống kê, lập danh sách, xử lý vi phạm cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật, động vật, giết mổ, sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường quản lý chặt chẽ, các vật tư dùng trong chăn nuôi, thú y; các chế phẩm, hóa chất, chất cấm, chất kích thích và thuốc kháng sinh bị cấm dùng trong chăn nuôi và thú y; quản lý chặt chẽ chất lượng thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, không nhiễm mầm bệnh.
7. Nguồn kinh phí thực hiện
7.1. Kinh phí do Ngân sách tỉnh hỗ trợ
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện các hoạt động, bao gồm: Mua vắc xin để tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng chống dịch đối với một số dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi theo quy định; mua hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh và thực hiện tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng; hỗ trợ thiệt hại cho các chủ vật nuôi theo quy định.
- Đảm bảo kinh phí cho các đơn vị khối tỉnh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, bao gồm: Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh; kinh phí cho các lực lượng tham gia chống dịch của tỉnh theo quy định; kinh phí tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thú y, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi; kinh phí triển khai các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh như giám sát, điều tra dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…
- Trên cơ sở ngân sách được bố trí và căn cứ tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và đơn vị có liên quan tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
7.2. Kinh phí do ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ
- Ngân sách huyện đảm bảo kinh phí cho các hoạt động: Triển khai phục vụ công tác tiêm phòng theo Kế hoạch của địa phương; kinh phí xử lý, khống chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; kinh phí hỗ trợ công tiêm cho người tham gia tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bao vây chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra, kinh phí cho các lực lượng tham gia chống dịch, tham gia chốt kiểm dịch tạm thời; kinh phí mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Khi kinh phí phát sinh vượt quá khả năng cân đối của của cấp huyện thì UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
7.3. Kinh phí do Ngân sách cấp xã hỗ trợ
- Ngân sách cấp xã đảm bảo kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội nghị tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh ở cấp xã.
- Hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia chống dịch, tham gia chốt kiểm dịch tạm thời. Hỗ trợ mua vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Khi phát sinh kinh phí, vượt quá khả năng cân đối của cấp xã thì UBND cấp xã tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện xem xét quyết định.
7.4. Kinh phí của người chăn nuôi
Ngoài các nội dung được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm chủ động, tự bố trí kinh phí mua vật tư, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định; chi trả công tiêm phòng vắc xin định kỳ cho người đi tiêm. Có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; mua hóa chất, vôi bột để vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực xung quanh; chủ động mua vật tư, hóa chất, vôi bột để phục vụ cải tạo, xử lý ao, đầm, khu vực nuôi trồng thủy sản.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đúng thời gian, đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương tổ chức giám sát và phòng, chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/01/2013 của liên Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tiếp nhận đề nghị hỗ trợ kinh phí của các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố đối với các hoạt động ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí, thẩm định về nội dung, đối tượng, định mức gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ;
- Tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ về tài chính, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, vắc xin, kỹ thuật để tổ chức xử lý ổ dịch và kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh; các chủ trương, chính sách cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và thực hiện.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và đơn vị có liên quan tham mưu và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể theo nội dung của kế hoạch để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả như: tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực
cán bộ thú y, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi; tổ chức kiểm tra, giám sát, điều tra dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…
2. Sở Tài chính
- Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn liên quan.
- Trên cơ sở thẩm định của Sở Nông nghiệp và PTNT về nội dung, đối tượng, định mức hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố đối với các hoạt động ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí, thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ theo quy định.
3. Các Sở: Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
- Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, đảm bảo khống chế, dập dịch có hiệu quả, không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy động vật, việc vận chuyển, tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản khi bị chết đề nghị xử lý như chất thải lây nhiễm; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường và các phòng, đơn vị có liên quan xác định khu vực chôn lấp, tiêu hủy khi có dịch bệnh xảy ra tại địa bàn xã, các vị trí này phải được xác định cụ thể trên tờ bản đồ (có số tờ, số thửa đất).
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các ngành, các đơn vị có liên quan và UBND cấp xã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản tại cơ sở, tổng hợp kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND cấp xã quản lý chặt chẽ công tác phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tổng hợp số liệu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi tự giác, tích cực tham gia việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.
5. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình
Chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, biểu dương các đơn vị, cá nhân làm tốt; phê bình các địa phương, đơn vị, cá nhân chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Khi chưa có dịch bệnh xảy ra
UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch này định kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của đơn vị về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp báo cáo.
2. Khi có dịch bệnh xảy ra
Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn cần phản ánh, thông tin trực tiếp về cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để xử lý, khống chế kịp thời. UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp huyện được giao nhiệm vụ báo cáo dịch bệnh, thực hiện công tác báo cáo bằng văn bản trước 16 giờ hằng ngày và tổng hợp báo cáo tuần trước 15 giờ thứ 4 hằng tuần về Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai, thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 2609/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Trị năm 2024
- 2 Kế hoạch 4696/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3 Kế hoạch 491/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 4 Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2023 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh Tuyên Quang năm 2024
- 5 Kế hoạch 292/KH-UBND năm 2023 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024
- 6 Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2023 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024