Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-UBND

Sơn La, ngày 27 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 21/01/2020 của Ban thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

- Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao (các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, khu vực tái định cư của các thủy điện). Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.

- Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở Sơn La, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

- Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý báu góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hóa Việt Nam. Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La là bộ phận cấu thành của văn hóa vùng Tây Bắc thuộc cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do.

2. Yêu cầu

- Tích hợp, cụ thể hóa các chính sách, chỉ đạo của Đảng, chính phủ, tỉnh Sơn La về công tác dân tộc, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch tại địa phương

- Bảo đảm di sản văn hóa được nghiên cứu đầy đủ, khoa học để tư liệu hóa, bảo tồn và phát huy hiệu quả.

- Có sự đồng thuận của người dân, tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

- Tôn trọng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

II. NỘI DUNG VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Nội dung thực hiện

- Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa, giới thiệu một số nghi lễ tiêu biểu; một số nghề thủ công truyền thống đặc sắc; một số loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La.

- Tổ chức truyền dạy một số loại hình nghệ thuật của các dân tộc.

- Quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa trên sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh.

2. Lộ trình thực hiện

2.1. Năm 2021

- Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện và tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc gồm:

Nghề làm giấy thủ công truyền thống và phương thức sử dụng giấy trong đời sống tâm linh của người Mông.

Nghi lễ Xíp Xí của người Thái trắng.

- Mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Mường.

- Giới thiệu các di sản trên sóng truyền hình Sơn La.

2.2. Năm 2022

- Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện và tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc gồm:

Nghệ thuật chế tác và trình diễn Khèn bè của dân tộc Thái.

Nghi lễ cúng bản của dân tộc Khơ Mú.

Nghi lễ cúng dòng họ của người Thái trắng.

Các làn điệu dân ca dân tộc Khơ Mú.

- Mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Khơ Mú.

- Giới thiệu các di sản trên sóng truyền hình Sơn La.

2.3. Năm 2023

- Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện và tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc gồm:

Nghi lễ Cầu sức khỏe của dân tộc Xinh Mun.

Nghi lễ Trưởng thành của dân tộc La Ha.

Nghi lễ của dân tộc Mường.

- Mở lớp truyền dạy các loại hình nhạc cụ dân tộc Mường.

- Giới thiệu các di sản trên sóng truyền hình Sơn La.

2.4. Năm 2024

- Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện và tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc gồm:

Nghi lễ Ksaisatíp (lộc hoa) của dân tộc Xinh Mun.

Nghi lễ Xên Hươn (cúng ma nhà) của dân tộc La Ha.

Các loại hình dân vũ của dân tộc Dao.

- Mở lớp truyền dạy các loại hình dân vũ của dân tộc Dao.

- Giới thiệu các di sản trên sóng truyền hình Sơn La.

2.5. Năm 2025

- Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện và tư liệu hóa các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc gồm:

Nghi lễ Cầu mùa dòng họ của người Dao tiền.

Nghi lễ của dân tộc Mường.

- Mở lớp truyền dạy các loại hình dân ca của dân tộc Kháng.

- Giới thiệu các di sản trên sóng truyền hình Sơn La.

III. KINH PHÍ

Dự kiến kinh phí thực hiện 1.840 triệu đồng, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh cấp từ năm 2021-2025.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Hàng năm, ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La theo lộ trình của giai đoạn 2021-2025.

- Dự toán kinh phí cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La theo lộ trình của giai đoạn 2021-2025, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện hàng năm.

- Đưa vào phần mềm quản lý di sản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí giới thiệu, quảng bá việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh.

2. Sở Tài Chính

Thẩm định kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

3. Các Sở, ban, ngành liên quan

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La;

- Theo chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số;

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025. Yêu cầu các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Sở VH, TT&DL;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, TP;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, 15 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thủy