ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2528/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 12 tháng 8 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa cùng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.
II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu; các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc) được triển khai xây dựng đi vào hoạt động; nhiều chương trình, kế hoạch về sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được thực hiện… tất cả đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa (người Kinh và DTTS sống đan xen) làm cho một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc bị biến đổi, mai một. Sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như địa bàn sống, điều kiện sống, dân trí thấp; nhiều cộng đồng dân tộc vẫn mang nặng tâm lý tự ti, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, quen chấp nhận, chịu đựng đói nghèo, đi theo lối mòn lạc hậu…; những đặc điểm này đã trở thành rào cản, gây khó khăn đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn rất lớn giữa vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với vùng đô thị. Một số Nhà văn hóa dân tộc được xây dựng nhưng nội dung hoạt động còn nhiều bất cập, khó khăn do thiếu kinh phí, con người và thiết bị. Bên cạnh đó, sự giao lưu văn hóa quốc tế và trong nước ngày càng nhiều, sự bùng nổ công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn hiện đại…đã tác động mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hóa ở Đồng Nai nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách gay gắt, đặc biệt đối với văn hóa các DTTS về vấn đề tiếp biến, đồng hóa văn hóa, trong đó ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục và một số lễ hội truyền thống của đồng bào đã có sự thay đổi, biến dạng (không còn nguyên bản sắc), có nguy cơ mai một. Dân tộc Cơ Ho là dân tộc bản địa ở Đồng Nai nhưng nay cũng không bảo tồn được lễ hội truyền của đồng bào. Hầu hết đồng bào dân tộc đến từ các tỉnh phía Bắc như: Tày, Nùng, Dao, Mường… có nguy cơ mai một về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống… Một số dân tộc rất ít người như: Ngái, Phú Lá, Giáy, H' Mông, Sán Chay, La Chí… không còn giữ được bản sắc tộc người, đồng bào dần dần hòa nhập sống theo phong tục tập quán của người Kinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn, những nhạc cụ dân tộc (đặc biệt là cồng chiêng) không còn lưu giữ nhiều trong cộng đồng; bị thất thoát, mai một dần do nạn buôn bán đồ cổ. Người lớn tuổi và các nghệ nhân dân tộc thiểu số am tường về các nhạc cụ truyền thống ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ không có ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình hoặc nếu có muốn cũng gặp khó khăn về việc truyền dạy.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, dân tộc ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống còn rất thiếu, đa phần làm công tác kiêm nhiệm, trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nhiều nơi còn rất yếu, chưa thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các tộc người nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác văn hóa dân tộc trong tình hình mới. Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào DTTS nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, chưa có sự thống nhất cao, chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các Sở, ngành, địa phương nên chưa tạo được những khâu đột phá mang tính chiến lược, bền vững trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Việc đưa văn hóa, văn nghệ đến phục vụ đồng bào dân tộc tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Di sản văn hóa của các tộc người trên địa bàn tỉnh đang đứng trước sự thách thức do chưa giải quyết tốt được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cho văn hóa còn thấp, đặc biệt cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS. Việc huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho văn hóa dân tộc rất khó khăn và hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.
Do vậy, việc xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020" là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay.
1. Mục tiêu chung
a) Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia;
b) Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị mai một; phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh.
c) Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống, gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn, từng dân tộc, tôn giáo ở địa phương.
d) Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục… huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: Vùng đồng bào dân tộc sống tập trung, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
đ) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết dân tộc (nếu có).
e) Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng các DTTS, trong đó chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích cho việc lưu truyền di sản văn hóa giữa các thế hệ trong cộng đồng DTTS.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 1 (2013-2015):
- Hoàn thành từ 50% trở lên thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa) các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống thì bố trí một cán bộ làm công tác văn hóa là người DTTS (ưu tiên người dân tộc bản địa);
- Từ 60 - 70% Nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh tự chủ chương trình hoạt động; có đội văn nghệ quần chúng được trang bị nhạc cụ dân tộc và hoạt động thường xuyên;
- Hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS;
- Mỗi huyện có vùng đồng bào DTTS sinh sống được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống; tổ chức lễ hội, dân ca, dân vũ, du lịch gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn;
- Địa phương có đồng bào DTTS sinh sống xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhiếp ảnh, điêu khắc và di sản văn hóa tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn; có kế hoạch đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các DTTS vào trường học;
- 100% các DTTS trên địa bàn tỉnh được tổng kiểm kê tài sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), hoàn thành bộ chỉ số phát triển văn hóa dân tộc đến năm 2020.
b) Giai đoạn 2 (2016-2020):
- Hỗ trợ 100% các DTTS trên địa bàn tỉnh ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa;
- Phấn đấu hoàn thành 100% thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa) các DTTS trên địa bàn tỉnh; những xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống đều được bố trí cán bộ làm công tác văn hóa là người DTTS, được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ lâu dài ở địa phương;
- Từ 70 - 85% Nhà văn hóa dân tộc tự chủ tổ chức chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện; thành lập đội văn nghệ quần chúng, được trang bị nhạc cụ dân tộc và hoạt động thường xuyên;
- Mỗi huyện vùng DTTS được hỗ trợ phát triển ít nhất 02 nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, lễ hội, hoạt động du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy.
1. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các DTTS đến năm 2020. Tổng kiểm kê di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường năng lực bảo tồn, hỗ trợ phát triển văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS.
3. Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào DTTS. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
4. Chú trọng đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật DTTS trên địa bàn tỉnh; tạo cơ chế chính sách và cơ chế vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dân tộc chất lượng cao. Coi đầu tư phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.
5. Tổ chức thực hiện các chương trình về bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật; đặc biệt hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, chữ viết (nếu có) của các DTTS.
6. Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống các DTTS; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị thất truyền.
7. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc các DTTS kết hợp với chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng kết hợp với giảm nghèo bền vững
8. Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp với vùng đồng bào DTTS; xây dựng kênh, đài, chuyên mục, chuyên trang về DTTS; xây dựng kênh, đài bằng tiếng dân tộc.
9. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa dân tộc, thực hiện phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm phát huy hiệu quả thực sự của các thiết chế văn hóa.
10. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa cấp địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
11. Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
12. Hoàn thành hệ thống thiết chế văn hóa.
13. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là người DTTS ở địa phương.
14. Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, các di sản văn hóa tiêu biểu của các DTTS và đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học.
1. Giai đoạn 2013 - 2015
a) Tham gia xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa DTTS đến năm 2020;
b) Tổng kiểm kê các di sản văn hóa tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn tỉnh;
c) Xây dựng kế hoạch hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp các tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bảo tồn và phát huy đời sống văn hóa các DTTS đặc biệt là các tộc người bản địa (Chơro, Mạ, S'Tiêng, Cơ Ho) và các dân tộc ít người. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ việc truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh;
d) Xây dựng Kế hoạch ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người DTTS làm công tác văn hóa ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống;
đ) Hoàn thành mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc) cho vùng đồng bào DTTS (theo lộ trình Quy hoạch), từng bước phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh;
e) Tiếp tục đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy tại trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, các trường dân tộc nội trú và một số trường học trên địa bàn tỉnh; bước đầu đưa giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS vào các Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh;
g) Gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng DTTS;
h) Giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các tộc người trên địa bàn tỉnh;
i) Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Nhà văn hóa dân tộc; hỗ trợ Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa từng bước tự tổ chức chương trình hoạt động có hiệu quả;
k) Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS (hỗ trợ tổ chức lễ hội truyền thống; phục vụ văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí lành mạnh; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng….);
l) Xây dựng đội văn nghệ tại các Nhà văn hóa dân tộc đảm bảo tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại chỗ;
m) Tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức cấp xã ở địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống;
n) Tài trợ các tác phẩm viết về đề tài DTTS; thực hiện những tập tài liệu, đĩa CD… nhằm tuyên truyền, quảng bá nét đẹp truyền thống, ngôn ngữ, văn học, sản phẩm mỹ thuật, nếp sống, tập tục, lễ hội….của DTTS trên địa bàn tỉnh; phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc anh em để củng cố khối đại đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, thương yêu, tôn trọng, hỗ trợ, giúp nhau vươn lên làm giàu chính đáng;
o) Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho văn hóa các DTTS phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng ấp văn hóa, gia đình văn hóa, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống góp phần gìn giữ văn hóa gia đình truyền thống; phấn đấu đạt nhiều ấp văn hóa đông đồng bào thiểu số sinh sống có gương điển hình, trở thành điểm sáng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới.
2. Giai đoạn 2016 - 2020
a) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nhiệm vụ triển khai trong giai đoạn 2013 - 2015;
b) Hoàn chỉnh bộ chỉ số phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh;
c) Hoàn thiện thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS;
d) Tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015; qua đó, rà soát, đánh giá hiện trạng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất, khen thưởng những gương điển hình, tiêu biểu là người DTTS có đóng góp tích cực và hiệu quả trong hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.
1. Đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS ở cấp huyện. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh. Thống nhất quan điểm “Văn hóa các DTTS là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam thống nhất, phong phú và đa dạng. Văn hóa các DTTS không chỉ làm nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam mà nó còn tiếp biến lẫn nhau làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển rực rỡ”.
3. Tăng cường đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vùng miền núi; xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; gắn kết nhiệm vụ phát triển văn hóa dân tộc với xây dựng nông thôn mới.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng qua các hoạt động và sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc), Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng… nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau về bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS.
5. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng DTTS. Trong đó chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu di sản văn hóa của dân tộc mình. Chính sách này lồng ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân DTTS trên địa bàn tỉnh.
6. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai các hoạt động. Kết nối, lồng ghép giữa các chương trình, dự án về phát triển văn hóa các DTTS của Trung ương, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa, văn nghệ các DTTS trên địa bàn tỉnh.
7. Phát triển và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng môi trường lành mạnh để tạo tiền đề thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS.
8. Phối hợp triển khai Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020" và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với đào tạo nghề cho người lao động DTTS, phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với đồng bào DTTS.
9. Triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên, định kỳ và sơ kết đánh giá kết quả bảo tồn và phát triển văn hoá các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực: Văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cho cán bộ, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch và gia đình trong thời điểm các ngày truyền thống, các sự kiện trọng đại của đất nước;
c) Phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp và các nghề truyền thống của đồng bào DTTS để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững tại địa phương;
d) Tuyên truyền, vận động đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào các thiết chế văn hóa của đồng bào DTTS; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa: Nhà văn hóa dân tộc, tham gia giao lưu Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch với các dân tộc ở các địa phương, vùng, miền;
đ) Chủ trì thực hiện việc kiểm kê di sản, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, hướng dẫn, truyền dạy các di sản văn hóa của các tộc người trên địa bàn tỉnh;
e) Tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS gắn với kế hoạch phát triển văn hóa 5 năm (2011 - 2015), định hướng đến năm 2020; kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới;
g) Hàng năm, phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về văn hóa cho cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác văn hóa dân tộc ở cơ sở, đặc biệt là Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc;
h) Phối hợp với cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình cho cán bộ, chuyên viên là người dân tộc thiểu số. Xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao;
i) Chủ trì, cùng với các cơ quan chức năng phối hợp với các trường đại học (có khoa văn hóa) xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa dân tộc cho tỉnh (hệ cao đẳng và đại học);
k) Là đầu mối giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án này.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành chức năng, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai chính sách của Chính phủ hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình cho cán bộ, chuyên viên là người DTTS; tổ chức bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức cấp xã ở địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.
c) Có kế hoạch đổi mới phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn để bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh;
d) Mở rộng phương thức đào tạo để tranh thủ mọi nguồn lực và huy động toàn xã hội tập trung vào sự nghiệp đào tạo cho các con em là người DTTS. Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh, ưu tiên cử tuyển con em đồng bào dân tộc vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề…;
đ) Phối hợp với các ngành, địa phương đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là con em đồng bào DTTS. Bổ sung đối tượng hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc nội trú theo Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ;
e) Xây dựng và triển khai Đề án “Sân khấu học đường”, đưa giáo dục nghệ thuật trong đó có giới thiệu nghệ thuật biểu diễn truyền thống các DTTS vào chương trình chính khóa của trường học từ cấp phổ thông cơ sở…;
g) Phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, Trường Phổ thông năng khiếu Đồng Nai, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai phát hiện, đào tạo các tài năng, năng khiếu trẻ là người DTTS trên các lĩnh vực: Văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao.
3. Ban Dân tộc tỉnh
a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Quy hoạch lộ trình xây dựng Nhà văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh;
b) Tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các địa phương trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là con em người DTTS trên địa bàn tỉnh;
c) Xây dựng Đề án hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
d) Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, Khơmer tại các huyện: Định Quán, Long Thành, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh giai đoạn 2013 - 2015.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương cho các Sở, Ban ngành, địa phương thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt.
5. Sở Tài chính
Căn cứ vào khả năng ngân sách hàng năm và tình hình thực tế tại địa phương; tham mưu, cân đối kinh phí phù hợp và đảm bảo cho hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó quan tâm đến xây dựng thiết chế và kinh phí hoạt động tại Nhà văn hóa các dân tộc thiểu số, các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan lồng ghép kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung đầu tư các xã điểm xây dựng nông thôn mới có đông đồng bào DTTS sinh sống;
b) Hướng dẫn, hỗ trợ cho đồng bào vật nuôi, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, giúp đồng bào vươn lên làm giàu chính đáng.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai
a) Nâng cao chất lượng chương trình truyền hình bằng tiếng dân tộc; xây dựng chuyên mục “người tốt, việc tốt”, gương điển hình tiên tiến trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh, các chuyên mục “Trò chuyện về nghệ thuật biểu diễn truyền thống các DTTS Việt Nam” phát trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Đài cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã xây dựng các chương trình tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
a) Phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành những nghị quyết, quyết định, chỉ thị về chủ trương, chính sách cụ thể để bảo tồn, phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh;
b) Phổ biến trong đội ngũ báo cáo viên của tỉnh về nội dung Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, qua đó hỗ trợ việc tuyên truyền bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án.
9. Đề nghị các đơn vị: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”.
10. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống)
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào DTTS đến vùng đồng bào DTTS ở địa phương;
b) Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa - Thông tin hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác truyền dạy nghề thủ công truyền thống, nhạc cụ truyền thống, hát múa… của đồng bào DTTS ở địa phương. Xây dựng Ban chủ nhiệm, Đội văn nghệ tại Nhà văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng môi trường lành mạnh ở địa bàn khu dân cư;
c) Chủ động lồng ghép kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa DTTS với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương;
d) Rà soát biên chế và nhu cầu đào tạo cán bộ phụ trách văn hóa DTTS tại địa phương (ưu tiên con em người dân tộc bản địa); phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ cử tuyển đào tạo nguồn nhân lực văn hóa dân tộc (hệ cao đẳng và đại học).
đ) Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác DTTS; hỗ trợ vốn để đồng bào làm kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng;
e) Xây dựng quỹ đất và phân bổ kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc) cho đồng bào DTTS trên địa bàn theo lộ trình quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho đồng bào DTTS ở địa phương và làm tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ cho đồng bào trên địa bàn;
g) Tổ chức sơ kết kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2013 - 2015 vào cuối năm 2015 và triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020.
Đề nghị các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án nêu trên; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh trước ngày 15/11, đồng gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp./.
- 1 Quyết định 971/QĐ-UBND phê duyệt danh mục ấn phẩm văn hóa thông tin cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa năm 2013 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 2 Quyết định 755/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết 304/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 4 Quyết định 2193/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 5 Quyết định 1270/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 22/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Quyết định 170/2003/QĐ-TTg về "Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 2193/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 2 Nghị quyết 304/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 3 Quyết định 971/QĐ-UBND phê duyệt danh mục ấn phẩm văn hóa thông tin cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa năm 2013 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 4 Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2020 về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025