ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 01 năm 2019 |
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2019
Căn cứ Thông báo Kết luận số 175-TB/TW ngày 01/8/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
Căn cứ Công văn số 7176/BKHĐT-ĐTNN ngày 10/10/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019;
Căn cứ Công văn số 8807/BKHĐT-ĐTNN ngày 11/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện công tác XTĐT năm 2018 và xây dựng chương trình XTĐT năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Nghị quyết của tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2018; Chương trình công tác năm 2019 của UBND tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3928/SKHĐT-XTĐT ngày 25/12/2018 về việc Kế hoạch XTĐT của tỉnh năm 2019;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2019 với các nội dung chủ yếu như sau:
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm: du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của Khu vực Đông Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương.
- Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc đón đầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 là ưu tiên hàng đầu để phát triển thế mạnh nguồn nhân lực CNTT hiện có của tỉnh. Theo đó, Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan Công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển của tỉnh.
- Thị trường trong nước: Ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thương hiệu lớn trong các lĩnh vực tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã sản xuất kinh doanh thành công tại các tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Thị trường nước ngoài: Tập trung đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong, Hoa Kỳ, Châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động chi phí thấp.
- Đặc biệt, hướng tới nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước khác đang đầu tư các dự án FDI tại Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thương mại Hoa Kỳ.
3. Chỉ tiêu: Toàn tỉnh thu hút được 15 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu đô la Mỹ.
4. Phương pháp: Tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới của Kế hoạch Xúc tiến đầu tư năm 2018, đề xuất tiếp tục triển khai 05 nhóm phương pháp cụ thể như sau:
4.1 Xây dựng sản phẩm xúc tiến đầu tư trên cơ sở nghiên cứu, phân tích khoa học:
- Trước sự biến động phức tạp của tình hình kinh tế, thương mại và đầu tư trên thế giới như hiện nay, cần nghiên cứu, phân tích thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế nhằm tạo ra được những kịch bản và chiến lược marketing để định hình sản phẩm xúc tiến đầu tư phù hợp.
- Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư, muốn thành công, cần đi theo xu hướng marketing - chào bán sản phẩm. Muốn bán sản phẩm thành công cần xây dựng sản phẩm xúc tiến tốt. Do đó, cần định nghĩa, xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể về một sản phẩm xúc tiến đầu tư tốt và phát triển chiến lược chào bán sản phẩm đó. Sản phẩm xúc tiến đầu tư chính là các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể, với các tiêu chí cụ thể, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh và đảm bảo các nền tảng cơ bản để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, loại ngay từ đầu những nhà đầu tư hạn chế về uy tín, năng lực.
4.2. Hình thành chiến lược truyền thông, marketing sản phẩm
Sau khi xây dựng được sản phẩm xúc tiến tốt, việc tiếp theo là hình thành chiến lược truyền thông, marketing chào bán sản phẩm. Các hình thức marketing, quảng bá sản phẩm được áp dụng gồm:
- Đẩy mạnh truyền thông sản phẩm, tăng tần suất xuất hiện của các chủ đề liên quan xúc tiến đầu tư Thừa Thiên Huế trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước;
- Đem sản phẩm trực tiếp chào hàng các nhà đầu tư lớn phù hợp với các dự án đang kêu gọi đầu tư thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc trực tiếp đến hội sở của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại các địa phương;
- Truyền thông online: Hình thành các website và Fanpage để truyền thông về sản phẩm xúc tiến đầu tư, tăng cường đăng tải các thông tin xúc tiến đầu tư bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh.
- Hợp tác truyền thông với các doanh nghiệp lớn, có uy tín trên địa bàn tỉnh: doanh nghiệp làm truyền thông vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho hoạt động xúc tiến của Tỉnh (win-win, đôi bên cùng có lợi).
4.3. Đổi mới trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ làm xúc tiến đầu tư: Khi làm xúc tiến đầu tư như một hình thức marketing chào bán sản phẩm, nhân viên xúc tiến đầu tư cần thiết phải là những người bán hàng năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp và quan trọng hơn cả là hiểu rõ về sản phẩm xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đội ngũ nhân lực giỏi là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của hoạt động bán sản phẩm xúc tiến đầu tư. Do đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực cần được chú trọng thực hiện, thông qua các hình thức như sau:
- Thiết lập cơ chế trao đổi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giữa các chuyên viên làm xúc tiến đầu tư trong Trung Tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bằng một kế hoạch tập huấn kiến thức chuyên môn cụ thể theo dạng hội thảo chuyên đề và các chương trình thực địa các địa điểm kêu gọi đầu tư.
- Phổ biến thông tin về sản phẩm đầu tư, giúp chuyên viên viên nắm vững về sản phẩm xúc tiến đầu tư.
- Các chương trình thực tế, học hỏi kinh nghiệm các địa phương;
- Cân đối ngân sách để mời chuyên gia về đào tạo;
- Tìm kiếm các chuyên gia nước ngoài, các tình nguyện viên về làm việc tại Trung tâm XTĐT và HTDN.
4.4. Xây dựng mạng lưới quan hệ trong và ngoài nước: Việc xây dựng mạng lưới quan hệ trong và ngoài nước (networking) là biện pháp hiệu quả và nhanh chóng để truyền thông quảng bá về sản phẩm xúc tiến đến với các nhà đầu tư. Thông qua các mạng lưới quan hệ này, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm, tin tưởng và có tính kết nối hơn so với các hình thức quảng bá bằng báo chí và mạng xã hội. Một số phương thức xây dựng mạng lưới quan hệ trong và ngoài nước như sau:
- Đẩy nhanh thực hiện Đề án gặp gỡ Cố Đô - kết nối người Huế phương xa: Xuất phát từ thực tế một số nhà đầu tư là người Huế phương xa có tình yêu với Huế và muốn cống hiến cho sự phát triển của Huế thông qua hình thức đầu tư, Đề án Gặp gỡ Cố đô tổ chức hàng năm nhằm kết nối những người con của Huế như vậy. Đề án được thực hiện dựa trên duy trì các mối quan hệ làm việc và các mối quan hệ cá nhân với các Việt Kiều đã có và tiếp tục tạo mạng lưới quan hệ rộng rãi. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm xúc tiến đến với những nhà đầu tư tiềm năng khác. Đồng thời các buổi gặp gỡ hàng năm sẽ là cơ hội để trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các nhà đầu tư có tên tuổi về nhu cầu đầu tư cũng như phương thức hỗ trợ các nhà đầu tư. Hình thức tổ chức gặp mặt: hàng năm, chọn thời điểm là các mùa Festival lúc mà các nhà đầu tư có thể có nhiều thời gian cho việc gặp mặt, các buổi gặp mặt nên được tổ chức vào một thời điểm cố định trong năm, tạo ra không khí gắn kết và ấm cúng như một buổi tề tựu, “tựu trường” của những con người yêu Huế, mong muốn cống hiến cho Huế. Duy trì quan hệ kết nối hiệu quả sau các buổi gặp mặt.
4.5. Đổi mới trong phương pháp hỗ trợ đầu tư:
- Hoạt động hỗ trợ đầu tư là việc không thể tách rời bên cạnh xúc tiến đầu tư; tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành 1803 để theo dõi sát sao từng dự án trọng điểm cụ thể, nắm bắt những khó khăn và vướng mắc của nhà đầu tư để báo cáo, đề xuất phương pháp giải quyết.
- Đối với các dự án khác nói chung, Trung tâm XTĐT và HTDN sẽ theo dõi cụ thể từng dự án, bảo đảm đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc triển khai các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và các thủ tục liên quan khác, kể cả sau khi nhà đầu tư đưa dự án vào hoạt động.
- Đẩy mạnh hoạt động và hiệu quả hóa Tổ công tác liên ngành 1803 và sớm thành lập tổ giúp việc của Tổ công tác liên ngành để đảm bảo đây là đầu mối đồng hành cùng nhà đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư tại tỉnh.
- Chú trọng công tác hỗ trợ truyền thông đối với một số dự án đặc thù để thông tin chính xác đến công luận chủ trương, quan điểm của tỉnh, tránh thông tin bị xuyên tạc, gây dư luận xấu, ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh.
1. Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư
a) Trong nước:
- Tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản xúc tiến đầu tư và định hình các sản phẩm xúc tiến đầu tư phù hợp; cụ thể:
+ Đối với khu công nghiệp, khu kinh tế:
Căn cứ vào Quy hoạch và chức năng của Khu kinh tế và các khu công nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp; Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch marketing các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bằng việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
+ Đối với khu đô thị mới An Vân Dương: có kế hoạch XTĐT, xây dựng các sản phẩm XTĐT trên cơ sở điều chỉnh các quy hoạch phân khu hiện đang có chủ trương điều chỉnh, đảm bảo có đủ các thiết chế cần thiết đảm bảo tính đồng bộ của toàn khu đô thị mới An Vân Dương, như bệnh viện, trường học, khu vui chơi, khu công viên văn hóa phục vụ du lịch, v.v...
+ Đối với các khu vực ngoài 02 địa bàn trên, nghiên cứu các thiết chế còn thiếu trên địa bàn tỉnh để tập trung mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách như khu ẩm thực, khu phố đi bộ, khu trưng bày, may đo áo dài, v.v...
- Tham gia có chọn lọc các Hội nghị, hội thảo về XTĐT của vùng và cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng cơ hội đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế đến các đối tác trong và ngoài nước.
- Tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp quảng bá ẩm thực và đặc sản địa phương tại Festival Huế 2019;
- Tổ chức một hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư về du lịch, dịch vụ, hướng đến các doanh nghiệp địa phương, các nhà đầu tư đang là đối tác của tỉnh tại Thừa Thiên Huế;
- Tổ chức hội thảo tham vấn về điều chỉnh quy hoạch KKT Chân Mây và kịch bản kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô;
- Tham gia một số hoạt động XTĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN; các tổ chức xúc tiến: Jetro, Kotra, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, các tham tán đầu tư và thương mại, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Tiếp tục khai thác hiệu quả từ các đầu mối đại diện xúc tiến đầu tư của Thừa Thiên Huế tại Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
b) Nước ngoài:
- Tham gia các chương trình Hội thảo, hội nghị XTĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
- Phối hợp cùng các doanh nghiệp tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu đề cử một số thành viên làm đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế tại các thị trường trên nhằm giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư; tổ chức kết nối, giới thiệu kêu gọi đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
- Trong năm 2019, dự kiến sẽ xây dựng khoảng 20-30 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực tập trung kêu gọi của tỉnh, tập trung ở cả ba địa bàn: Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương, địa bàn thành phố Huế và các địa bàn khác ngoài các khu vực trên.
- Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh bằng các thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật - Hàn - Thái.
- Tiếp tục hoàn thiện trang web bằng tiếng Anh theo một giao diện thân thiện, dễ hiểu, hướng đến nhà đầu tư nước ngoài.
- Tiếp tục hoàn thiện cuốn cẩm nang xúc tiến đầu tư bằng các thứ tiếng: Anh, Hàn, Nhật trên nguyên tắc gộp toàn bộ thông tin hiện có vào 1 cuốn tài liệu nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư theo phong cách đổi mới, thiết kế theo hình thức mới lạ để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đảm bảo tính chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin nhưng không bị nhàm chán theo phương pháp truyền thống nhiều chữ, ít hình ảnh; thiết kế độc đáo, khác biệt với mô hình Đại Nội dạng gấp nằm chính giữa cuốn sách; bố trí các trang quảng cáo của các doanh nghiệp đang có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tiết kiệm ngân sách in ấn, thiết kế.
- Xây dựng cẩm nang xúc tiến đầu tư (Handbook) bao gồm thông tin đầy đủ và toàn diện về quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.
- Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ các dự án kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, cập nhật thông tin và địa điểm của các dự án kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng.
- Hình thành cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến đầu tư điện tử: Ngoài bản in, các thông tin xúc tiến đầu tư sẽ được lưu dưới dạng điện tử, để thuận tiện cho việc chia sẻ thông tin đến các nhà đầu tư một cách chủ động và được cập nhật thường xuyên trên trang web tiếng Anh về xúc tiến đầu tư.
- Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện và triển khai phần mềm quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của UBND tỉnh để cập nhật, khai thác, sử dụng phần mềm có hiệu quả.
- Tiếp tục hoàn thiện và cập nhật bổ sung các bài trình bày powerpoint giới thiệu, quảng bá về các tỉnh Thừa Thiên Huế với các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn theo chủ đề chung, chủ đề công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, y tế.
- Tích hợp các thông tin xúc tiến đầu tư của tỉnh vào USB bằng các thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật - Hàn - Thái cung cấp cho các nhà đầu tư.
- Tuyên truyền và đăng thông tin trên các báo, tạp chí: báo Đầu tư (Investment Review), Tạp chí Heritage của Vietnam Airlines, tạp chí Kinh tế và Dự báo, Tạp chí KCN, Vietnam Business Forum, và các đơn vị uy tín khác, đảm bảo tần suất xuất hiện của Thừa Thiên Huế trên các trang thông tin điện tử uy tín (hàng tháng).
- Tiếp tục tuyên truyền và quảng bá thường xuyên trên website xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
- Xây dựng các chiến lược truyền thông cụ thể cho từng dự án mang tính đặc thù; xây dựng và hình thành nên mạng lưới các chuyên gia báo chí, phóng viên để hỗ trợ tỉnh phản biện các vấn đề thời sự liên quan các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp thông tin trung thực, chính thống nhất đến công luận; tránh dư luận xấu, xuyên tạc về môi trường đầu tư của Tỉnh.
- Xây dựng trang fanpage trên mạng xã hội do Trung tâm XTĐT và HTDN quản trị, hoạt động theo hình thức ẩn danh để phản biện các vấn đề mang tính thời sự, phổ biến các thông tin về các cơ hội đầu tư và các vấn đề liên quan.
4. Đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về XTĐT
- Tham gia các đợt đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư do Bộ ngành Trung ương tổ chức.
- Tham quan, học tập công tác XTĐT, khởi nghiệp tại các tỉnh.
5. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư
- Cung cấp thông tin về tình hình đầu tư, quy hoạch; pháp luật, cơ chế, chính sách trên các Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; các Website của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.
- Tổ chức các hội thảo hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư.
- Xây dựng kênh thông tin trên website xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để tiếp thu và xử lý các vướng mắc của các nhà đầu tư liên quan đến các dự án đang nghiên cứu và triển khai tại địa phương.
- Xây dựng cafe khởi nghiệp để tạo sân chơi cho sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khác giao lưu, kết nối, hợp tác.
6. Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
a) Trong nước
- Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức xúc tiến: Jetro, Kotra, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, các tham tán đầu tư và thương mại Việt Nam ở các nước, trong đó trọng tâm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư; tập trung xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có tiềm lực, các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; các dự án chế biến sâu từ nguyên liệu cát, gỗ, nông, thủy sản, sản xuất sợi, cơ khí và các dự án công nghệ cao, sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may.
- Đặc biệt, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác cùng KCCI là nền tảng tích cực để hai bên mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư.
- Nghiên cứu, mở một số đường bay quốc tế như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan song song với quá trình nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài.
- Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư làm việc với các nhà đầu tư lớn trong nước nhằm quảng bá, marketing sản phẩm xúc tiến đầu tư để thu hút được các dự án tiềm năng về cho tỉnh.
- Phối hợp với một số doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện đề án Anh hóa trên địa bàn để phát triển phong trào học tiếng Anh, xứng tầm thành phố Festival, đô thị du lịch của cả nước.
- Phối hợp với các địa phương khác thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để đảm bảo liên kết phát triển của toàn vùng.
b) Nước ngoài
- Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) và đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hàn Quốc để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại Seoul, Hàn Quốc trong Quý II/2019.
- Phối hợp với Amcham, Eurocham, Jetro... nghiên cứu, tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế tại các thị trường mục tiêu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu để mời doanh nghiệp từ các nước này về Thừa Thiên Huế khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư.
- Nghiên cứu, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào một số tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Singapore, Đài Loan... đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc gia tăng.
- Phối hợp, tham gia cùng các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại khu kinh tế, các khu công nghiệp như: Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế, Công ty TNHH C&N Vina Huế - Hàn Quốc, Tổng Công ty Viglacera - CTCP... tổ chức một số đợt xúc tiến đầu tư tại một số nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
- Đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư tổ chức tại nước ngoài, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi thực hiện, đảm bảo các quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 5 và Khoản 1, Điều 7 của Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư ban hành theo Quyết định 03/2014/QĐ-TTg.
7. Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các dự án trọng điểm
- Xây dựng các quy định liên quan đến thủ tục tiếp cận đất đai, thu hồi dự án.
- Tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng sạch để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai của các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; tích cực giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục đất đai.
8. Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay:
- Hoàn thiện các hệ thống quy phạm văn bản pháp luật về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thủ tục đầu tư liên quan đến lĩnh vực xã hội hóa và các quy trình thủ tục liên quan khác.
- Thực hiện công bố 20-30 dự án vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định.
- Tập trung hỗ trợ các thủ tục đầu tư của 18 dự án trọng điểm đã có chủ trương công bố kêu gọi đầu tư, dự kiến phải có 5 dự án khởi công trong năm 2019.
- Hình thành các nhóm xúc tiến hỗ trợ đầu tư theo các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
1. Kinh phí: dự kiến: 3.930.000.000 đồng; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Phân công thực hiện
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được phê duyệt theo Kế hoạch này (chi tiết tại Phụ lục kèm theo); phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong một số hoạt động cụ thể theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, cụ thể một số nhiệm vụ chính như sau:
- Chủ trì, phối hợp các ngành rà soát, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2019-2020;
- Đối với các dự án nằm ngoài địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng thông tin chi tiết và tiêu chí các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong năm 2019-2020;
- Đối với các dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ thông tin dự án và tiêu chí kêu gọi đầu tư dự án của các đơn vị được phân công thực hiện, chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các thông tin chi tiết kèm tiêu chí dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong năm 2019-2020;
- Xây dựng kế hoạch tổng thể quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh Thừa Thiên Huế trên thị trường trong và ngoài nước;
- Tham mưu, đề xuất các đại diện chính thức của tỉnh về xúc tiến đầu tư tại các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu;
- Kết nối kêu gọi đầu tư thông qua các kênh ngoại giao, tham tán đầu tư;
- Tham mưu các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để phục vụ kêu gọi đầu tư;
- Phối hợp với Cục Đầu tư ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đào tạo về xúc tiến đầu tư cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh;
- Tổng hợp, báo cáo thường xuyên UBND tỉnh kết quả triển khai các hoạt động của Kế hoạch;
- Thực hiện một số nhiệm vụ liên quan khác.
c) Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh xây dựng thông tin chi tiết và tiêu chí dự án kêu gọi đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
d) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, điều chỉnh dự toán kinh phí năm 2019 phù hợp với phân công nhiệm vụ tại chương trình này.
e) Sở Ngoại vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc kết nối với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước mục tiêu và dịch thuật các tài liệu xúc tiến đầu tư liên quan.
f) Các Sở: Công thương, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh, UBND các huyện và thành phố Huế chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để triển khai các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi liên quan.
Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 114/KH-UBND về Xúc tiến đầu tư năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 790/QĐ-UBND về Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh Thái Bình
- 3 Quyết định 09/QĐ-UBND về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2019 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 4 Quyết định 754/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch xúc tiến đầu tư và du lịch năm 2019 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 5 Công văn 7176/BKHĐT-ĐTNN năm 2018 hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6 Quyết định 1644/QĐ-UBND năm 2018 về danh mục dự án chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 7 Thông báo 175-TB/TW năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 8 Quyết định 03/2014/QĐ-TTg về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 86/2009/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 1644/QĐ-UBND năm 2018 về danh mục dự án chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2 Quyết định 754/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch xúc tiến đầu tư và du lịch năm 2019 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 3 Quyết định 09/QĐ-UBND về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2019 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 4 Quyết định 790/QĐ-UBND về Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh Thái Bình
- 5 Kế hoạch 114/KH-UBND về Xúc tiến đầu tư năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành