Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ/TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị. Mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và công nghiệp chế biến, bảo quản theo theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.

- Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, nâng chất nông thôn mới theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng và phát triển du lịch của địa phương.

II. CHỈ TIÊU

1. Chỉ tiêu kinh tế xã hội

- Tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông nghiệp - thủy sản giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 2,5 - 3%.

- Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản trong cơ cấu kinh tế: 5,6 - 5,9%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7 đến 8%/năm.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%.

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm.

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

- Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân 5%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 25%.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%.

- Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả 65%.

- Thu nhập của dân cư nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

- Đến năm 2025, có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 94%.

2. Chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (phụ lục 1: Chỉ tiêu 2021 - 2025 đính kèm).

III. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

1. Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn

Đẩy mạnh thực hiện công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng lúa. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...). Tăng cường liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Mở rộng liên kết sản xuất thông qua công tác hỗ trợ thành lập các hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành nhóm, tăng cường khả năng tiếp thị sản phẩm và phát triển các dịch vụ nông nghiệp, kỹ năng về hợp tác sản xuất, quản lý rủi ro, hoạt động tín dụng…

Nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức sản xuất và cung ứng giống lúa cấp nguyên chủng và cấp xác nhận theo đúng các quy định tại các cơ sở sản xuất lúa giống đủ điều kiện trong hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa của thành phố Cần Thơ. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản hạt giống, cập nhật các quy định nhà nước về sản xuất kinh doanh giống lúa cho cán bộ quản lý kỹ thuật, nông dân và các cơ sở sản xuất lúa giống. Thực hiện tốt quyền tác giả về giống.

2. Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường

Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới trong nông nghiệp vào điều kiện cụ thể của thành phố Cần Thơ. Tạo bước chuyển biến về nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất như: áp dụng giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM), quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ trên rau quả tươi.

Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi của thành phố Cần Thơ. Từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa trên một số sản phẩm rau, quả tươi với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn.

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện có, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tổ chức phát triển ngành trồng nấm (nấm ăn, nấm dược liệu…) gắn kết với công nghệ bảo quản, chế biến góp phần nâng cao các chuỗi giá trị nông sản. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu rau an toàn: tiếp tục hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể rau an toàn cho các quận huyện, các hợp tác xã sản xuất rau. Tổ chức thực hiện liên kết giữa người sản xuất với các đơn vị thu mua rau an toàn; tổ chức ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Xúc tiến các điểm kinh doanh rau, quả an toàn và hỗ trợ liên kết người sản xuất và các siêu thị để hình thành chuỗi cung ứng rau an toàn bền vững.

3. Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị

Hình thành các mô hình liên kết sản xuất các nông sản đặc sản, sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Trong đó, ứng dụng các giống mới, giống lai F1, ứng dụng công nghệ gây đột biến nhân tạo cho sinh vật cảnh; áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp và công nghệ sinh học để đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất sản xuất sinh vật cảnh, hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hình thành vùng sản xuất hoa kiểng chuyên canh theo hướng tập trung làng nghề, nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch và góp phần tăng thu nhập cho nông dân vùng ven đô thị. Sử dụng giống hoa có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp (IPM), công nghệ sinh học trên hoa kiểng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng, đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa.

4. Phát triển vùng cây ăn trái chuyên canh tập trung

a) Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp

Phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn chất lượng gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và công nghiệp bảo quản, logistic… liên kết tốt với các doanh nghiệp tiêu thụ trái cây nội địa và xuất khẩu. Xây dựng các mô hình liên kết hợp tác sản xuất chuyên canh cây ăn trái kết hợp xây dựng điểm tham quan và du lịch sinh thái nông nghiệp. Tổ chức nhóm nông dân (mô hình tổ liên kết); tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, theo quy trình GAP; kỹ thuật nâng cấp chỉnh trang vườn theo kiểu du lịch sinh thái; tập huấn nông dân dịch vụ phục vụ du lịch (lễ tân, ẩm thực, vệ sinh an toàn thực phẩm...).

b) Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái

Tuyển chọn và công nhận một số giống cây ăn trái đầu dòng như sầu riêng, cam soàn, cam mật, bưởi da xanh, xoài cát, măng cụt, mãng cầu xiêm… cung ứng cho thành phố và các tỉnh lân cận. Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của các cơ sở trên địa bàn; lưu giữ nguồn giống cây ăn trái nhằm bảo tồn và cung ứng nguồn nhân giống, thực hiện liên kết với các viện trường trong chuyển giao, sản xuất giống cây ăn trái chất lượng cao.

5. Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học

- Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và công nghệ giết mổ hiện đại. Tận dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi.

- Xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giúp kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả nhất, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững tại địa phương; người tiêu dùng có nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng.

- Xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP: tăng cường áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAHP nhằm đảm bảo các đối tượng vật nuôi chính (bò, heo, gà, vịt) được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

- Cải tiến và nâng cao chất lượng giống vật nuôi: nhằm cải tiến và xây dựng nguồn giống vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của thành phố và cung ứng sản phẩm cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi của thành phố thành một ngành sản xuất hàng hóa, theo hướng trang trại có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi và giải quyết việc làm ở nông thôn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng những quy trình công nghệ chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Rà soát, đánh giá các cơ sở sản xuất giống hiện có và hướng dẫn nâng cấp phát triển các cơ sở sản xuất giống phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

- Cơ cấu lại hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố: hỗ trợ, hướng dẫn di dời, cải tạo, nâng cấp thành cơ sở giết mổ tập trung, tăng quy mô công suất, đổi mới dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ giết mổ tiên tiến và gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật. Khuyến khích, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào các lĩnh vực giết mổ, chế biến gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

6. Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng

Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản thâm canh, chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt (GAP) đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, các đối tượng thủy đặc sản). Trong đó, tập trung tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Quản lý nuôi trồng thủy sản bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu, thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch sản xuất thủy sản với định hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất giống cá tra tập trung, vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung.

Thực hiện nghiên cứu và sản xuất đại trà các loại giống thủy sản đặc trưng của vùng trên cơ sở vận hành Trung tâm giống thủy sản cấp 1 của thành phố; hoàn thiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nghiên cứu và sản xuất tại Trung tâm. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình… tham gia đầu tư sản xuất giống, cung ứng con giống chất lượng cao cho người nuôi.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức sản xuất

a) Phát triển các mối liên kết trong sản xuất

- Mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và liên kết 4 nhà

Xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, gồm: lúa gạo, cá tra, trái cây và rau, hoa, cây cảnh, nhằm triển khai đồng bộ giữa các quận, huyện của thành phố, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách hỗ trợ như vốn vay, giống, cơ giới hóa...

Tăng cường liên kết với các viện, trường trong vùng (Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả, Trường Đại học Cần Thơ) và cả nước, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông, thủy sản.

Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp - tổ chức tín dụng - nông dân trong việc vay vốn sản xuất để giảm bớt các thủ tục vay vốn hiện còn đang bất cập hoặc liên kết giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân trong việc hỗ trợ đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây con, quy trình sản xuất và chế biến.

Đẩy mạnh phát triển các mối liên kết trực tiếp trong chuỗi sản xuất giữa nông dân và nông dân, giữa nông dân sản xuất và các dịch vụ, giữa doanh nghiệp và nhóm nông dân; giữa doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra...

Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức ký kết hợp đồng theo hướng gia tăng cộng đồng trách nhiệm và gắn kết lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của hộ nông dân trong việc thực thi hợp đồng kinh tế; củng cố và phát triển mạnh kinh tế tập để có thể đại diện hộ xã viên đứng ra ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể: Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới, phát triển các mô hình hợp tác xã quy mô lớn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể. Tổ chức cho hợp tác xã tham quan, học tập mô hình đạt hiệu quả; lồng ghép các chính sách, chương trình dự án triển khai trên địa bàn hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, an toàn cho các hợp tác xã nông nghiệp.

b) Phát triển trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp: Hỗ trợ các hộ có khả năng vốn, lao động và kinh nghiệm sản xuất mở rộng quy mô đất đai, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành kinh tế trang trại; khuyến khích các hộ trang trại lớn, làm ăn hiệu quả chuyển sang thành lập công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

c) Tăng cường triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết hiệu quả: Thực hiện tốt chính sách liên kết sản xuất, hỗ trợ hiệu quả các dự án xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chính sách về phát triển công nghệ sinh học, công nghệ 4.0… phù hợp với điều kiện thành phố Cần Thơ.

d) Đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

- Hoàn thiện quy hoạch và các dự án đầu tư các vùng sản xuất cây con tập trung như: vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng sản xuất rau hoa, cây cảnh, vùng phát triển chăn nuôi tập trung.

- Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng, bao gồm: hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống giao thông phục vụ máy móc cơ giới lưu thông và vận chuyển sản phẩm. Hỗ trợ đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy tại các cơ sở chế biến nông thủy sản công nghiệp hiện đại.

2. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm

Củng cố, sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản; tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào một phần hay toàn bộ các khâu tiêu thụ một sản phẩm. Kết nối được tư duy kinh tế với tư duy thị trường; thiết lập chuyển đổi số để nắm bắt thông tin thị trường, giữa hợp tác xã với các đơn vị phân phối.

Tăng năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo liên kết bền vững giữa người sản xuất với người chế biến. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, tổ chức các sự kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tổ chức quảng bá rộng rãi các sản phẩm chủ lực của thành phố. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, tổ chức hệ thống thu mua và tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán, gây biến động giá cả và làm thiệt hại đến lợi ích của cả người sản xuất, chế biến và tiêu dùng.

Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hàng hóa, trước hết là phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu của thị trường. Phát triển thương mại điện tử.

3. Giải pháp về khoa học, công nghệ và khuyến nông

a) Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ

Với mục tiêu công nghiệp hóa quy trình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng, giữ vững năng suất cao, bảo đảm tính vượt trội về chất lượng, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, bảo đảm thu nhập cho người sản xuất. Phát triển dịch vụ khoa học công nghệ trong nông nghiệp theo định hướng phát triển khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến 2030.

Ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nhằm tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững, bảo vệ môi trường (tăng cường quản lý, theo dõi môi trường đất, nước mặt, trầm tích đáy... đối với vùng canh tác nông nghiệp phải được đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất, ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định). Hoàn thiện quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và từng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao. Khu vực cặp sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày có khả năng thâm canh cao, khu vực còn lại ưu tiên áp dụng các giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu ngập úng và chịu phèn trung bình.

Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm phân bón, nông dược, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng công nghiệp, an toàn thực phẩm và môi trường; các phương pháp kỹ thuật chuẩn đoán nhanh, chính xác về sâu, bệnh, dịch hại, dư lượng thuốc và hóa chất trong nông sản hàng hóa.

Khuyến khích nông hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học, quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố theo yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và mô hình nông nghiệp ven đô thị như phát triển rau, hoa và sinh vật cây cảnh, nhằm giảm bớt áp lực và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn lao động, tạo cảnh quan.

Ưu tiên cho cải tạo và xây mới các công trình thủy lợi trong các khu vực nuôi trồng thủy sản bảo đảm cách ly được nguồn nước cấp và nguồn nước thải đã bị ô nhiễm ra khỏi vùng sản xuất; hoàn thiện quy trình tưới nước tiết kiệm đối với từ cây trồng và vật nuôi nhằm tiết kiệm sử dụng nước và giảm chi phí sản xuất. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao.

b) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông khuyến ngư, đặc biệt là đưa chương trình khuyến nông khuyến ngư vào các trường và các trung tâm dạy nghề. Tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm và chuyên sâu, nhằm chuyển giao nhanh những kết quả nghiên cứu về giống, các mô hình sản xuất có hiệu quả trên từng vùng sinh thái, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Tăng cường kinh phí đầu tư từ ngân sách, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia trực tiếp vào công tác khuyến nông. Ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng hệ thống khuyến nông tự động và trực tuyến nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn kỹ thuật của nông dân và giảm chi phí khuyến nông truyền thống.

Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, trên cơ sở phát huy có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, phong phú hóa một cách thiết thực các hoạt động khuyến nông để người nông dân có thể tiếp nhận nhanh nhất, ứng dụng hiệu quả nhất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kích thích tính sáng tạo của người dân.

c) Cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất

Phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí nông nghiệp. Nghiên cứu các loại máy nông nghiệp có giá thành hạ, công nghệ phù hợp với đặc điểm và quy mô sản xuất, trình độ quản lý và khả năng đầu tư của nông hộ.

Tiếp tục chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu cơ giới hóa của mình và làm dịch vụ cho các hộ khác trong vùng, trong đó tập trung vào các khâu có tỉ lệ cơ giới hóa còn đang thấp.

Chú trọng đầu tư cải tạo mặt bằng đồng ruộng, mở rộng quy mô đất sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung đi đôi với phát triển hệ thống giao thông vận chuyển để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

4. Tăng cường quản lý chất lượng và phát triển công nghiệp chế biến

Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Tăng cường ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phẩm nông thủy sản. Phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm nông sản và thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đảm bảo 100% cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tuyến thành phố, quận, huyện được tập huấn và thường xuyên được cập nhật các kiến thức về quản lý chất lượng nông sản và thủy sản; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản và thủy sản áp dụng Chương trình Quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản và thủy sản được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

5. Giải pháp quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, trong đó xác định số lượng lao động, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ lao động cần đào tạo, bao gồm: công nhân kỹ thuật bán lành nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề và công nhân có kỹ năng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các trang trại và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Mở các lớp tập huấn khuyến nông cho nông dân, nhất là về kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm, cơ giới hóa nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Nâng cao năng lực cho nông dân về kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường Internet và công nghệ 4.0.

Chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trước hết là cán bộ HTX, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho phát triển đào tạo và dạy nghề cho nông dân. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 đào tạo cho 5.600 lao động.

Tăng cường hỗ trợ đào tạo từ các viện, trường thông qua các hình thức triển khai đề tài khoa học, triển khai mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tổ chức thăm quan, hội thảo.

6. Giải pháp huy động vốn

Tổng nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch là 281,391 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước: 229,694 tỷ đồng:

Ngân sách Trung ương là 6,4 tỷ đồng.

Ngân sách địa phương là 223,294 tỷ đồng.

- Nguồn vốn khác (vốn từ các thành phần kinh tế, hộ dân…) là 51,697 tỷ đồng (chi tiết phân kỳ nguồn vốn và phân nguồn kinh phí xem phụ lục đính kèm)

a) Tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

- Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thủy lợi, kết hợp với giao thông, điện và bố trí ổn định đời sống dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công, sử dụng các nguồn vốn đầu tư tập trung, đúng quy hoạch, kế hoạch, chống thất thoát, lãng phí đi đôi với tăng cường kiểm tra và giám sát.

- Đầu tư hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mua sắm máy móc phục vụ cơ giới hóa, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất và cung ứng giống, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản xuất khẩu.

b) Mở rộng nguồn vốn đầu tư tín dụng

Đa dạng hóa các hình thức cho vay, trong đó chú trọng mở rộng các hình thức cho vay không phải thế chấp và cho vay bảo hiểm, tăng vốn vay trung hạn và dài hạn với lãi suất và thời gian phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện chính sách cho vay theo nhóm đối tượng ngành nghề, trong đó ưu tiên cho các nhóm ngành nghề thuộc các dự án xây dựng vùng sản xuất tập trung, vùng ứng dụng công nghệ cao, vùng phát triển nông nghiệp đô thị như nuôi cá tra, sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất rau - hoa - cây cảnh.

c) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Lập các dự án đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, nhất là các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến, kèm theo đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp.

Ưu tiên cho đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đi trước một bước, nhất là vùng còn tiềm năng tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi để tạo thuận lợi và khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.

Ưu tiên triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo các điều kiện theo quy định dược hỗ trợ. Nội dung, định mức hỗ trợ thực hiện theo Nghị định số 98/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các quy định hiện hành.

d) Tìm kiếm và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Đề xuất xây dựng danh mục chương trình, dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, kèm theo hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư. Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, bao gồm: phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và cung ứng giống, phát triển công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản.

Kêu gọi các dự án tài trợ từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế cho lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL xây dựng, quảng bá sâu rộng hình ảnh chung về môi trường đầu tư của thành phố, của toàn vùng và từng lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

7. Phát triển thị trường đất đai

- Phát triển thị trường đất đai ở nông thôn tiến tới sản xuất quy mô lớn.

- Tăng cường năng lực quản lý thị trường đất đai tại địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công theo Quyết định phê duyệt Đề án, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm kịp thời yêu cầu phát triển của ngành, địa phương và thành phố Cần Thơ nói chung.

2. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, giải quyết.

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổng hợp, xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm theo Kế hoạch cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 đã phê duyệt. Đề xuất các nội dung phát sinh, có liên quan để bổ sung vào kế hoạch thực hiện hàng năm.

- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các Sở, ngành và địa phương có liên quan, tổ chức họp định kỳ hàng năm để đánh giá, báo cáo kết quả triển khai và trình Ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.

Trên đây là Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

PHỤ LỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Đính kèm Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. Lĩnh vực trồng trọt:

- Kế hoạch phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ.

- Kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo 2025-2030.

- Kế hoạch đầy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

- Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm nông sản.

- Kế hoạch xác định và bảo vệ phát triển vùng canh tác hữu cơ.

- Kế hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau.

- Kế hoạch phát triển sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn.

- Kế hoạch phát triển hoa kiểng và cây cảnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP.

- Kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong quản lý sản xuất và dịch hại.

2. Lĩnh vực thủy sản:

- Kế hoạch xây dựng các mô hình khuyến ngư chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản và mô hình thủy đặc sản, cá cảnh - vùng nông nghiệp cận đô thị.

- Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Kế hoạch áp dụng VietGAP trong nuôi thủy sản thương phẩm.

- Kế hoạch tăng cường công tác thanh kiểm tra ngành thủy sản.

- Kế hoạch công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản.

- Kế hoạch thu mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Kế hoạch tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Kế hoạch thẩm định đánh giá, xếp loại về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Kế hoạch tái tạo nguồn lợi thủy sản.

- Kế hoạch kiểm tra theo quy chuẩn QCVN 02 - 20: 2014/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Kế hoạch kiểm tra lần đầu cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

- Dự án nuôi trồng thủy sản tuần hoàn.

- Dự án ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại phục vụ ngành thủy sản.

- Dự án sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực bằng phương pháp tiêm ARNi tạo tôm cái giả.

- Dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao.

- Dự án ứng dụng công nghệ vaccine trong nuôi cá tra thương phẩm ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt.

- Dự án sản xuất chế phẩm sinh học, các chất bổ sung vào thức ăn nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản.

3. Lĩnh vực chăn nuôi:

- Kế hoạch xây dựng các mô hình chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

- Kế hoạch xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP.

- Kế hoạch cải tiến và nâng cao chất lượng giống vật nuôi.

- Kế hoạch cơ cấu lại hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

4. Phát triển nông thôn:

- Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động cho hợp tác xã nông nghiệp.

- Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2025.

5. Lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp:

- Chương trình khuyến nông thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030.

- Kế hoạch thâm canh và cải tạo vườn cây ăn trái kết hợp với xây dựng nhãn hiệu giai đoạn 2021-2025.

- Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

- Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu "Giống cây con Cần Thơ".

- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp.

6. Lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:

- Chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch thực hiện đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2030.

- Kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp.

- Kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

- Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch triển khai thẩm định chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

7. Lĩnh vực nước sạch:

- Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

- Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.

- Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Thới Lai.

- Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện Phong Điền.

 

PHỤ LỤC 1

CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Đính kèm Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch 2021 - 2025

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

A

B

C

2

3

4

5

6

A

Sản xuất

 

 

 

 

 

 

I

Trồng trọt

 

 

 

 

 

 

1

Cây lúa

 

 

 

 

 

 

 

DT gieo trồng

ha

206.915

210.520

209.260

208.010

206.780

 

Năng suất

tấn/ha

6,10

6,17

6,19

6,21

6,22

 

Sản lượng

tấn

1.262.595

1.299.030

1.294.950

1.290.990

1.287.085

1.1

Lúa Đông Xuân

 

 

 

 

 

 

 

DT gieo trồng

ha

76.290

78.255

77.760

77.270

76.780

 

Năng suất

tấn/ha

7,20

7,14

7,14

7,14

7,14

 

Sản lượng

tấn

548.960

558.650

555.200

551.840

548.480

1.2

Lúa Hè Thu

 

 

 

 

 

 

 

DT gieo trồng

ha

72.205

73.265

72.500

71.740

71.000

 

Năng suất

tấn/ ha

5,73

5,83

5,86

5,89

5,92

 

Sản lượng

tấn

413.565

427.130

424.790

422.470

420.190

1.3

Lúa Thu Đông

 

 

 

 

 

 

 

DT gieo trồng

ha

58.420

59.000

59.000

59.000

59.000

 

Năng suất

tấn/ha

5,14

5,31

5,34

5,37

5,40

 

Sản lượng

tấn

300.070

313.250

314.960

316.680

318.415

2

Rau, màu, đậu các loại

 

 

 

 

 

 

 

- Diện tích

ha

14.760

16.035

16.120

16.200

16.300

 

- Sản lượng

tấn

158.100

188.765

196.315

204.095

212.435

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

2.1

Cây bắp

 

 

 

 

 

 

 

DT gieo trồng

ha

750

920

925

930

935

 

Năng suất

tấn/ha

 

 

 

 

 

 

Sản lượng

tấn

5.386

5.160

5.200

5.230

5.300

3

Cây lâu năm

ha

 

 

 

 

 

3.1

Cây ăn quả: - Tổng diện tích

ha

22.600

23.060

23.210

23.360

23.510

 

- Sản lượng

tấn

151.340

152.196

153.186

154.176

155.166

II

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

1

Đàn gia súc, gia cầm

con

 

 

 

 

 

1.1

Đàn trâu

con

 

 

 

 

 

1.2

Đàn bò

con

4.800

5.000

5.000

5.000

5.000

 

Trong đó: Bò sữa

con

1.400

1.400

1.500

1.500

1.500

1.3

Đàn heo (tổng số)

con

130.000

135.000

140.000

145.000

150.000

 

Tr.đó - Heo sinh sản

con

 

 

 

 

 

 

- Heo thịt

con

 

 

 

 

 

1.4

Đàn gia cầm

con

1.950.000

2.000.000

2.000.000

2.050.000

2.100.000

 

Trong đó: - Gà

con

600.000

650.000

650.000

700.000

700.000

 

- Vịt

con

1.350.000

1.350.000

1.350.000

1.350.000

1.400.000

2

Sản phẩm chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

2.1

Thịt hơi các loại

tấn

39.000

39.500

40.000

41.000

42.000

 

Thịt hơi gia súc

tấn

31.000

31.000

31.000

31.500

32.000

 

Thịt gia cầm

tấn

8.000

8.500

9.000

9.500

10.000

2.2

Trứng gia cầm

1000 quả

93.000

93.500

94.000

95.000

96.000

III

Thủy sản

 

 

 

 

 

 

1

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản

ha

8.200

8.500

9.000

9.500

10.000

1.1

Diện tích nuôi cá

ha

8.189

8.460

8.950

9.450

9.925

 

DT nuôi cá tra

ha

736

750

750

750

750

1.2

Diện tích nuôi tôm

ha

11

40

50

50

75

2

Tổng sản lượng thủy sản

tấn

202.000

230.000

240.000

240.000

254.000

2.1

Nuôi trồng

tấn

199.600

227.600

237.600

237.600

251.600

2.1.1

Sản lượng nuôi cá

tấn

199.588

227.558

237.546

237.546

251.515

 

Sản lượng nuôi cá tra

tấn

163.765

170.000

170.000

170.000

170.000

2.1.2

Sản lượng nuôi tôm

tấn

12

42

54

54

85

2.2

Khai thác

tấn

2.400

2.400

2.400

2.400

2.400

IV

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

Trồng cây phân tán

1000 cây

800

800

800

800

800

B

Phát triển nông thôn

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch nông thôn (QC02)

%

87

89

91

93

94

2

Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu

1

1

2

2

2

3

Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao

4

4

5

6

5