ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2134/KH-UBND | Hải Dương, ngày 28 tháng 6 năm 2018 |
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Nghị quyết 89/2008/NQ-HĐND ngày 22/02/2008 của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 393/QĐ-UBND ngày 30/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh Hải Dương giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến 2020; Quyết định số 209/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 24/7/2014 của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hanh Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Căn cứ các đề án, chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:
- Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Hải Dương.
- Thu hút tối đa các nguồn lực từ các doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thiết kế thời trang, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa... trở thành ngành kinh tế dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương.
- Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Hải Dương phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với quảng bá hình ảnh và con người Hải Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế.
- Việc xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của nhân dân.
1. Mục tiêu chung
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở tỉnh bao gồm: Thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Hải Dương, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
2. Mục tiêu chủ yếu
2.1. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020
- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,3% GRDP của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; trong đó, đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 15% trong tổng số khoảng 1.700 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.
- Phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
- Định hướng và từng bước phát triển các lĩnh vực: Phát thanh và truyền hình, xuất bản, thiết kế, thời trang, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí trở thành những ngành kinh tế dịch vụ.
2.2. Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030
- Phấn đấu tổng thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 3% GRDP của tỉnh; trong đó, đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.
- Phát triển đa dạng, từng bước đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển ngành công nghiệp văn hóa
a) Công tác tuyên truyền, quảng bá
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
- Tăng cường quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ văn hóa của công chúng, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm văn hóa có chất lượng mang thương hiệu Hải Dương có sức cạnh tranh cao với thị trường trong nước và khu vực, mở rộng quan hệ hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo sản phẩm và thị trường cho công nghiệp văn hóa phát triển.
b) Xây dựng cơ chế, chính sách
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hợp tác sản xuất và kinh doanh các nhóm ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển đối với các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Hải Dương.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm và vốn để đầu tư vào các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trọng điểm (chính sách về thuế, vốn, đất đai...). Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hỗ trợ sự sáng tạo đối với các văn nghệ sĩ trong các ngành công nghiệp văn hóa. Nâng cao năng lực của cơ quan bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch trong trường hợp cần thiết.
- Rà soát lại cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong công tác quản lý đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết của ngành mình để tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả cao, thiết thực hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Hải Dương.
c) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ làm việc trong các nhóm ngành công nghiệp văn hóa; ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ đào tạo chuyên sâu cho các ngành công nghiệp văn hóa đến tỉnh làm việc.
- Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh. Bố trí cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bản quyền.
- Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến làm việc tại tỉnh Hải Dương.
d) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ
- Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.
- Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, triển lãm...; tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.
e) Thu hút và hỗ trợ đầu tư
- Xây dựng chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa săn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
- Tỉnh ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.
- Kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và ngoài nước đầu tư vào Hải Dương tập trung vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, từ đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm, quà tặng.
- Xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm, quà tặng; phối hợp các ngành thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề truyền thống.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng.
- Tạo điều kiện hỗ trợ thành lập một số hội nghề nghiệp như: Hội thủ công mỹ nghệ, Câu lạc bộ nghệ nhân... Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
f) Phát triển thị trường
- Tổ chức kết nối tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản của tỉnh Hải Dương với các tỉnh bạn. Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm nâng cao năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng, người tiêu dùng đối với các thương hiệu của Hải Dương.
- Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng của tỉnh Hải Dương.
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; từng bước xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của tỉnh ra nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.
- Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước có liên quan đến công nghiệp văn hóa.
g) Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế
- Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch trong nước và quốc tế tại Hải Dương trở thành các sự kiện thường niên, tầm cỡ quốc gia hoặc khu vực, có uy tín trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm, tham gia của các địa phương và người nước ngoài.
- Tăng cường sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Hải Dương ở nước ngoài.
- Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Hải Dương, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của tỉnh tại các liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế đặc biệt là với các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị với tỉnh; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại, ngoại giao.
2. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh
a) Du lịch văn hóa
- Tập trung nguồn lực phát triển những sản phẩm, thương hiệu du lịch mang tính đặc trưng, nổi trội và là thế mạnh của tỉnh để trở thành những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia và khu vực trên cơ sở khai thác, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội và tâm linh (lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lễ hội Đền Cao An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Lễ hội Mao Điền - Chùa Giám - Đền Bia...); du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (Đảo Cò - Chí Lăng Nam)... Xây dựng Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu du lịch quốc gia. Phối hợp với các tỉnh xây dựng hồ sơ quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng với Yên tử và các di tích của Đông Triều (Quảng Ninh), Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang) đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại; Xây dựng Khu du lịch trung tâm thành phố Hải Dương và phụ cận trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa mới của tỉnh gắn với nông nghiệp, thể thao, nghỉ dưỡng. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện các tua, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh (tua du lịch làng nghề truyền thống, điểm mua sắm sản phẩm làng nghề... đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch)
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vào các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển theo thứ tự ưu tiên. Đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng giao thông, tài chính, viễn thông, điện, nước, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...; giữ gìn, tạo dựng cảnh quan môi trường các tuyến đường thuộc các tua, tuyến, điểm tham quan, du lịch đảm bảo sạch đẹp, văn minh, an toàn, thân thiện. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt là đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và người phục vụ trực tiếp khách du lịch tại các cơ sở du lịch; hướng dẫn tập huấn cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
- Tăng cường quảng bá xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch, thế mạnh về miền đất, văn hóa và con người Hải Dương nhằm thu hút khách du lịch, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Chú trọng công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; xúc tiến quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài tỉnh để kích thích nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
b) Nghệ thuật biểu diễn
- Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tỉnh (các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ...), kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống.
- Khuyến khích phát triển các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập (doanh nghiệp, tư nhân); từng bước thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm từng loại hình nghệ thuật. Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật truyền thống, tổ chức sự kiện...
- Quan tâm, tạo điều kiện cho các đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên kịch, diễn viên, người dẫn chương trình được tham gia bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tạo nguồn cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; tôn vinh nghệ nhân; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn. Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của tỉnh.
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn.
c) Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm
- Về mỹ thuật: Có chính sách thu hút đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao có tính chuyên nghiệp đến tỉnh làm việc; từng bước phát triển đội ngũ nghiên cứu, phê bình trong lĩnh vực mỹ thuật.
Xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc; phát triển mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.
- Về nhiếp ảnh: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh về quê hương, văn hóa, con người Hải Dương để tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, nhằm quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách và giao lưu quốc tế.
Quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ nhiếp ảnh được tham gia bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa.
- Về triển lãm: Nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm Triển lãm kinh tế - kỹ thuật của tỉnh có khả năng tổ chức triển lãm, hội chợ có quy mô lớn, hiện đại; Xây dựng thương hiệu nhằm xúc tiến quảng bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín trong và ngoài nước.
d) Quảng cáo
- Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch hệ thống tuyên truyền trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Thúc đẩy và hoàn thiện hệ thống các bảng tuyên truyền gắn với quảng cáo thương mại ngoài trời bằng hình thức xã hội hóa.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật sổ.
- Tổ chức các sự kiện quảng cáo tại tỉnh. Tăng cường quảng cáo tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch.
- Quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ thiết kế quảng cáo được tham gia bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa.
e) Thủ công mỹ nghệ
- Tiếp tục hỗ trợ các làng nghề truyền thống như: trạm khắc gỗ nghệ thuật, gốm sứ, đúc kim loại, thêu, mây, tre đan...; tổ chức sản xuất các sản phẩm trưng bày, quà tặng lưu niệm phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
- Khuyến khích các nhà đầu tư thành lập các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
f) Phát thanh - Truyền hình
Thực hiện tốt lộ trình nâng cấp số hóa truyền hình mặt đất. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất chương trình.
Xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trở thành đơn vị báo chí, truyền thông đa phương tiện, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.
g) Điện ảnh
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Bố trí quỹ đất, khuyến khích xã hội hóa xây dựng cụm rạp chiếu phim tại thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh, Kinh Môn... đạt chất lượng cao, hiện đại đảm bảo đủ điều kiện tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, tăng thu các dịch vụ chiếu phim, quảng cáo.
h) Kiến trúc
Phát huy vai trò của Hội Kiến trúc sư tỉnh (Hội VHNT) và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc trong tỉnh; tham gia có hiệu quả trong thiết kế kiến trúc các công trình, biểu tượng trên địa bàn tỉnh tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kiến trúc phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
i) Thiết kế, thời trang
Khuyến khích các công ty, xưởng may, nhà thiết kế thời trang bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu các sản phẩm văn hóa tạo ra nhiều mẫu sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hải Dương bằng các chất liệu phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
1. Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.
2. Ngân sách nhà nước và vốn các chương trình mục tiêu (theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ) hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
3. Nguồn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức Chính trị - Xã hội
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội;
- Vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn nhằm nâng cao hình ảnh về miền đất, con người Hải Dương để thu hút các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan đầu mối, trực tiếp tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp cần thiết.
- Phối hợp, đôn đốc các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; đề xuất hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế phối hợp liên ngành, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai; chính sách đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo, karaoke, vũ trường và các hoạt động văn hóa khác. Tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.
3. Các sở, ban, ngành của tỉnh
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Cân đối, bố trí kinh phí hằng năm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định hiện hành; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt.
- Sở Thông tin và Truyền thông:
Căn cứ tình hình thực tế tham mưu, định hướng công tác tuyên truyền trong tỉnh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và của tỉnh để tuyên truyền rộng rãi hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Hải Dương, cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo trên báo chí, phát thanh truyền hình.
- Các Sở, ngành: Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đối với các lĩnh vực quản lý nêu tại Kế hoạch này; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Tăng cường công tác tuyên truyền việc tổ chức thực hiện Kế hoạch, góp phần động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch. Xây dựng kế hoạch thực hiện quảng bá trên báo chí, phát thanh truyền hình.
- Hội Văn học nghệ thuật tỉnh:
Tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, các cuộc trưng bày triển lãm, hội thảo, các đợt thực tế trong và ngoài tỉnh nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa của tỉnh. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, tăng nguồn thu, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Hải Dương trong nước và nước ngoài.
4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, hằng năm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trên địa bàn;
- Cân đối ngân sách hằng năm, đầu tư ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo Kế hoạch.
- Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
5. Các Hiệp hội, Hội ngành nghề, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan
- Phối hợp triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát huy vai trò, trách nhiệm và tính sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp trong tham gia đầu tư, xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của tỉnh, đặc biệt là du lịch văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt, là thế mạnh của tỉnh và có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao quy mô, tầm vóc doanh nghiệp nhất là kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp; xây dựng bộ phận chuyên trách và dành nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ triển khai công tác quảng bá, xúc tiến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao.
Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, các đơn vị, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ được giao về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 1439/KH-UBND năm 2019 tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 2 Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và định mức chi hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 3 Kế hoạch 253/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 4 Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 5 Kế hoạch 9585/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng
- 6 Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7 Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị quyết 102/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Chính phủ ban hành
- 9 Nghị quyết 89/2008/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 1 Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Kế hoạch 9585/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng
- 3 Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 4 Kế hoạch 253/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 5 Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và định mức chi hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 6 Kế hoạch 1439/KH-UBND năm 2019 tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh