Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 07 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC NGUỒN NƯỚC NỘI TỈNH, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công văn số 1799/BTNMT-TNN ngày 19/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm điều tra, đánh giá, thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu thuộc tính liên quan đến tài nguyên nước thông qua các hoạt động quan trắc, giám sát, thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá tổng hợp về số lượng, chất lượng nguồn nước, đánh giá trữ lượng tiềm năng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước một cách có hệ thống phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.

2. Yêu cầu

- Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg.

- Phải đảm bảo tính hệ thống, kế thừa, công khai, khoa học và phát triển, tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước hiện hành, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước của địa phương.

II. NHIỆM VỤ ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC

1. Đối với hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên

a) Xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước của địa phương; hệ thống cảnh báo, dự báo tài nguyên nước:

- Duy trì vận hành hệ thống trạm quan trắc tài nguyên nước hiện có (Trạm quan trắc nước mặt Mai Pha, Giếng quan trắc nước dưới đất tại phường Đông Kinh, phường Tam Thanh và thị trấn Đồng Đăng).

- Đầu tư xây dựng mới một số trạm quan trắc tài nguyên nước trên cơ sở nhu cầu thông tin, số liệu tài nguyên nước để phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp với mạng quan trắc của Trung ương; quan trắc được quy luật biến đổi số lượng và chất lượng nguồn nước nội tỉnh, giám sát và kiểm soát được việc khai thác, xả nước thải vào nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước. Căn cứ vào nguồn lực của địa phương, thực hiện xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên quan trắc các nguồn nước cấp cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; giám sát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước từ các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.

Xây dựng mạng lưới trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phục vụ quản lý, được thể hiện trong quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 11 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Trên cơ sở nhu cầu dùng nước cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tiến hành xây dựng hai (02) trạm quan trắc nước dưới đất kết hợp khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong khu vực địa điểm tại xã Phú Xá và xã Thụy Hùng huyện Cao Lộc; quan trắc được các thông số mực nước, lưu lượng, chất lượng nước; các dữ liệu về lưu lượng khai thác và mực nước hạ thấp được kết nối tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi; xây dựng lắp đặt hai (02) trạm quan trắc nước dưới đất tại thành phố Lạng Sơn trên cơ sở các giếng khai thác nước dưới đất hiện có, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi diễn biến mực nước khai thác và lưu lượng khai thác tại các giếng đang khai thác; định kỳ quan trắc chất lượng nước dưới đất đối với một số các thông số cơ bản theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT gồm: PH, TDS, Amoni (NH4 ), Nitrat (NO3-), Clorua, Xyanua, Asen, Pb, Mn, Fe, Coliform, E.coli. Xây dựng một (01) trạm quan trắc nước mặt trên sông Thương, đoạn qua địa bàn huyện Hữu lũng nhằm quan trắc diễn biến mực nước, lưu lượng dòng chảy và chất lượng nước mặt đối với các thông số chủ yếu theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT gồm: PH, BOD5, COD, DO, TSS, Amoni (NH4 tính theo N), Clorua, Xyanua, Pb, Fe, Mn, Chất hoạt động bề mặt, Tổng dầu, mỡ, Coliform, E.coli.

- Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra tại các khu vực đã hoặc được dự báo có nguy cơ xảy ra lũ lụt, hạn hán; ưu tiên những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trên cơ sở kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh để đề xuất xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b) Xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước:

Hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước ở địa phương, làm căn cứ để đánh giá sự tuân thủ theo Giấy phép tài nguyên nước đã được cấp và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ việc xử lý các vấn đề phát sinh trên địa bàn tỉnh.

c) Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước:

Thường xuyên duy trì, cập nhật dữ liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương đã được xây dựng.

d) Kiểm kê tài nguyên nước, xây dựng báo cáo tài nguyên nước:

- Xây dựng kế hoạch kiểm kê, tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.

- Thống kê, tổng hợp, lập báo cáo tài nguyên nước; lập báo cáo sử dụng nước của địa phương hằng năm theo Điều 12 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/01 của năm sau.

2. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ

a) Điều tra, đánh giá tổng hợp nước dưới đất và tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất:

- Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt.

- Điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất gắn với công trình phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn và khó khăn ở vùng biên giới, vùng khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn.

b) Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:

- Đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản, lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt; đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt theo từng giai đoạn trên các nguồn nước nội tỉnh.

- Điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm của các hồ chứa quan trọng, có khả năng điều tiết mùa, năm, nhiều năm trên lưu vực sông nội tỉnh, ưu tiên đối với các hồ có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên; tổng hợp đánh giá diễn biến lượng nước trữ được của các hồ trên phạm vi tỉnh, từng lưu vực sông theo giai đoạn 5 năm.

- Công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được phê duyệt theo thẩm quyền của UBND tỉnh.

- Điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông nội tỉnh: sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Trung, sông Bắc Khê, sông Bắc Giang, sông Lục Nam, nhóm các sông ngắn chảy về Quảng Ninh. Trong đó, ưu tiên thực hiện trên các sông, suối, đoạn sông suối có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước: thực hiện điều tra, đánh giá, xác định khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ nội tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên các lưu vực sông: sông Kỳ Cùng, sông Thương, trong đó, ưu tiên thực hiện đối với các sông, suối trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước và sông, suối, đoạn sông, suối đã được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu.

d) Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: trên cơ sở kết quả khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt và công bố; tiếp tục rà soát, bổ sung khu vực hạn chế khai thác, xây dựng phương án thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định.

3. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù

Căn cứ yêu cầu về thông tin, số liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định về nội dung, nhiệm vụ thực hiện cụ thể đối với từng hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù sau đây:

a) Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước.

b) Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước dưới đất; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

c) Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.

d) Xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

đ) Các nhiệm vụ khác theo yêu cầu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý.

III. THỨ TỰ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN

1. Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông hồ là nguồn nước nội tỉnh Lạng Sơn: thực hiện theo Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và Dự toán kinh phí thực hiện dự án điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh Lạng Sơn.

2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lạng Sơn; thường xuyên cập nhật, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh: thực hiện theo Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 09/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lạng Sơn.

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 UBND tỉnh phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn: thực hiện lập Phương án tổ chức thực hiện Quyết định số 655/QĐ- UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh về việc giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị khối tỉnh, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.

4. Xây dựng và duy trì mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước đến năm 2025. Xây dựng mới hai (02) trạm quan trắc nước dưới đất kết hợp khai thác trên địa bàn huyện Cao Lộc và hai (02) trạm quan trắc kết hợp khai thác trên cơ sở các giếng khai thác nước dưới đất đang hoạt động trên địa bàn thành phố Lạng Sơn nhằm quan trắc diễn biến sự thay đổi mực nước hạ thấp, biến đổi chất lượng nước theo thời gian trong các tầng chứa nước khu vực. Thực hiện kết nối mạng lưới quan trắc nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, truyền tự động số liệu quan trắc được về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn để theo dõi.

5. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở địa phương.

6. Tham gia thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025; lập báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; lập báo cáo sử dụng nước của địa phương hằng năm theo quy định.

7. Tiếp tục rà soát, khoanh định bổ sung các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn theo quy định.

8. Thực hiện việc điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm của các hồ chứa có khả năng điều tiết (điều tiết mùa, năm, nhiều năm), có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên, các hồ thuộc Danh mục nguồn nước nội tỉnh.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Thực hiện chính sách, cơ chế quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với Luật Ngân sách; nhà nước mua thông tin số liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước từ các tổ chức, cá nhân đảm bảo theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng.

2. Xây dựng cơ chế quản lý, cấp vốn cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước bằng nguồn thu từ các hoạt động tài nguyên nước (thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác, phí bảo vệ môi trường) và phí sử dụng thông tin, số liệu tài nguyên nước.

3. Thực hiện đúng các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm điều tra cơ bản tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền đã ban hành.

4. Áp dụng, lựa chọn các phương pháp, thiết bị, mô hình, công cụ kỹ thuật tiên tiến có độ chính xác cao, sử dụng có hiệu quả trong điều tra cơ bản tài nguyên nước để phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tài nguyên nước.

5. Xây dựng danh mục các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

6. Tăng cường tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về điều tra, đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ, mô hình, công cụ phân tích, đánh giá hiện đại trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn vốn:

- Ngân sách nhà nước: Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế.

- Nguồn vốn khác: Nguồn của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước được UBND tỉnh cấp giấy phép.

2. Tổng kinh phí thực hiện: 11.500 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách địa phương: 10.000 triệu đồng.

- Vốn khác: 1.500 triệu đồng (nguồn các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước được UBND tỉnh cấp giấy phép, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT).

 (Có Danh mục đề án, dự án ưu tiên thực hiện kèm theo Kế hoạch này)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các đề án, d ự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong Kế hoạch này, xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Hàng năm, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch và kết quả thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 11, Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

3. Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế, nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện các đề án, dự án theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát đánh giá nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, nguồn chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo thực hiện Kế hoạch.

4. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, phê duyệt kế hoạch và báo cáo tình hình thực hiện đối với việc điều tra, thống kê, tổng hợp tình hình sử dụng nước hằng năm theo quy định.

5. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ cho mục đích điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan:

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh;

- Thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch này và các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền của địa phương.

b) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn quản lý gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Quản lý tài nguyên nước - BTNMT;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn;
- C, PVP UBND tỉnh, Phòng TH-NC, Trung tâm THCB;
- Lưu: VT, KT (NNT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh